Emagazine
Bài 2: "Dân vận khéo" trong đồng bào tôn giáo
Vào giữa năm 2024, tại chùa Pháp Lâm, phường Nam Dương (quận Hải Châu), Ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố cùng Đội tình nguyện viên máu sống Gia đình Phật tử Đà Nẵng phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố, Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức ngày hội hiến máu năm 2024.
Ngày hội đã thu về 262 đơn vị máu và có 40 tình nguyện viên đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Hoạt động ý nghĩa và thiết thực này được tổ chức từ nhiều năm nay.
Nhiều thành viên Đội tình nguyện viên máu sống cho biết, họ sẵn sàng hiến máu cứu người bất cứ thời điểm nào khi có yêu cầu và sẽ thường xuyên vận động thanh niên tham gia, góp phần vào “ngân hàng” máu di động.
Còn tại quận Ngũ Hành Sơn, Chi hội từ thiện Quan Thế Âm (chùa Quan Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn) thường xuyên thực hiện công tác an sinh xã hội với mô hình “Nồi cháo tình thương”.
“Nồi cháo tình thương” được duy trì đều đặn hàng tháng tại các bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thêm chút ấm lòng. Hòa thượng Thích Huệ Vinh, Trụ trì chùa Quan Thế Âm cho biết, công tác an sinh xã hội đã có truyền thống từ lâu của chùa.
Bên cạnh “Nồi cháo tình thương”, Chi hội từ thiện còn có mô hình “Quán chay không đồng”, “Chuyến xe không đồng” để phục vụ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, chi hội đóng góp các chương trình hỗ trợ xây nhà tặng đồng bào nghèo của tỉnh Điện Biên.
Cạnh đó, phật tử thành phố triển khai chương trình hỗ trợ học phí cho sinh viên nghèo, nhận nuôi và bảo trợ tại nhà các cháu có hoàn cảnh đơn thân vì cha mẹ mất trong Covid-19 cho đến khi trưởng thành; chương trình “Chia sẻ yêu thương” tặng thực phẩm và tiền mặt cho những mảnh đời bất hạnh; hỗ trợ kinh phí xây nhà, sửa chữa 20 tình thương, nhà đại đoàn kết.
“Tăng ni các chùa còn đồng hành với các ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện các chương trình Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi, quan tâm tặng quà đến các em học sinh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, giúp các em vững bước trên con đường học tập...”, sư cô Thích Nữ Thanh Quế, Trưởng ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố chia sẻ.
Trưởng ban Tôn giáo thành phố Nguyễn Cao Cường cho biết, thời gian qua, các tôn giáo đẩy mạnh triển khai các hoạt động từ thiện nhân đạo dưới nhiều hình thức, như: cứu trợ thiên tai, lũ lụt; chăm sóc người già neo đơn, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nhà tình nghĩa; phụng dưỡng người có công; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, người nhiễm HIV; ủng hộ quỹ phòng chống thiên tai, quỹ vì người nghèo; mở các bếp ăn từ thiện....
Hòa thượng Thích Huệ Vinh, Trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Phật giáo thành phố Đà Nẵng là đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 và là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
Thông qua các kỳ họp, Hòa thượng Thích Huệ Vinh đã gửi gắm những kiến nghị của tăng ni, phật tử nói riêng, tôn giáo thành phố nói chung đến chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, bản thân hòa thượng có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho hoạt động của HĐND thành phố, góp ý xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, được cử tri và chính quyền thành phố ghi nhận, đánh giá cao.
Đến nay, ông Nguyễn Hưng Long làm Trưởng ban công tác Mặt trận Mân Lập Đông 2, phường Mân Thái, quận Sơn Trà hơn 12 năm. Là người Phật giáo, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi ”, ông Long cùng Ban công tác Mặt trận Mân Lập Đông 2 luôn ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ tiên quyết giúp Ban công tác Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Để tạo sự đoàn kết, thống nhất đó, Ban công tác Mặt trận xây dựng mô hình “KDC chung một tấm lòng”. Qua đó, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng các hoạt động ở KDC, tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn; đầu tư kinh phí làm xe thu gom rác tài nguyên với quyết tâm giảm lượng rác thải ra môi trường; đồng thời, có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ các trường hợp khó khăn tại KDC.
