Báo Đà Nẵng Xuân 2020

Cùng nghe trong một "tiếng đồng"

06:57, 23/01/2020 (GMT+7)

Có một nhà văn ở Đà Nẵng đã vĩnh biệt cõi đời từ khá lâu, nhưng mọi người khi nhắc về ông vẫn tràn đầy những yêu thương, kính phục. Đó là cố nhà văn, nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân.

Như nhiều người Đà Nẵng-Quảng Nam khác, Nguyễn Văn Xuân sinh thời là một người… hay cãi, nhưng lại là người hài hước, hóm hỉnh, luôn biết tự điều chỉnh âm vực giọng… cãi của mình.

Chân dung cụ Phan của nghệ nhân Tạ Duy Đoán đặt tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh,  Đà Nẵng.
Chân dung cụ Phan của nghệ nhân Tạ Duy Đoán đặt tại nhà lưu niệm Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Tôi nhớ, Nguyễn Văn Xuân với truyện ngắn nổi tiếng, viết về một người xứ Quảng có biệt tài nghe được “tiếng đồng” - những âm thanh vang dội nhất mà cũng mơ hồ nhất từ các loại chinh, chiêng, phèng, la được chế tác từ một làng chuyên nghề đúc đồng ở Quảng Nam. Tôi đọc truyện ngắn viết về người nghệ sĩ đặc biệt của làng quê dân dã này, lòng thầm nghĩ: chính tác giả, một người viết văn từ rất sớm cũng là một người chuyên nghe “tiếng đồng”, chuyên nghe được những âm thanh có âm vực từ chói gắt tới âm trầm của giọng nói người xứ Quảng. Giọng nói cũng phản ánh tính cách của con người, tính cách của vùng đất.

Người Nam Bộ-những con cháu các lưu dân miền Trung đi mở đất-có giọng nói xởi lởi, hòa đồng, vì họ tới một vùng đất có sự cộng cư của nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa. Họ phải hòa nhập, hòa hợp để sống còn. Lâu dần, những yêu cầu ấy của cuộc sống trở thành những nét tính cách của lưu dân Nam Bộ. Và của người Nam Bộ, người Sài Gòn cho tới bây giờ. Vì, xuất thân họ là những người nhập cư. Họ phải “nhập gia tùy tục”, phải tìm thêm bạn, và tránh bớt thù.

Người Quảng, cụ thể là người Quảng Nam hay Đà Nẵng, cũng vốn là những lưu dân từ Thanh-Nghệ-Tĩnh, từ miền Bắc vào mở cõi lập nghiệp ở miền Trung. Một miền Trung không rộng rãi mà chật chội, một miền Trung không “cò bay thẳng cánh” như Nam Bộ mà thắt lòng giữa “núi một bên và biển một bên”. Một miền Trung, một xứ Quảng “chỉ còn cách bay lên” như một nhà thơ Đà Nẵng đã nói. Và muốn “bay lên” thì phải chiến đấu, phải vẫy vùng ngang dọc, phải chơi tốc độ, thậm chí, phải liều lĩnh. Chính vì thế, tính cách người xứ Quảng mạnh mẽ, quyết liệt để sinh tồn.

Nhưng, cũng từ cuộc sống không dễ dàng ấy, người Quảng lại thấm ra một điều: trong dương có âm, trong cứng có mềm, trong chói gắt có âm trầm và ngược lại. Đó là hạt nhân của lối sống ngay thẳng nhưng nghĩa tình, mạnh mẽ mà bao dung, tranh biện mà khiêm nhường. Tôi đã gặp, thân quen với nhiều người Quảng rất khiêm nhường, dù họ không kém phần… cực đoan. Cực đoan để bảo vệ chính kiến, bảo vệ quan điểm riêng của mình, nhưng khiêm nhường để lắng nghe.

Có một nhân vật lịch sử rất lớn của Quảng Nam và của cả Việt Nam, đó là nhà yêu nước, chí sĩ Phan Châu Trinh. Sinh thời, cụ Phan cũng là người nổi tiếng ngay thẳng, nổi tiếng hay tranh biện, không chỉ tranh biện khi ở Việt Nam, mà khi đã bị “đày” sang Pháp vẫn tiếp tục “cãi” với thực dân Pháp, một cách mạnh mẽ, ngoan cường. Đến nỗi, một người trí thức lớn như cụ Bùi Kỷ vốn rất ngưỡng mộ cụ Phan Châu Trinh cũng phải nhận xét về cụ Phan:     

“Ông Phan (cụ Phan Châu Trinh) tính thẳng quá, nhiều người muốn lấy nguyên lý nhân đạo ra bàn đều bị ông bác thẳng cánh, thậm chí cự tuyệt không giao thiệp nữa. Tôi thường nói với ông: “Đến Pháp không phải để làm ngự sử”. Thật ra ông cũng biết ân hận nhưng rất khó sửa, khó tránh được kiểu chim ưng đuổi chim sẻ, muốn sửa cũng khó”.

Đúng là cụ Phan Châu Trinh có một tính cách rất mạnh mẽ, dù có thể cụ không tán thành đường lối cách mạng bạo động của cụ Phan Bội Châu, nhưng khi báo chí Pháp động tới cụ Phan Sào Nam, lập tức cụ Phan Châu Trinh lên tiếng ngay:  

“Ông Jean Rhodes (phóng viên báo Pháp Le Temps) lại ban cho tôi một tiếng nghịch gớm ghiếc với nước Pháp. Tôi không hiểu ông ấy nói nghịch là nghịch thế nào? Hay là nghịch vì tôi dám đem những việc một vài người Tây bên thuộc địa Đông Dương làm bậy mà tỏ ra cho thiên hạ biết?”.

“Bây giờ tôi xin được thưa thật với Ngài Jean Rhodes rằng tôi rất lấy làm tiếc đã không được là người thân quyến của Phan Bội Châu để thỏa mãn cá nhân của ông”. (trích Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới của Lê Thị Kính - tức Phan Thị Minh, NXB Đà Nẵng)

Đúng là cách tranh biện của cụ Phan Châu Trinh, của người Quảng Nam, thẳng thước thợ, bất chấp đối thủ “không phải dạng vừa” như một tờ báo Pháp nổi tiếng kể trên, bất chấp cả thân phận mình đang bị “an trí” ngay trên đất Pháp.

Cãi thẳng thước nhưng có lý lẽ. Vì vậy, cách cãi, hay tranh biện của người Quảng luôn thu hút được sự chú ý của nhiều người. Họ quan tâm vì câu chuyện tranh luận nhiều khi thú vị, và cách tranh luận vẫn giữ trong phạm vi của văn hóa ứng xử. Xin kết lại câu chuyện này bằng một câu chuyện vui. Đó là lần tôi và nhà báo Trần Đăng chứng kiến hai ông chủ quán bún bò ở huyện Núi Thành… cãi nhau. Hai ông chắc có chút mâu thuẫn trong làm ăn, nên chuyện cự cãi có vẻ căng thẳng, đến mức, lôi nhau ra tận đường quốc lộ để… cãi.

Nhưng tuyệt nhiên, từ đầu đến cuối, họ chỉ nói, chứ không hề động chân động tay. Và cách cãi cũng dễ nghe, vì nó không vượt ngoài khuôn khổ của văn hóa tranh luận. Có điều, nó hơi… vi phạm văn hóa giao thông. Nhưng, vì quá ham “cãi”, quá ham tranh luận, mà đôi khi người Quảng vô tình không để tâm, chứ không phải họ cố ý vi phạm. Sự cãi đã làm nên thương hiệu, tính cách người Quảng như thế.

Thanh Thảo

 

.