Emagazine

Multimedia - Nhiếp ảnh và cuộc sống

15:48, 16/05/2024 (GMT+7)

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh những người phụ nữ xắn quần ngang gối, tay vịn nón lá, tay bưng thúng rổ lội nước trở về căn nhà chồ nằm ven sông Hàn sau buổi chợ sớm được Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố giữ gìn cẩn thận giữa hàng nghìn bức ảnh chụp về Đà Nẵng lâu nay.

 

Ông nói, mỗi lần nhìn bức hình, ông đều mường tượng đến câu ca “Đứng bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hàn, ngó bên ni Hàn, thấy phố xá thênh thang” mà người dân Đà Nẵng hay nhắc đến như để ghi dấu một thời nghèo khó, cơ cực của vùng đất mang nhiều dấu ấn thời cuộc. Sự khác biệt giữa hai bờ đông - tây sông Hàn từng là nguồn cảm hứng sáng tác của NSNA Ông Văn Sinh.

Ông cho hay, theo thời gian, những khu nhà chồ dọc bờ đông sông Hàn đã được phá bỏ. Những con đường cát chỉ vừa một người đi, những làng chài tạm bợ dọc bờ biển Mỹ Khê, Mân Thái, Thọ Quang, bến phà Bà Thân, cầu Vồng đường Thống Nhất đã không còn, thay vào đó là các dãy phố, các khu dân cư hình thành cạnh đại lộ thênh thang.

 

Điều may mắn, là đến bây giờ, ông vẫn giữ được nhiều bức hình đủ để có thể so sánh một góc phố, một dòng sông, một bờ biển, một con đường ghi dấu ấn xưa - nay. Mà nói như Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, là ông đã kịp ghi lại - cũng có thể nói là kịp bất tử hóa - nhiều hình ảnh vĩnh viễn không còn.

 

Những thao thức giữa Đà Nẵng xưa và nay đã thôi thúc NSNA Ông Văn Sinh tập hợp 105 tấm ảnh để in thành tập sách ảnh “Đà Nẵng, ký ức và hiện tại”, trong đó phần lớn những tác phẩm ký ức được ông chụp hơn 40 năm trước, bằng máy film Yashica, Pentax hoặc Canon… Với những tấm ảnh nhà chồ với gam màu trắng - đen chủ đạo đặc tả gần như đầy đủ cuộc sống ngư dân các phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Đông thập niên 80, 90

 

 Giữa không gian tĩnh lặng, cuộc sống vẫn tiếp diễn khi người đàn ông vác xâu lưới lội nước trở về nhà, người phụ nữ ngồi ở mạn thuyền cột tóc cho con.

Cạnh đó, trên mấy cây cầu khỉ, thuyền thúng hay bờ đá xôn xao sóng nước, đám trẻ nhỏ vẫn hồn nhiên vui đùa, đọc sách, nở nụ cười tươi chào đón tương lai…

Ở phần hiện tại, nhiều tấm ảnh không xuất hiện riêng lẻ mà được trình bày theo phương pháp so sánh, đối chiếu (ở cùng một vị trí địa lý). Ví dụ, khi nhìn hai bức ảnh chụp về khu vực An Hải Đông xưa và nay, người xem sẽ tự định lượng được Đà Nẵng đã phát triển và thay đổi như thế nào.

 

 

 

Là tác giả từng gây tiếng vang bởi hai triển lãm “Nhịp thời gian” (2010), “Nhịp thời gian 2” (2016) và tập sách ảnh “Nhịp thời gian” in gần 300 bức ảnh đẹp theo 4 nhóm chủ đề Lịch sử trong lòng tôi; Quảng Nam - Đà Nẵng, tình yêu và nỗi nhớ; Đất nước mến yêu; Nhìn ra thế giới…, NSNA Phan Ngọc Hợi (SN 1947) dường như vẫn chưa thôi đam mê cầm máy khi đang âm thầm chuẩn bị nguồn ảnh cho triển lãm cá nhân dự kiến diễn ra vào năm 2026 - lúc tuổi tròn 80 tuổi.

 

Từng là phóng viên ảnh, tác giả Phan Ngọc Hợi có cơ hội tham dự nhiều sự kiện diễn ra trong đời sống cộng đồng, vì thế, trong chừng mực nào đó, ông đã góp phần ghi lại lịch sử theo một cách riêng.

