Báo Đà Nẵng Xuân 2020
Khát vọng trước vận hội mới
Ngay từ đầu năm 2019, Đà Nẵng đón tin vui khi Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045” với những định hướng mang tầm chiến lược trong hai đến ba thập niên tới.
Phát triển hạ tầng, phát triển đô thị kết nối chặt chẽ, đồng bộ với hệ thống chung của vùng, quốc gia sẽ giải quyết “điểm nghẽn” mà thành phố sẽ từng bước tháo gỡ trong thời gian đến. Cầu Rồng. Ảnh: NHÂN MÙI |
Để đạt những thành tựu mới, đòi hỏi thành phố một mặt kế thừa những thành quả và bài học sâu sắc được đúc kết sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; mặt khác, kiên định mục tiêu đổi mới, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội và đô thị. Như thế, Đà Nẵng mới thêm xung lực, hướng tới phát triển xứng tầm đô thị hiện đại châu Á trong tương lai.
Kiến tạo xây dựng đô thị hấp dẫn, bền vững
Năm 2019 khép lại với rất nhiều điều đáng nhớ khi thành phố bước vào năm đầu tiên tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 43-NQ/TW. Khoảng thời gian này, thành phố gặp không ít khó khăn, thử thách khi phải điều chỉnh nhiều chủ trương lớn và rà soát lại các kế hoạch, đồ án quan trọng mang tính chiến lược để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững. Điều này minh chứng để nhân dân thành phố thấy rõ quan điểm kiến tạo sự phát triển năng động, chia sẻ hài hòa lợi ích mà doanh nghiệp và nhân dân Đà Nẵng cùng hưởng lợi.
Thành quả sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) đã tạo nền tảng quan trọng và những bài học quý để thành phố hướng đến tương lai. Nhìn lại quá trình đó, có thể nói, Đà Nẵng là hình ảnh tiêu biểu, quyết liệt trong cải cách và năng động phát triển, với những chính sách mang tính đột phá.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm được phát huy và nhìn ở khía cạnh tích cực đã làm nên một Đà Nẵng sáng tạo, đi đầu trong đổi mới để chinh phục những tầm cao mới. Nhờ đó, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu cơ bản trên hầu hết các lĩnh vực, diện mạo đô thị thay đổi ấn tượng.
Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng, tương đương 4.095USD, gấp 7 lần năm 2003 và 1,45 lần cả nước, cao hơn 1,42 lần so với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. |
Đặc biệt, nền tảng từ quá trình phát triển đô thị với hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển khá hiện đại giúp thành phố có sự phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình kinh tế theo xu thế phát triển chung của nhiều thành phố trong khu vực và thế giới. Đó là hướng đến nền công nghiệp sạch, nông nghiệp sạch, công nghệ cao và công nghệ thông tin, đẩy mạnh khởi nghiệp và đa dạng hóa các loại hình thương mại, dịch vụ, giao thông, tài chính.
Thành phố kêu gọi đầu tư để thúc đẩy nhanh ngành kinh tế mũi nhọn du lịch theo hướng tăng trưởng thực chất, chú trọng chất lượng từ chi tiêu cao của khách du lịch để mang lại nguồn thu lớn đóng góp vào ngân sách và hưởng lợi của doanh nghiệp và người dân Đà Nẵng.
Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế mới đây cho thấy, thu hút đầu tư và khởi nghiệp chính là “đòn bẩy” mà Đà Nẵng cần theo đuổi và kiến tạo gắn với nhiều chính sách trải thảm bằng cơ chế thông thoáng, tạo cơ chế mở kích thích nhiều nhà đầu tư tầm cỡ lựa chọn Đà Nẵng để phát triển, mở rộng những thương hiệu mang tính toàn cầu.
Đến nay, thành phố đã thu hút 326 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 99.124 tỷ đồng và 783 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD. Kết quả đó có được là nhờ nỗ lực tổ chức xúc tiến đầu tư của chính quyền thành phố. Thành phố đã tổ chức làm việc với hơn 100 đoàn nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ của các dự án được trao quyết định chứng nhận đầu tư, thông báo cho phép nghiên cứu dự án tại Tọa đàm mùa Xuân 2019.
Một điều rất dễ nhận thấy đó là sức hút của thành phố bên sông Hàn được ví như một thỏi nam châm đối với các nhà đầu tư lớn. Minh chứng rõ nét là trong năm 2019, một số tỷ phú kinh tế thế giới đã tìm đến Đà Nẵng để cảm nhận và xây dựng các ý tưởng đầu tư mới với những dự án du lịch, công nghệ thông tin, công nghệ cao.
