Emagazine

Multimedia - Sức mạnh của dân vận khéo nhìn từ Đà Nẵng

Bài 3: "Dân vận khéo" góp phần yên dân

19:03, 10/08/2024 (GMT+7)

 

 

 

Để giải quyết kịp thời các kiến nghị của công dân, đầu năm 2024, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”.

Tuy mới đi vào hoạt động nhưng mô hình đã giúp chính quyền địa phương kịp thời lắng nghe và giải quyết các kiến nghị của công dân ngay từ cơ sở, tạo niềm tin của nhân dân vào chính quyền.

Sáng 1-6-2024, “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” phường Hòa An tổ chức hỗ trợ công dân tại khu dân cư số 1, 2, 3, 8. Trong buổi sáng, 16 ý kiến liên quan đến đăng ký tạm trú, khai sinh, trợ cấp cho các đối tượng bị bệnh chạy thận, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, môi trường, điện chiều sáng được tổ ghi nhận; nhiều ý kiến được lãnh đạo UBND phường giải đáp trực tiếp; những kiến nghị ngoài thẩm quyền, tổ tiếp nhận để kiến nghị các cấp có thẩm quyền.

Ông Lê Quý Hiệu, Tổ tưởng Tổ dân phố số 36, phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) cho biết, mô hình "Tổ hỗ trợ công dân lưu động" của phường thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc giúp dân kịp thời phản ánh các kiến nghị một cách nhanh nhất. Qua đây cũng tạo sự gần gũi, thân thiện giữa nhân dân đối với cán bộ, giúp dân thêm tin tưởng vào chính quyền.

Nhiều người dân của địa phương cũng đánh giá cao mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”. Bởi lẽ, trước đây, khi người dân cần kiến nghị những vấn đề còn bất cập ở khu dân cư phải thông qua tổ dân phố hoặc chờ họp tổ dân phố vào giữa năm và cuối năm mới kiến nghị.Từ lúc mô hình được thực hiện, người dân trực tiếp kiến nghị với lãnh đạo chính quyền để họ nắm rõ và giải quyết kịp thời.

Chủ tịch UBND phường Hòa An Nguyễn Kim Thành cho biết, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 4-2024, “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” phường đã giải quyết hiệu quả, kịp thời, đúng thời hạn 69/72 ý kiến của người dân qua Tổng đài 1022, đạt tỷ lệ 96%; hỗ trợ giải thích, kiểm tra thực tế tham gia giải quyết 25/25 đơn đúng thời hạn, tỷ lệ 100%.

Cũng như ở Hoà An, hơn 2 năm qua, hàng trăm ý kiến, kiến nghị của người dân phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) được chính quyền, hội, đoàn thể phường tiếp nhận, xử lý ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng kiến nghị vượt cấp, góp phần ổn định để địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Có được như vậy là nhờ địa phương triển khai thực hiện tốt mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”.

Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân Hồ Thị Cẩm Nhung cho biết, thực hiện chủ trương quy hoạch, những năm qua, phường Hòa Xuân phát triển theo hướng đô thị hóa, tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm nhanh. Từ đó, các thủ tục hành chính và kiến nghị của người dân ngày càng tăng, tạo nhiều áp lực cho công tác lãnh đạo, thực hiện.

 

Để nắm rõ tình hình và nhu cầu của người dân, ngày 15-6-2022, UBND phường Hòa Xuân xây dựng mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” nhằm giúp người dân phản ánh, kiến nghị những nội dung chính đáng và được hướng dẫn pháp lý trong giải quyết thủ tục hành chính mà không phải đến trụ sở UBND phường trong giờ hành chính.

“Tổ hỗ trợ công dân lưu động” tổ chức theo cụm dân cư, 1 lần trong tháng hoặc quý, vào thứ 7 hoặc chủ nhật tại nhà sinh hoạt cộng đồng các khu dân cư. Lãnh đạo và các cán bộ phối hợp với khu dân cư tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân; tổ sẽ trực tiếp tư vấn, hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc và xử lý kiến nghị của người dân tại các khu dân cư theo kế hoạch.

Nhằm ngăn chặn cháy nổ từ cơ sở, đầu năm 2018, Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) triển khai mô hình “Lắp đặt hộp chữa cháy cộng đồng”.

Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Trung Ninh Công Nhương, để triển khai hiệu quả mô hình, Hội Cựu chiến binh phường đẩy mạnh tuyên truyền ở khu dân cư, các tổ dân phố, vận động nhân dân tích cực, quyết liệt, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và chọn các chi hội có điều kiện dễ vận động, dễ triển khai thực hiện trước, sau đó triển khai ra toàn phường.  

Ban đầu, mỗi chi hội mua, lắp 2 hộp/4 bình chữa cháy, sau đó nhân rộng ra toàn phường. Những khu dân cư có nhiều kiệt hẻm, chi hội ít hội viên thì vận động cấp ủy Chi bộ, Ban công tác mặt trận, Ban điều hành Tổ dân phố, nhân dân ủng hộ cùng thực hiện mô hình.

Hội Cựu Chiến binh phường phối hợp với các Tổ dân phố đã lắp được 60 hộp, với 120 bình tại 6 nhà sinh hoạt cộng đồng, một số kiệt hẻm để kịp thời sử dụng khi có hỏa hoạn xảy ra. Đến nay, toàn phường đã lắp được 86 hộp/172 bình chữa cháy.

