Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Nhớ Tết quê nhà

07:54, 25/01/2020 (GMT+7)

Cứ đến dịp cuối năm, lòng họ lại cồn cào nỗi nhớ Tết Việt. Nỗi lòng ấy chỉ những ai xa quê hương, sống nơi xứ người mới có thể cảm nhận và thấu rõ. Và rồi, mỗi lần nghe quê nhà chộn rộn Tết, họ lại ước mong được trở về để thêm một lần chạm tay vào Tết Việt.

Chùa Quang Chiếu ở tiểu bang Texas (Mỹ), nơi có đông cộng đồng người Việt tìm đến mỗi khi Tết đến, xuân về. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chùa Quang Chiếu ở tiểu bang Texas (Mỹ), nơi có đông cộng đồng người Việt tìm đến mỗi khi Tết đến, xuân về. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tính đến Tết Canh Tý này, chị Võ Quỳnh, cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đã có 4 năm định cư tại bang California (Mỹ). Những cái Tết trôi qua với nhiệt độ ngoài trời âm từ 1 đến 5 độ C. Tết đầu tiên ở Mỹ, Quỳnh thu mình trong nhà ngồi khóc, không chịu thấu cơn lạnh từ cơ thể đến tâm can. Chị nói cái Tết ấy là cái Tết nhớ nhà. Dù trước Tết mấy ngày, chị chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu làm món dưa món, bánh tét, mua lọ hoa lay ơn, mâm ngũ quả và chuẩn bị ít thịt muối theo thói quen đón Tết của người miền Trung, nhưng ăn gì cũng không thấy ngon. Sự háo hức ban đầu bỗng chốc tan biến, nhường chỗ cho nỗi nhớ nhà, nhớ không khí đón Tết trên khắp phố phường Đà Nẵng.

Lần đầu tiên đến Salem bang Oregon đón Tết, điều khiến chị Quỳnh ấn tượng là phần lớn mọi người mặc áo dài, số còn lại mặc đẹp đẽ và lịch sự. Chương trình còn có sự xuất hiện của một đoàn bác sĩ khám, tư vấn bệnh miễn phí cho người dân. “Sau một năm làm việc, gia đình mình ít đón Tết Nguyên đán tại nhà mà chọn cách khám phá không gian Tết Việt ở một số nơi như thủ đô Washington, thành phố Salem, hoặc có năm qua tới thành phố Vancouver (Canada). Dù vậy, vui nhất vẫn là những ngày chuẩn bị Tết, có năm gia đình tổ chức nấu cả bánh ú và bánh tét để đãi bạn bè tới thăm nhà. Dù vậy, sau những ồn ã trong không khí Tết nơi xứ người, mình luôn thấy buồn rười rượi, nhớ cố hương vô cùng”, chị Quỳnh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, định cư tại quận 13, Paris (Pháp) cho biết, dù ở Paris không thiếu thứ gì mang “hơi thở của người Việt” như các loại rau củ, tôm, cá, bánh phở, chả giò, các loại mắm, cá khô, nấm, măng khô, hoa cúc, lay ơn, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mít, nhãn, sầu riêng..., nhưng thiếu không khí đón Tết cùng gia đình và họ hàng thân thuộc.

Cũng như ở Mỹ, Tết Việt ở Pháp chỉ gói gọn từ 1-2 ngày vì lịch nghỉ chính thức không có ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Nếu đó là thời điểm đi học thì trẻ con chỉ có thể đón Tết “tượng trưng” để không quên phong tục, tập quán. Bà Hạnh kể, khi còn ở Việt Nam, nhà bà nằm trên con đường nhỏ Thanh Duyên (phường Thanh Bình, quận Hải Châu). Gần 20 năm theo chồng con sang định cư ở Paris, bà về Đà Nẵng 4 lần và chỉ có một lần đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán năm 2016. Bà bảo, đó là cái Tết tuyệt vời nhất trong 20 năm qua, vì bà được gặp lại không khí quen thuộc, đi thắp hương khu mộ gia tộc, “ngủ nướng”, lang thang chợ hoa và đến nhà bà con, họ hàng chúc Tết…

Người Việt ở Pháp  chuẩn bị tiệc chào đón năm mới.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Người Việt ở Pháp chuẩn bị tiệc chào đón năm mới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ở Pháp, chuẩn bị Tết cổ truyền, một số gia đình Việt thân quen rủ nhau mua nếp, lá dong về làm bánh chưng, bày biện không gian với hoa mai, hoa đào, trà, rượu, bánh, mứt, hạt dưa và canh đón giao thừa cùng giờ với Việt Nam (thường khoảng 18 giờ ở Paris). “Nếu nói giống giống thì có, chứ nói giống hoàn toàn không gian Tết Việt thì không, bởi mọi người không đủ thời gian để mua sắm và trang hoàng nhà cửa như ở quê nhà. Tại Paris, thỉnh thoảng các du học sinh cũng tổ chức những đêm “Dạ hội giao thừa”. Tụi nhỏ mặc áo dài, hát những ca khúc đón xuân, tham gia các trò chơi, lì xì đầu năm mới và mời cộng đồng người Việt tham gia. Điều này làm chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ Tết ở quê nhà. Thường những lúc như thế này, người ta mặc áo đẹp, quay phim, chụp ảnh đăng facebook để người thân ở quê nhà yên tâm và chia vui cùng người xa xứ”, bà Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, 2 năm theo chồng về Đài Loan (Trung Quốc) sinh sống, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đón Tết ở xứ Đài. Chị Quỳnh Anh cho biết, người Đài Loan vẫn dựa vào lịch âm (từ 30 tháng Chạp đến mồng 4 tháng Giêng) để đón Tết như người Việt. Trước Tết, các gia đình dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, tiễn ông Táo về trời, trên mâm cúng có đầy đủ thịt, bánh, đĩa cá chiên, tô canh và bánh trôi ngũ sắc… Ngày 25 tháng Chạp là ngày đón Thần đến chơi nhà theo quan niệm truyền thống của người Đài Loan, nhà nhà làm mâm cúng thịnh soạn, thắp hương cầu khấn mọi điều may mắn trong năm mới. “Ở đây, Tết có đốt pháo, múa lân; các khu chợ, hàng quán bày biện bắt mắt hơn. Dường như cách người Đài Loan đón Tết cũng tương tự người Việt. Chỉ có điểm khác biệt là mồng Một, người Đài Loan không đi thắp hương ở các khu mộ và việc này được lùi tới tháng 3, Quỳnh Anh chia sẻ.

TIỂU YẾN



 

.