Hiện nay, hơn 90% diện tích đất trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang có nhà đầu tư chọn lựa. Đây rõ ràng là một sự chọn lựa đúng trong định hướng phát triển thành phố trong 5 đến 10 năm đến. Trong các chuyến công tác xúc tiến đầu tư của thành phố tại các thị trường lớn và tiềm năng như Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ, lãnh đạo thành phố đã trao đổi với các nhà đầu tư lớn về những cơ hội khi đầu tư tại một trong những thành phố hấp dẫn như Đà Nẵng.
Tín hiệu mừng là một số nhà đầu tư lớn đã và đang có kế hoạch quay trở lại Đà Nẵng để xác định rõ mục tiêu và quyết định rót vốn cho những dự án tầm cỡ. Đây cũng là cơ sở căn bản để thành phố lựa chọn chủ đề năm 2020: “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhằm tạo thêm những nguồn lực quan trọng, đồng thời phát huy hiệu ứng lan tỏa sau 2 năm Đà Nẵng thực hiện chủ đề này.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng cần có cơ chế tốt để thu hút nhà đầu tư, nguồn lực từ xã hội, phải coi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, định hướng, chỉ là khơi nguồn tạo đà cho sự phát triển. Trong khi đó, nguồn lực tư nhân và các tập đoàn, các tổ chức tài chính lớn là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng cao và bứt phá.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, thành phố cũng còn nhiều điểm bất cập trong quá trình phát triển, như các ngành kinh tế phát triển chưa đồng đều, quy hoạch không gian đô thị còn những điểm chưa thật sự hợp lý và khoa học, một số khu vực phải rà soát, điều chỉnh. Công tác quản lý sử dụng đất, phát triển hạ tầng, phát triển đô thị chưa kết nối đồng bộ với hệ thống chung của vùng, quốc gia. Đây rõ ràng là những “điểm nghẽn” mà thành phố sẽ từng bước tháo gỡ trong thời gian đến để tạo những khởi sắc mới.
Vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tăng tốc
Nghị quyết số 43-NQ/TW được đánh giá là một nghị quyết có tính đột phá cho Đà Nẵng, không những định hướng chiến lược phát triển mà còn cả đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế để mang “sứ mệnh” mở đường, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, logistic và phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một thành phố thông minh, thành phố sinh thái, thành phố đáng sống để đến năm 2030 tầm cỡ của Đà Nẵng không chỉ là một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đà Nẵng phải tạo sự tăng trưởng cao trong một giai đoạn dài và thể hiện được vai trò đầu tàu - hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Thiếu nữ với mùa xuân. Ảnh: XUÂN SƠN |
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo chuẩn bị đề án kiến nghị về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để trình Chính phủ, Quốc hội theo quy định của pháp luật; từ đó vận dụng hiệu quả vào thực tiễn để tạo sự bứt phá, tăng tốc...
Nghị quyết cũng đã xác định mục tiêu rõ hơn, cụ thể hơn so với Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó nhấn mạnh, Đà Nẵng phải phát triển và trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Nghị quyết mới xác định rõ ràng 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố gồm: Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng (không phải du lịch nói chung); cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Nghị quyết cũng đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và xây dựng tổ chức Đảng. Một điểm mới quan trọng là phải thay đổi mô hình phát triển và phát triển khi công nghệ cao của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo khoa học công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có chính sách cạnh tranh cao; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với vai trò hạt nhân của khu vực. Đồng thời, nhấn mạnh vào phát triển nhân lực, các chương trình đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các lĩnh vực mũi nhọn đi trước, đón đầu.
Năm 2020 đón chào Đà Nẵng bước vào mùa xuân mới với nhiều khát vọng, niềm tin về những vận hội mới ở phía trước. Trong khí thế chung đó, toàn thành phố tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy cao độ tinh thần quyết tâm để chinh phục những tầm cao mới, biến khát vọng về một Đà Nẵng an bình, văn minh, hiện đại và đáng sống sớm trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Để đạt mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết. Cụ thể, giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước, việc cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nghị quyết; Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị, đề xuất của thành phố Đà Nẵng; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể cho thành phố Đà Nẵng theo thẩm quyền. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai. |
LÊ VIỆT DŨNG