Việc lắp đặt bình chữa cháy đã phát huy hiệu quả, kịp thời dập tắt nhiều vụ cháy ngay từ cơ sở. Điển hình như người dân kịp thời dập tắt đám cháy tại tiệm bánh mì X.B khu dân cư Vĩnh An A1, cháy nhà ở tổ 16 Vĩnh An A2 và một số vụ ở Trung Hòa B, Vĩnh An B. Với hiệu quả từ mô hình, đến nay, thành phố đã nhân rộng ra 56 phường, xã, góp phần vào công tác phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở.

Đến Khu dân cư số 12, phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ, cảm nhận được sự bình yên từng ngõ hẻm, góc phố, đường phố sạch đẹp, người dân thuận hòa. Đây là thành quả từ mô hình “Khu dân cư an toàn” được triển khai từ năm 2021.

Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 12 Trần Công Định cho biết, khu dân cư có 4 tổ dân phố, 545 hộ, 2.023 nhân khẩu, trong đó có 25 đảng viên. Ngay từ khi triển khai mô hình, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, trong đó, chú trọng vào việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết trong khu dân cư; bảo đảm an sinh xã hội.

Với công tác tuyên truyền, vận động khéo léo, phù hợp, khu dân cư đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu giao. 100% hộ gia đình bàn giao mặt bằng cho dự án Phước Lý 5 đúng thời gian quy định; vận động lắp đặt lắp được 42 camera an ninh. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự được vững chắc, mỹ quan đô thị sạch, đẹp, không để xảy ra tình trạng trộm cắp, cuộc sống yên bình, thuận hòa, người dân đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau.

Đi đôi với đó, khu dân cư vận động thành công 100% các hộ gia đình sắm bình chữa cháy; thực hiện tốt việc cưới, tang và lễ hội an toàn, tiết kiệm, văn minh.

“Mô hình “Khu dân cư an toàn” đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn; ổn định đời sống nhân dân và giúp khu dân cư phát triển”, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 12 Trần Công Định nói.

Đà Nẵng có 7 khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, hơn 60.000 công nhân lao động làm việc nên lưu lượng thuê trọ, thuê nhà ở khá nhiều. Những năm qua, tình trạng tại các khu nhà trọ công nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, do cơ sở vật chất các phòng trọ sơ sài, sự chủ quan, mất cảnh giác của công nhân.

“Làm gì để bảo đảm an ninh trật tự ở khu nhà trọ, góp phần vào bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở là điều mà Liên đoàn Lao động thành phố và các địa phương hết sức trăn trở”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại chia sẻ.

Năm 2010, Liên đoàn Lao động thành phố triển khai thí điểm mô hình “Tổ Công nhân tự quản khu nhà trọ” tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), sau đó nhân rộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo ghi nhận tại Tổ Công nhân tự quản số 1, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu do ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 37, chủ nhà trọ đồng thời là Tổ trưởng tổ tự quản, ý thức, trách nhiệm của công nhân lao động được nâng cao.

Ông Nguyễn Thanh Dũng cho biết: "Khu nhà trọ khá đông công nhân tạm trú. Được chọn làm thí điểm Tổ Công nhân tự quản, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở công nhân luôn phải tự bảo vệ chính tài sản của mình. Đặc biệt, khi thấy người lạ vào khu trọ, phải báo cáo với chủ trọ để chủ trọ nắm tình hình".

Ông Lê Văn Đại cho biết, Ban điều hành Tổ công nhân tự quản gồm chủ nhà trọ là tổ trưởng và thành viên là đại diện công nhân cư trú tại tổ. Các ban điều hành xây dựng nội quy, phổ biến rộng rãi trong khu nhà trọ để mọi người biết và cùng tham gia thực hiện.

 

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Ban điều hành Tổ công nhân tự quản thường xuyên nhắc nhở công nhân lao động chấp hành tốt pháp luật, các quy định ở địa phương; cùng với chủ nhà trọ hưởng ứng mô hình “Nhà cho thuê không có tội phạm và tệ nạn xã hội” do Công an các quận phát động.

Từng khu nhà trọ đề ra nội quy, quy định việc cư trú, thường xuyên nhắc nhở nhau nâng cao tinh thần cảnh giác “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, tích cực tham gia tố giác tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Hàng năm, Liên đoàn lao động thành phố tổ chức từ 20-30 buổi tuyên truyền tại các tổ; Liên đoàn lao động quận, huyện kết hợp tuyên truyền theo kế hoạch của địa phương.

“Hơn 10 năm qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức hơn 500 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các khu nhà trọ về chính sách pháp luật, vận động người lao động cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cho hơn 50.000 lượt công nhân lao động”, ông Đại thông tin.

Từ tháng 9-2023, được sự quan tâm phối hợp của Công an thành phố và UBND các quận, huyện, Liên đoàn Lao động thành phố tiến hành củng cố toàn diện mô hình “Tổ Công nhân tự quản khu nhà trọ”.

Đến nay, toàn thành phố có 69 tổ tại quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang với hơn 5.500 phòng và 10.600 người lao động đang tham gia sinh hoạt.

 

 

.