Qua nguồn ảnh chứa nhiều thông tin, tư liệu giá trị, người ta có thể cảm nhận sự gần gũi, thân tình của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Tổng Bí thư Đỗ Mười... trong các chuyến thăm, làm việc tại Đà Nẵng.

Cùng với đó, là những hình ảnh về thiên nhiên, con người, lễ hội, dòng sông, cây cầu… cũng được khắc họa nhẹ nhàng, tinh tế qua ống kính người nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn.

Nói về những đóng góp của NSNA Phan Ngọc Hợi, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, đó là quá trình làm nghề không mệt mỏi cộng với tài năng sáng tác của người nghệ sĩ.

 

“Trong sự nghiệp cầm máy, Phan Ngọc Hợi đạt nhiều thành công, có nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nhiều bức ảnh thời sự, chính trị của ông trở thành tư liệu lịch sử quý cho đất nước và địa phương”, ông Khánh đánh giá.

Trong hơn 50 năm cầm máy, NSNA Phan Ngọc Hợi vẫn miệt mài với những chuyến đi ghi lại cảnh đẹp đất nước, con người Việt Nam. Đi nhiều, đồng nghĩa với việc ông thu vào ống kính một kho tư liệu quý báu về các vùng miền, một số nước ông có dịp đi qua.

Hôm chúng tôi hẹn gặp, ông đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi sáng tác dọc các tỉnh, thành miền Tây vào tháng Tư và các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc vào tháng Năm. Đó là những chuyến đi đơn thuần để sáng tác, khi một mình, khi đi cùng các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác.

 

Ông cho hay, nhờ mê cầm máy, ông may mắn ghi lại rất nhiều hình ảnh, sự kiện liên quan đến quá trình phát triển thành phố bên sông Hàn. Trong số đó, có khoảng 60 tấm ảnh về lịch sử phát triển Quảng Nam, Đà Nẵng đang được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Đó cũng chính là tình yêu, là tấm lòng của người nghệ sĩ dành tặng cho thành phố quê hương.

 

Một Đà Nẵng đầy hoài niệm và tươi trẻ thấp thoáng sau mỗi tác phẩm của NSNA Phan Ngọc Hợi, Ông Văn Sinh… Vẫn là Đà Nẵng, nhưng mỗi tác giả đã cung cấp thêm cho người xem những góc nhìn về thành phố, từ bên sông, từ trên cao, từ núi, từ biển hay từ những dãy nhà cao tầng. Với người yêu văn hóa, những tấm ảnh càng có giá trị khi ghi lại không gian sinh hoạt, lễ hội của người dân.Đáng quý hơn, có hàng chục cuộn film ảnh đang được các nghệ sĩ lưu trữ cẩn thận, như một phần kỷ niệm trong cuộc đời cầm máy.

 

Ngành nhiếp ảnh đã từng bước chứng minh vai trò không thể thay thế trong việc ghi lại và bảo tồn lịch sử phát triển của các vùng đất, các thành phố qua nhiều thế kỷ. Không chỉ là công cụ để lưu giữ những khoảnh khắc, nhiếp ảnh còn mở ra cánh cửa vào quá khứ, giúp thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận rõ hơn về cuộc sống, văn hóa, kiến trúc và những sự kiện quan trọng đã diễn ra trên mảnh đất mình sinh sống.

Nói cách khác, những bức ảnh xưa là cửa sổ tâm hồn giúp thế hệ trẻ tiếp cận với không gian sống, kiến trúc và cảnh vật của quá khứ. Nhờ đó, họ có thể so sánh và nhận ra sự biến đổi từ kiến trúc cổ kính đến những tòa nhà hiện đại, từ những con đường đất mòn đến những đại lộ sầm uất… Và rõ ràng, sự tiếp cận này không chỉ giúp họ hiểu thêm về lịch sử vùng đất, mà còn khơi dậy lòng tự hào và tình yêu với địa danh mình đang sống.

 

 
 

Đó là tâm niệm của nhiếp ảnh gia Phạm Đăng Khiêm về hành trình cầm máy. Có lúc gặp anh tác nghiệp bên đường pitch sân vận động Hòa Xuân trong một trận cầu nảy lửa ở Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League; khi khác lại thấy anh “tay xách nách mang” với chiếc máy ảnh và bộ ống kính, chăm chú dõi theo đàn voọc chà vá chân nâu đang kiếm ăn trên bán đảo Sơn Trà; ở thời điểm khác lại biết anh đang đi chụp hoàng hôn trên một khúc sông gần nhà ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hay chụp phố cổ Hội An sau bão…

 

Những bức ảnh đa chủ đề được anh chia sẻ, trình làng trong các cuộc thi, triển lãm được đánh giá mang “chất” riêng với góc nhìn mới lạ. Là Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố, ít người biết hành trình nhiếp ảnh của Phạm Đăng Khiêm có thể coi là muộn so với nhiều tay máy khác.

