Emagazine

Multimedia - Đà Nẵng chuyển đổi số: Đảng, chính quyền, nhân dân đồng hành

Bài cuối: Cầu nối xây dựng chính quyền thông minh

17:42, 29/09/2024 (GMT+7)

 

 

 

 
 
 

Vào những ngày cuối tuần, bà Lưu Thị Ngọc Thùy, Tổ trưởng Tổ dân phố, kiêm Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 số 33, phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cùng các thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền công tác chuyển đổ số cho nhân dân. 

Bà Lưu Thị Ngọc Thùy, Tổ trưởng Tổ dân phố số 33, kiêm Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cùng các thành viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền công tác chuyển đổi số cho nhân dân.

 

Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, bà Thùy thao tác mẫu để người dân biết và nắm cách thực hiện. Bà tích cực hỗ trợ người dân tra cứu thông tin; sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham gia các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội; hướng dẫn người dân về an toàn trên không gian mạng: bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em, phòng, chống lừa đảo trên môi trường mạng…

 

Chủ tịch UBND phường Tân Chính (quận Thanh Khê) Lê Hồng Nam cho biết, thực hiện Công văn số 6436/UBND-STTTT ngày 21-11-2023 của UBND thành phố về việc hợp nhất Tổ Công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 tại tổ dân phố/khu dân cư/thôn trên địa bàn thành phố, UBND phường Tân Chính đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 29-11-2023 về việc thành lập 36 Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 với 252 thành viên.

Sau gần 1 năm hợp nhất và đi vào hoạt động, Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của phường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, UBND phường phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong tổ, bảo đảm các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến với các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó là sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 khi “gần dân, sát dân”, trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản.

 

Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 còn tạo nhóm trên zalo, facbook cho các hộ gia đình/người dân trong các tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên; chú trọng nghiên cứu giúp người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực.

Cụ thể, đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ Tân Chính và các điểm buôn bán thức ăn đường phố Hải Phòng, tổ phối hợp với các đơn vị Viettel, VNPT, Momo, VnPay tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ việc thanh toán điện tử; thực hiện việc gắn mã QR để thanh toán tại khu chợ và các cửa hàng tiện ích góp phần thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. 

 

Ghi nhận tại phường An Khê (quận Thanh Khê), với sự tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn của các Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06, đã tạo được 700 tài khoản công dân điện tử, tài khoản thanh toán số; kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 đạt hơn 105%.

Cùng với đó, địa phương phối hợp với đơn vị VNPT Đà Nẵng triển khai cấp chữ ký số cá nhân miễn phí cho 150 người dân trên địa bàn phường; tổ chức khai trương Chợ 4.0 - Chợ không tiền mặt Tân An, tuyến phố kinh doanh hoa cây cảnh thủ công mỹ nghệ không tiền mặt.

Đồng thời, UBND phường tổ chức Ngày hội Đình Làng An Khê với các gian hàng thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức hội thi tìm hiểu về chuyển đổi số và cải cách hành chính… Từ những hoạt động này đã giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình, cách thức thực hiện và những lợi ích mà cải cách hành chính đem lại, thúc đẩy sự tham gia của người dân chung tay cùng chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

 

Phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) có 43 Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06. Ông Mai Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết, địa phương luôn quan tâm, đi đầu trong công tác chuyển đổi số, góp phần vào công tác cải cách thủ tục hành chính.

UBND phường chỉ đạo Công an phường phối hợp với tổ dân phố, các hội, đoàn thể phường, Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng người dân” hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Tính đến nay, công dân độ tuổi trưởng thành được cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã đạt chỉ tiêu cấp trên giao.
   

 

Các tổ công nghệ số cộng đồng phường Khuê Mỹ tham gia thi tìm hiểu về chuyển đổi số, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng, tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân về công tác chuyển đổi số.

