ĐNO - Sau bão số 9, thủy điện Đăk Mi 4 vận hành xả lũ từ 15 giờ ngày 28-10. Đây là lý do khiến nhiều thôn tại huyện Hòa Vang xảy ra ngập úng trong 2 ngày qua. Đến 17 giờ chiều 29-10, nước vẫn rút rất chậm, đã có 281 hộ dân bị ngập. Bão vừa tan, nhiều người dân đã phải sống chung với lũ.
Đà Nẵng Online ghi nhận thực tế tình hình ngập úng tại một số địa bàn của huyện Hòa Vang sau bão số 9.
Như nhiều người dân cùng thôn, ông Nguyễn Đức Mẫn (tổ 6, thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) di chuyển bằng ghe trong vùng ngập úng. Ảnh: XUÂN SƠN |
Theo ghi nhận của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Hòa Tiến, đến thời điểm chiều 29-10, nước tại các thôn bị ngập rút rất chậm. Khu vực ngập sâu nhất khoảng 1,5 - 2m. Tính trên toàn địa bàn xã Hòa Tiến có 396 hộ bị ngập. Trong đó, thôn La Bông 321 hộ, 906 khẩu; thôn Lệ Sơn Bắc 9 hộ, 28 khẩu; thôn Lệ Sơn Nam 45 hộ, 135 khẩu, Lệ Sơn 220 hộ, 54 khẩu. Những khu vực ngập sâu đã bị mất điện.
Trong số này, thôn Lệ Sơn Nam là một trong những điểm ngập cục bộ thường xuyên sau mưa lớn. Để tiếp cận khu vực bên trong thôn chỉ có thể di chuyển bằng thuyền. Nhiều người có ghe trong thôn đã tình nguyện chở bà con ở những nhà thấp đến nơi cao ráo để tránh trú và đi mua lương thực, thực phẩm.
Tại nhiều hộ, nước tràn vào nhà buộc người dân phải kê đồ trên gác xép. Phụ nữ, người cao tuổi và trẻ em được ưu tiên sơ tán đến nơi an toàn.
Một khu dân cư ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị ngập vào chiều 29-10. Ảnh: XUÂN SƠN |
Một trong những người chèo ghe trong thôn là ông Lê Hữu Minh cho hay: "Từ đêm 28-10, bão vừa tan, con nước đã bắt đầu lớn. Gia đình tôi 4 người đều phải thức trắng để theo dõi tình hình nước dâng. Đây không phải lần đầu tiên khu tôi ở bị ngập, nên bản thân cũng có kinh nghiệm ứng phó, trong đó dự trữ đủ lương thực để dùng trong vài ngày tới".
Nhiều người dân ở thôn Lệ Sơn Nam cho biết, tình trạng ngập cục bộ và nước rút chậm xảy ra thường xuyên sau mưa lớn. Thường mỗi lần ngập sẽ kéo dài từ 3 ngày trở lên. Bà Nguyễn Thị Vinh (tổ 6, thôn Lệ Sơn Nam) cho biết, nước dâng nhanh khiến gia đình bà không kịp trở tay.
"Bây giờ tất cả người, vật nuôi, đồ đạc đều chen chúc trên căn gác xép nhỏ. Muốn di chuyển, đi chợ, mua sắm thuốc men, nước uống đều phải đi nhờ chiếc thuyền nhôm của hàng xóm để ra đường chính", bà Vinh nói.
Tương tự, tại thôn La Bông, có những điểm ngập từ 0,5 - 1,5m. Đường vào một số khu dân cư đã trở thành biển nước. Ông Nguyễn Trường, Trưởng thôn La Bông cho hay, nhiều người dân trong khu vực ngập sâu gặp khó khăn do thiếu nước sạch.
Đến 17 giờ ngày 29-10, nước vẫn rút chậm. Ảnh chụp tại thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến. Ảnh: XUÂN SƠN |
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Hòa Tiến cho biết: "Hiện xã đã chỉ đạo, sử dụng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại chỗ của xã và thôn để giúp đỡ nhân dân. Tại các thôn bị ngập, xã đã tuyên truyền trước đó để bà con chủ động chuẩn bị lương thực trong nhiều ngày. Tổ chức chốt chặn, đặt cảnh báo các khu ngập lụt nguy hiểm. Những nhà bị ngập cao cũng đã được di tản đến những nhà cao kiên cố".
"Hiện tại, không có thiệt hại về người. Xã vẫn tiếp tục bố trí lực lượng trực tại các thôn. Những trường hợp cần hỗ trợ tại các thôn bị ngập sẽ được nhanh chóng hỗ trợ", ông Tuấn thông tin thêm.
Nước dâng, tràn qua đường bê-tông dẫn vào khu dân cư ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến. Ảnh: XUÂN SƠN |
Liên quan đến tình trạng ngập ở thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến, ngày 29-10, Báo Đà Nẵng đã có bài viết "Xử lý ngập cục bộ ở thôn Lệ Sơn Nam" ghi nhận vấn đề trên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, tính đến 17 giờ ngày 29-10, có 15 thôn và 281 hộ của huyện Hòa Vang bị ngập sau khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào chiều 28-10. Trong đó, Hòa Tiến 7 thôn, Hòa Khương 2 thôn; Hòa Phong 2 thôn; Hòa Bắc 4 thôn. Qua kiểm tra có một số điểm, tuyến đường tại huyện Hòa Vang bị ngập: Cầu Bến Giang ở thôn Lệ Sơn 2; đoạn Cầu Nghị thôn Nam Sơn; Tuyến ĐH409 đoạn chùa Phước Thiện (đều thuộc xã Hòa Tiến); Tuyến đường Hương Lam – La Châu (xã Hòa Khương). Sau bão số 9, trên địa bàn huyện Hòa Vang ghi nhận 5 người bị thương, 25 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 330 nhà bị tốc mái một phần, 21 nhà bị hư hỏng, 378 cây xanh ngã đổ. Ngoài ra, huyện thiệt hại 10,35 ha rau màu, 0,1 ha hoa, 20,13 ha cây ăn quả; hư hỏng các nhà màng, nhà lưới trồng rau, hoa... Sạt lở 15m3 tuyến QL14B (km 7+650)... Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, huyện đã đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí cho người dân, sớm khắc phục thiệt hại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị Điện lực Đà Nẵng chỉ đạo Điện lực quận Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu sớm kiểm tra, khắc phục sự cố điện, kiểm tra an toàn và đóng điện trở lại sớm nhất ở các xã. |
XUÂN SƠN