 

Bắt đầu từ năm 2017, xuất thân là kỹ sư xây dựng, anh tập tành chụp ảnh nhằm lưu lại hình ảnh các công trình kiến trúc và dự án… Qua quá trình học hỏi cùng đam mê nhiếp ảnh, anh dần lên tay và bắt đầu gặt hái những thành quả.

Có thể kể tới giải Nhì cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”, giải Nhì Cuộc thi sáng tác nghệ thuật Bảo vệ tầng Ozone để bảo vệ khí hậu trái đất, HCV và HCB cùng nhiều giải khuyến khích các cuộc thi ảnh quốc tế; tham dự và có ảnh đoạt giải triển lãm trong và ngoài nước và mới đây là HCĐ Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung - Tây Nguyên 2023…

 

Cũng là Hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và gặt hái được nhiều giải thưởng, anh Mai Quang Hiển, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hải Châu là tay máy quen thuộc trong nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch… Qua góc máy của anh Hiển, Lễ hội đình làng Hải Châu, Công viên vườn tượng APEC, bãi rêu ghềnh đá Nam Ô, sông Hàn… hay mới đây là không gian nhạc nước ở Quảng trường 29-3 được ghi lại sinh động với những mảng màu rực rỡ lồng trong bố cục đơn giản nhưng ấn tượng. 

 

Cái tự nhiên, nhẹ nhàng trong nội dung, bố cục ảnh từ góc nhìn của anh Hiển là kết quả của chuyến rong chơi với nhiếp ảnh gần chục năm qua. Anh Hiển nhớ lại, nhiều năm trước, với đặc thù công việc phải ghi lại và lưu giữ các hình ảnh, thông tin từ những sự kiện hay theo chân lực lượng liên ngành 814, anh Hiển được cơ quan giao chiếc máy ảnh Sony bỏ túi để tác nghiệp. “Quãng thời gian đó nuôi dưỡng cho mình thói quen chụp ảnh và ý thức lưu giữ những điều mình thấy trong cuộc sống, từ đó đi đâu cũng phải mang theo máy ảnh và hình thành đam mê chụp”, anh Hiển chia sẻ.

“Lưu giữ những điều mình thấy trong cuộc sống” theo lời anh Hiển “nhiếp ảnh là cách trải nghiệm cuộc sống” của anh Khiêm đều là cách mà họ đang sống cùng đam mê. Từ đam mê, cảm xúc và góc máy, họ mong muốn quảng bá nét đẹp của cuộc sống bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

 

Nhiếp ảnh là nghệ thuật, cũng là một thú chơi. Bên cạnh những kiến thức căn bản như thông số kỹ thuật, bố cục, thao tác máy, loại ống kính… thì nhiếp ảnh không có giới hạn hay ràng buộc nào. Hay nói cách khác, đây là sân chơi của cảm xúc và sự sáng tạo. Những người mê chụp ảnh gọi vui đam mê này là “nhảy hố vôi”, ngụ ý đã sa đà vào rồi thì khó mà dứt ra được. Trong đam mê đó, có nhiều sự đầu tư về kỹ năng, thiết bị và cả thời gian. Riêng về thiết bị, nhiều nhiếp ảnh gia bỏ hàng chục, hàng trăm triệu trở lên để có thiết bị ưng ý. Không chỉ có máy ảnh, nhiều người đầu tư flycam, camera chống nước...

 

“Sự đầu tư nào cũng tốn kém nhưng đáng giá để có một bức ảnh đẹp”, anh Mai Quang Hiển chia sẻ. Anh nhớ lại những năm đầu cầm máy, có lúc đi chụp về, sắp xếp và lưu trữ ảnh lại tự đặt câu hỏi: “Sao người khác chụp đẹp mà ảnh mình... xấu, là do thiết bị hay kỹ năng?”. Dần dần, qua các chương trình tập huấn của Hội Nhiếp ảnh thành phố và những buổi đi chụp cùng mọi người, anh Hiển tự mày mò học hỏi, tiếp thu thêm những kinh nghiệm, kiến thức rồi dần dần dành dụm tiền bạc để nâng cấp thiết bị.