Cùng với đó, UBND phường phối hợp với Ngân hàng Quân đội, Viettel Chi nhánh Ngũ Hành Sơn triển khai cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho các hộ kinh doanh trên các tuyến đường Hồ Xuân Hương, Trần Văn Thành, Lê Văn Hiến, Bùi Tá Hán, Nguyễn Đình Chiểu…

Thời gian đến, UBND phường Khuê Mỹ tập trung tổ chức ký kết biên bản hợp tác với các đơn vị Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel Chi nhánh Ngũ Hành Sơn về việc xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo các Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 về việc “Hiện diện trực tuyến trên môi trường internet: An Toàn, Tin Cậy, Thuận lợi”; đồng thời phát động thi đua toàn phường Chương trình “Ngày Chủ nhật online”…

 

Ông Trường Đình Vũ, Tổ trưởng dân phố số 14 kiêm Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 khu dân cư Mỹ Đa Tây 1A, phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) là người tích cực vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, thành phố về chuyển đổi số.

Những ngày cuối tuần hoặc ngoài giờ làm việc, ông cùng thành viên của ban điều hành đến từng nhà dân để hướng dẫn tạo tài khoản số/điện tử DanangSmartCity, https:dichvucong.danang.gov.vn, giúp nhân dân trong tổ nắm được những thông tin quan trọng của thành phố.

Đồng thời, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng cần thiết như ví điện tử để thanh toán các khoản tiền như điện, nước, mạng wifi mà không cần đến các đơn vị cung ứng.

 

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, xác định mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, ngày 20-4-2022, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 2150/UBND-STTTT về triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, UBND thành phố giao UBND các phường, xã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Để hoạt động hiệu quả, ngày 21-11-2023, UBND thành phố đã ban hành công văn về việc hợp nhất Tổ Công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 thành Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 để huy động nguồn lực, thực hiện nhiệm vụ thuận lợi hơn. Đến nay, 100% phường xã có Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06, với 2.531 tổ, gần 16.000 thành viên. 

 

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch cho biết, thành viên tổ là tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ khu dân cư, Công an khu vực, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, nông dân. Tại cấp thành phố, có thêm nhân viên của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố và các doanh nghiệp công nghệ số để nắm rõ chuyên môn, triển khai nhiệm vụ tốt hơn.

“Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 từ khi thành lập, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, thực sự trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ thành phố, quận, huyện đến phường, xã, thôn, tổ, khối phố; là kênh vận động tuyên truyền hiệu quả trong công tuyên truyền các chủ trương, chính sách và hướng dẫn triển khai chuyển đổi số đến người dân và cộng đồng dân cư” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Trần Ngọc Thạch nói.

 

Trong công tác chuyển đổi số tại cộng đồng dân cư, Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 là lực lượng chính triển khai thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn các kỹ năng cơ bản, cụ thể, thiết thực như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn cài đặt và sử dụng nền tảng dùng chung của thành phố như ứng dụng di động DaNangSmartCity, Cổng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích số; thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử; các dịch vụ số, các tiện ích thông minh để giải quyết, xử lý các vần đề phục vụ cho đời sống, trong học tập, giải trí cá nhân, gia đình, an toàn thông tin và bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trên môi trường internet...

Nhiều mô hình điển hình trong chuyển đổi số đã được Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả. Nổi bật, mô hình “Khu dân cư công nghệ số” tại phường Thạc Gián; “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” tại xã Hòa Bắc; “Chợ không dùng tiền mặt” tại chợ Hòa Nhơn và huyện Hòa Vang, “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” tại Phường An khê, “ Tổ dân phố 4.0” của UBND quận Hải Châu...

 

“Một số chỉ tiêu tiêu biểu như tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu toàn quốc năm 2023 là 80%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 94% (vượt chỉ tiêu toàn quốc năm 2023 là 60%); khoảng 90% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử; 45% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số” - Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chia sẻ.

Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 thực sự có những đóng góp ấn tượng, là cầu nối quan trọng để xây dựng thành phố Đà Nẵng thông minh. Minh chứng bằng những giải thưởng mà thành phố được Trung ương tặng thưởng trong những năm qua và năm 2023, tiếp tục dẫn đầu về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index). Có thể nói, để đạt được và giữ vững danh hiệu, thành phố đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai nền tảng công dân số.

Thông qua các Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06, người dân đều có thể nhìn nhận và nắm bắt cơ hội tham gia vào quá trình chuyển đổi số, giúp nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ.

 

 

 

 

.