Ảnh và Video

"Bảo tàng nhỏ" giữa lòng thành phố

23:11, 11/08/2022 (GMT+7)

ĐNO - Các món đồ cổ đối với ông Bạch Lộc (SN 1954, trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu) là vô giá từ việc sưu tập, gìn giữ và giới thiệu cho con cháu đời sau biết về những những giá trị của người đời trước để lại.

Video: CHÁNH LÂM
"Bảo tàng nhỏ" của ông Lộc hiện đang đang cất giữ vài trăm đồ vật cổ có từ nhiều đời trước.

Vào những năm cuối thập niên 70, ông Lộc vô tình nhặt được một tượng linh thú được làm bằng đồng có điêu khắc chữ Hán trong lúc đang tìm kiếm phế liệu tại bãi phế liệu trên địa bàn thành phố.

Vì còn trẻ nên lúc bấy giờ ông chỉ nghĩ đây là một đồ đồng có giá trị kinh tế rồi chuẩn bị đưa về phân loại kim loại để bán lấy tiền.

Nhưng sau đó ông quyết định giữ lại đồ vật này khi được một số bạn bè tư vấn món đồ này có thể là món đồ mang giá trị lịch sử. Và chính từ khoảnh khắc đấy cũng là lúc người đàn ông này tìm được niềm đam mê của đời mình.

Những món đồ trong “bảo tàng nhỏ” của ông đa phần là bát, chum, vại, bình, đèn dầu phụng, bình vôi ăn trầu, những pho tượng đồng… Tất cả những đồ vật ấy đều đã ngả màu thời gian.

Thú vui này của ông Lộc thêm phần ý nghĩa khi ông thu thập, tìm mua được rất nhiều đồ vật có từ thời nhà Trần, nhà Lê hay của những triều đại lâu đời của Trung Quốc.

Đối với ông Lộc, đồ cổ không có nghĩa là luôn trong tình trạng cũ kỹ, mà phải làm sao để bảo quản sạch sẽ các hoạ tiết, hoa văn điêu khắc mang tính đặc trưng của những món đồ đó.

Tính đến nay, ông đã có gần 40 năm theo đuổi thú vui của mình. Ngoài ra, ông Lộc hiện là Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hoá Đà thành. 

Nhấp ngụm chè nóng giữa ngày mưa, ông Lộc bồi hồi: ”Tôi cảm ơn công việc tìm kiếm phế liệu đã cho tôi tìm thấy được một đam mê đích thực của đời mình. Giờ tuổi đã cao, tôi không còn sức để có thể đi tìm kiếm đồ cổ nữa thì tôi sẽ giới thiệu, trao đổi về ý nghĩa của các đồ vật này cho các thế hệ sau để hiểu hơn về giá trị Chân, Thiện, Mỹ của văn hoá xưa”.

Việc biến không gian nhỏ thành một bảo tàng của ông Lộc không chỉ để thỏa mãn đam mê, mà còn mang tính giữ gìn và lan tỏa văn hóa bản sắc của dân tộc đến với thế hệ sau.

Nhờ những người như ông mà các người trẻ sẽ biết rõ hơn về những vật dụng gắn liền với cuộc sống của những thế hệ trước.

Trưởng phòng Sưu tầm, trưng bày và bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng) Đặng Văn Khoa cho biết: "Ông Bạch Lộc là người rất gần gũi với mọi người. Ngoài ra, ông thường xuyên phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình "Chợ phiên đồ xưa Đà thành" để trưng bày, giới thiệu văn hóa, lịch sử truyền thống của con người và vùng đất Đà Nẵng thông qua những vật dụng, đồ vật xưa cũ".

Những món đồ cổ đắm mình dưới biển vài trăm năm được ông săn tìm và mua về cất giữ tại nhà.
Những món đồ cổ đắm mình dưới biển vài trăm năm được ông săn tìm và mua về cất giữ tại nhà.
Pho tượng đồng linh thú có điêu khắc chữ Hán cùng các món đồ cổ khác được ông bảo quản, cất giữ rất kĩ lưỡng.
Pho tượng đồng linh thú có điêu khắc chữ Hán cùng các món đồ cổ khác được ông bảo quản, cất giữ rất kĩ lưỡng.
Các bình vôi ăn trầu có từ thời nhà Lê được ông Lộc dán nhãn, ghi khá đầy đủ thông tin lên hiện vật.
Các bình vôi ăn trầu có từ thời nhà Lê được ông Lộc dán nhãn, ghi khá đầy đủ thông tin lên hiện vật.
Đen dầu phụng có tuổi đời lên đến 500 năm tuổi được ông gìn giữ cẩn thận.
Đèn dầu phụng có tuổi đời lên đến 500 năm tuổi được ông gìn giữ cẩn thận.
Theo ông Lộc, những chiếc bình được ông trưng bày lên giá này là những món đồ đã đắm dưới biển đến vài trăm năm. Ông tìm mua những món đồ này với giá rất cao.
Theo ông Lộc, những chiếc bình được ông trưng bày lên giá này là những món đồ đã đắm dưới biển nhiều năm. 

CHÁNH LÂM

.