 

Kỹ năng và thiết bị là yếu tố cần, còn điều kiện “đủ” với một người mê ảnh, có lẽ là đầu tư thời gian. Người viết trực tiếp chứng kiến câu chuyện ấy, khi gặp anh Huỳnh Văn Truyền (nghệ danh Kim Liên) và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh có mặt liên tục ở các sự kiện. Nay gặp họ ở Lễ hội Quán thế âm ở Đà Nẵng, mai đã có mặt ở Giải đua thuyền máy thế giới UIM F1H2O tại Đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định), ngày kia đã thấy í ới nhau đi chụp Hội An, Bà Nà… Anh Truyền nói: “Có những sự kiện, những câu chuyện hôm nay, ngày mai ngày kia sẽ thành lịch sử. Mình muốn dành thời gian để lưu lại tất cả”.

 

Hay anh Phạm Đăng Khiêm, bất chấp mưa gió, đêm tối vẫn  lên đèo Hải Vân để “bắt” được khoảnh khắc đoàn người về quê tránh dịch hay “chạy” theo chụp ảnh công tác xét nghiệm, tiêm vắc-xin, khử khuẩn… trong những ngày thành phố và cả nước căng mình phòng, chống Covid-19

Anh Mai Quang Hiển lúc rảnh là rong ruổi một vòng để săn bằng được khoảnh khắc hoàng hôn trên sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Anh Hiển nói: “Thành phố, đặc biệt là đôi bờ sông Hàn, dù nắng hay mưa cũng gợi cho mình cảm giác quen thuộc. Nhịp sống đổi thay từng ngày, hôm nay khác ngày mai, mình chỉ đơn giản là muốn có thời gian đi chụp, muốn những hình ảnh ấy được lưu giữ lại đẹp nhất”.

 

Người viết không khỏi bất ngờ khi bắt gặp một đoàn nhiếp ảnh gia cắm lều qua đêm trên đỉnh đồi Thiên Phúc Đức chỉ để săn mây, chụp cho được khoảnh khắc sương và mây bồng bềnh trên bầu trời phố núi Đà Lạt lúc bình minh. Nguyễn Đức Hiếu, một tay máy trẻ, nổi tiếng với nhiều bộ ảnh du lịch trải dài đất nước chia sẻ: “Đó là sự đầu tư, kiên nhẫn về thời gian về cảm xúc. Kiên nhẫn để chờ đợi khoảnh khắc đẹp, có cảm xúc để thoải mái chụp và lưu giữ những khoảnh khắc đó”.

 

 
 

Trở về từ lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà, NSNA Nguyễn Xuân Tư (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng) nhận xét, so với ảnh phong cảnh thì ảnh lễ hội văn hóa, có con người hoạt động nên rất sinh động, do đó đòi hỏi người chụp phải bắt được khoảnh khắc và chú ý đến bố cục, ánh sáng, góc chụp.

Như sáng nay, khi đi tác nghiệp ngoài biển có gió mạnh, trời tối, việc bay flycam sẽ gặp nhiều bất lợi nên rất khó để bắt được khoảnh khắc đẹp nếu không có kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp ảnh. 

 

Người trong nghề báo thường ví bức ảnh báo chí là "một bức ảnh hơn ngàn con chữ". Nhìn bức ảnh báo chí đúng nghĩa, bạn đọc có thể hiểu được toàn bộ câu chuyện.

 

Trong khi ảnh báo chí mạnh ở thông tin thì ảnh nghệ thuật bắt buộc phải khơi gợi được cảm xúc. Người chụp phải có tư duy và cách nhìn để chuyển tải nội dung thông điệp, đồng thời sáng tạo theo ý tưởng của mình. Do đó, những nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn tìm tòi, khám phá những góc ảnh, những khoảnh khắc đẹp, mới lạ mang tính nghệ thuật nhằm lan tỏa những cái hay, cái đẹp đến với cộng đồng.