Trước đây, rác thải hàng ngày từ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh được các hộ gia đình thu gom, cho vào xe rác chuyên chở. Từ khi triển khai mô hình, vào mỗi chiều chủ nhật hằng tuần, đại diện cấp ủy, Mặt trận, các ban ngành đoàn thể, ban điều hành tổ dân phố phối hợp đẩy xe quanh KDC để thu gom rác tài nguyên.
Sau khi thu gom, số phế liệu được chính những người dân trong KDC tự nguyện phân loại và đem bán, số tiền thu được sẽ trích 30% hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và chương trình “Thành phố 4 an"”, ông Long chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thao là người theo đạo tin lành cũng là một trường hợp như thế. Vào năm 2006, khi còn đương chức giáo viên, ông được người dân tổ 6, phường Tân Chính, quận Thanh Khê bầu làm tổ trưởng cho đến bây giờ. Hiện nay, tổ dân phố có gần 60% đồng bào có đạo nên vai trò của người tổ trưởng hết sức quan trọng, làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Cầu nối phải thật vững, thật chắc mới bền, do đó, bản thân ông luôn nỗ lực, xông xáo để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, nhất là 4 nhiệm vụ của tổ dân phố theo Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 30-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố”, nay là Chỉ thị số 40-CT/TU về “tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố”.
Chính nhờ đó, tình làng nghĩa xóm trong tổ luôn gắn kết, người có đạo luôn hướng một lòng vào Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) có hơn 80% đồng bào công giáo. Những năm qua, đồng bào công giáo xã Hòa Sơn luôn đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, mới đây, trong dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, nhiều đồng bào công giáo nằm trong diện giải tỏa, đền bù.
Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Duy Phương cho biết, để vận động đồng bào công giáo thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa, Đảng ủy xã chỉ đạo hội, đoàn thể đến làm việc với các nhà thờ, giáo xứ, giáo họ, qua đó, nhờ các tổ chức này vận động đồng bào thực hiện chủ trương của thành phố. Nhờ đó, đồng bào công giáo đồng thuận và kịp thời bàn giao mặt bằng cho dự án.
Theo nhìn nhận của Ban Tôn giáo thành phố, các chức sắc, chức việc các tôn giáo đã tham gia tích cực vào công tác xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc và khơi dậy ý thức công dân.
Trưởng ban Tôn giáo thành phố Nguyễn Cao Cường cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 9 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo hợp pháp (Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Họ đạo Cao đài Đà Nẵng, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo), với 205 cơ sở thờ tự, công trình tôn giáo, công trình chuyên dùng, 1.111 chức sắc, nhà tu hành, 1.301 chức việc, gần 150.000 tín đồ các tôn giáo.
.
Thời gian qua, để triển khai kịp thời, thống nhất, hiệu quả các quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Trung ương, UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Các nhu cầu hoạt động tôn giáo thuần túy, hợp pháp đều được cơ quan chức năng thành phố xem xét, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật như: Lễ hội Quán Thế Âm, Phật đản, An cư kiết hạ, Vu lan của Phật giáo; Lễ Giáng sinh, Phục sinh của Công giáo và Tin lành; Lễ Thánh Đán Đức Chí Tôn của các Hội thánh Cao đài.
Theo ông Cường, trong nhiều năm qua, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đông đảo tín đồ các tôn giáo đã chung tay cùng các tầng lớp nhân dân thành phố, đồng thuận với chính quyền để cùng góp sức xây dựng, phát triển thành phố xứng đáng danh hiệu “Thành phố đáng sống”. Theo đó, đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Trong đó, hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phát động, đã được cụ thể hóa thành các phong trào ở các xóm đạo, họ đạo, như: “Khu dân cư sống tốt đời đẹp đạo”, “Giáo xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo hạnh phúc, gương mẫu, người giáo dân tiêu biểu, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, xóm làng yên vui”. Các phong trào thực sự đi vào đời sống của người công giáo và thu được những kết quả đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, tôn giáo thành phố đã tích cực thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị của thành phố. Ông Nguyễn Cao Cường cho biết, đây được xem là một chủ trương lớn đòi hỏi phải có sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Thông qua công tác vận động, các chức sắc, động viên bà con tín đồ các tôn giáo ủng hộ và chấp hành chủ trương của thành phố.