Từ một nhà báo chuyên chụp ảnh minh họa cho bài viết, NSNA Nguyễn Xuân Tư chuyển hẳn sáng tác ảnh nghệ thuật, đặc biệt sau này anh tập trung chụp nhiều đề tài về du lịch, phong cảnh, những công trình kiến trúc đẹp và các lễ hội văn hóa như lễ hội cầu ngư, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

 

“Muốn lan tỏa, quảng bá hình ảnh thành phố thì trước hết bức ảnh phải đẹp và chất lượng.Thời gian qua, thành phố tổ chức nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật từ cấp quận đến thành phố. Đặc biệt, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng có hội đồng nghệ thuật có chuyên môn cao để thẩm định tác phẩm khi chấm giải. Qua đó, sàng lọc và chọn ra những tác phẩm đẹp để lan tỏa. Một bài viết có thể ít người đọc nhưng một bức ảnh đẹp thì nhiều người xem và chia sẻ. Nhờ đó, hình ảnh của thành phố được lan tỏa rộng rãi đến công chúng”, NSNA Nguyễn Xuân Tư cho biết.

 

Có mặt tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ 29 diễn ra tại Đà Nẵng, NSNA Phạm Phùng (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng) chia sẻ với chúng tôi rằng, anh có niềm đam mê chụp ảnh phong cảnh và động vật hoang dã, may mắn, đây cũng là lĩnh vực mà thành phố có ưu thế để anh và các nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác.

 

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi anh chụp voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà. “Để bắt được khoảnh khắc đẹp về voọc, tôi đã ở suốt cả ngày trên Suối Ôm để canh khoảnh khắc hiếm mà không ai có thể chụp được. Trong chùm ảnh về voọc gửi cuộc thi ảnh đa dạng sinh học năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ban giám khảo đã chọn bức ảnh một chú voọc chà vá chân nâu nằm thản nhiên trên một thân cây để trao giải nhất bởi bức ảnh cho thấy không gian môi trường sống của loài voọc không bị làm xáo động”, anh Phạm Phùng nhớ lại.

 

NSNA Phạm PHùng cũng thường xuyên lên Bà Nà để săn ảnh, nhất là vào mùa xuân. Bởi theo anh, đây là thời điểm hoa đào chuông bung nở, thiên nhiên đầy sức sống và có nhiều chim đến hút mật hoa. NSNA Phạm Phùng cho biết, thành phố Đà Nẵng có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và phong phú, đa dạng như sông, núi, biển… để sáng tác ảnh. Nhờ vậy, đến với ảnh nghệ thuật hơn 10 năm nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy bí đề tài.

Ngoài việc tham gia các cuộc thi, anh cũng tham gia cộng tác cho một số tờ báo trung ương và địa phương, nhất là tạp chí Heritage, qua đó quảng bá hình ảnh đẹp của thành phố đến bạn đọc trong và ngoài nước.  

 
 

NSNA Lê Vấn (Hội Nhiếp ảnh tỉnh Quảng Nam), người vừa nhận Giải thưởng Nhà nước với tác phẩm “Ngày trở về” cũng cho rằng, các anh em nghệ sĩ Đà Nẵng có lợi thế khi sống ở thành phố đáng sống, nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, khơi nguồn cảm hứng để sáng tác, cụ thể là trong Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm nay có rất nhiều tác phẩm về Đà Nẵng đoạt giải.

 

Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu về số ảnh lọt vào vòng triển lãm và xét giải với 35 tác phẩm của 25 tác giả.

Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển đã hỗ trợ phương tiện kỹ thuật máy móc hiện đại cho người chụp ảnh thuận lợi hơn, đặc biệt là chụp từ trên cao nhờ flycam.

Cùng với nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, Đà Nẵng không chỉ đẹp về ban ngày mà còn đẹp về ban đêm khi thành phố lên đèn. Đây là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ chụp ảnh thành phố về đêm từ trên cao.

Khi những khoảnh khắc đẹp về thành phố Đà Nẵng được các nghệ sĩ nhiếp ảnh bắt trọn sẽ tạo cảm xúc cho người xem và lưu lại ấn tượng đẹp.

 

Đó có thể là nụ cười thân thiện của người dân bán hàng rong trên phố, hay ánh mắt hiền từ của phật tử trong lễ hội Quán Thế Âm, gương mặt rạng rỡ của du khách trong đêm hội pháo hoa quốc tế, hoặc những gương mặt tinh nghịch của những chú khỉ, voọc chà vá chân nâu trên báo đảo Sơn Trà và hàng trăm bức ảnh đẹp khác về các loài hoa đào chuông, thàn mát, chò, lim xẹt… lung linh trong nắng sớm hay lúc hoàng hôn buông xuống sau đỉnh núi. Những hình ảnh ấy như chạm vào trái tim của du khách gần xa, để họ thầm ao ước được một lần đến Đà Nẵng tận mắt mình chứng kiến và trải nghiệm.

 

 

.