Báo Xuân 2023

Nơi tình yêu nảy mầm

06:39, 20/01/2023 (GMT+7)

Hơn 10 năm trước, những người dân định cư Làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được đón đi tham quan công trình xây dựng khu nhà liền kề tại tổ 14 phường Hòa Hiệp Nam đang thi công, là nơi tái định cư mới khi vào đất liền. Sau hành trình vào đất liền, tình yêu cũng đã nảy mầm với người Làng Vân ở vùng đất mới cùng với sự phát triển của thành phố.

Một góc Làng Vân nhìn từ đèo Hải Vân. Ảnh: TRỌNG HUY
Một góc Làng Vân nhìn từ đèo Hải Vân. Ảnh: TRỌNG HUY

Sự đổi thay diệu kỳ

Tháng 8-2012, phường Hòa Hiệp Nam chào đón gần 80 các hộ dân Làng Vân vào tái định cư tại 4 dãy nhà B, C, D, E thuộc Khu nhà Liền kề ở tổ 14 (cũ), nay là tổ 9 thuộc khu dân cư Xuân Thiều 11. Một cuộc di dời lịch sử. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hòa Hiệp Nam Nguyễn Thị Lệ nhớ lại, những ngày đầu khi mới đón bà con Làng Vân, một số người dân sống lân cận có sự phản ứng, lo ngại. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền phường đã vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu những người ở Làng Vân không còn là người mắc bệnh phong nữa, họ chỉ mang di chứng của căn bệnh này.

Ông Lê Bê, Bí thư Chi bộ khu dân cư 11, phường Hòa Hiệp Nam lý giải, thời gian đầu, khi người Làng Vân về phố, một số người tỏ  thái độ né tránh là do nhận thức của họ chưa đầy đủ. Đến khi được giải thích, chứng minh bằng những người có chuyên môn, trách nhiệm và cả những người từng sống, sinh hoạt cùng với người Hòa Vân, sự kỳ thị được xóa bỏ.

Ông Bê kể, cách đây gần 20 năm, khi còn công tác trong ngành giáo dục, ông từng dẫn theo học sinh đi dã ngoại tại khu vực Làng Vân (cũ), cùng sinh hoạt với người dân nơi đây. Đó là những trải nghiệm quý giá để rồi bây giờ, với vai trò bí thư chi bộ giúp ông làm tốt làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân xung quanh từ “chấp nhận” đến “yêu thương” người Hòa Vân khi họ về phố. Nhiều đêm, ngày như thế, ông Bê đến từng gia đình, gặp từng người dân chia sẻ, phân tích để họ hiểu. Người Hòa Vân hoàn toàn ổn! Rồi những lần mưa, bão, cả khu dân cư cùng chung tay hỗ trợ, đưa người già yếu ở khu nhà liền kề đến nơi trú tránh an toàn. Bản thân bí thư chi bộ còn phải cõng, chở bằng xe gắn máy đối với các cụ lớn tuổi.

Tôi gặp lại ông Nguyễn Văn Xứng, cựu cán bộ Mặt trận thôn Hòa Vân tại nhà sau gần 2 năm chia cách vì dịch bệnh. Năm nay đã 85 tuổi, nhưng giọng ông vẫn sang sảng. Trí tuệ minh mẫn, góc nhìn về thời cuộc vẫn sắc sảo. Hỏi ông, cái được sau 10 năm về phố là gì. Ông bảo, lớn nhất là tình người ở phố. Cái nữa, là xóa hẳn ký ức xưa cũ, nhất là thế hệ con trẻ sau này. Về phố , mức thụ hưởng các giá trị vật chất, tinh thần không chỉ là cải thiện mà gần như được lật dở trang mới trong cuộc đời mỗi người ở Hòa Vân vậy. Một sự đổi thay diệu kỳ.

Chủ trương đúng đắn, nhân văn

Đúng 10 năm trước, từng tốp người Làng Vân lên thuyền về phố, chỉ mang theo những vật dụng sinh hoạt hằng ngày cần thiết nhất. Còn, bỏ lại tất thảy sau lưng ngôi làng cũ, kỷ niệm cũ, cuộc sống cũ và ký ức buồn tủi cũ. Lịch sử sang trang. Người Làng Vân khấp khởi vui mừng. “Thời gian đầu khi mới về phố, cuộc sống có những khó khăn nhất định. Nhiều người Hòa Vân đi chợ hoặc thực hiện các giao dịch khác với xã hội văn minh mới, con cái học hành đều phải dấu thân phận. Đó là nỗi tủi thân vẫn hằn lên dù đã được tái định cư nơi ở mới”, ông Xứng kể.

Tôi hỏi ông Phạm Trưng, cán bộ phường Hòa Hiệp Nam, người theo sát từng bước chân sự kiện đưa người Hòa Vân về phố. Mất bao lâu thì người Hòa Vân được xóa bỏ định kiến, hòa nhập với cộng đồng mới ? Ông Trưng trả lời, sau một vài năm đầu, bằng nhiều cách, với sự vào cuộc quyết liệt, linh động và mềm dẻo của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường, khu dân cư, sự hòa nhập bắt đầu mở ra bằng việc tổ chức chung ngày hội Đại đoàn kết toàn dân dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11) hằng năm. “Chúng tôi cứ làm từng bước một. Một mặt vận động, tuyên truyền người dân xung quanh hiểu, chia sẻ với người Hòa Vân. Mặt khác, động viên người Hòa Vân yên tâm và luôn tin tưởng vào chủ trương của thành phố, sự đồng hành của chính quyền địa phương. Đến nay, cuộc sống người Hòa Vân đã thực sự ổn định, ấm no và hạnh phúc”, ông Trưng nói.

Điều ông Trưng khẳng định được chính ông Xứng xác nhận: “Thay đổi lớn lắm. Được nhiều lắm. Có lẽ, nếu không có cuộc di dời lịch sử 10 năm về trước, sẽ không thể và không bao giờ có được cuộc sống văn minh, đủ đầy như hôm nay. Cái nghèo, cái khổ, cái khó, cái thiếu ngày trước kể cả tháng ngày không hết. Có được như hôm nay là nhờ chủ trương đúng đắn, nhân văn của thành phố”, ông Xứng nói.

Bây giờ ở khu liền kề của bà con Hòa Vân đã có nhiều người nơi khác đến mua nhà ở, cùng chung sống với tình làng, nghĩa xóm bền chặt. Người Hòa Vân nhiều gia đình đã có ô-tô, con cái được học hành đầy đủ, làm việc trong cơ quan Nhà nước, công ty liên doanh nước ngoài. Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, sau 10 năm, sự đổi thay ở khu vực cộng đồng người Hòa Vân là một điều kỳ diệu, đáng ghi nhận, thể hiện chính sách nhân văn, chủ trương đúng đắn của lãnh đạo thành phố.

Chiều đi ngang khu liền kề Hòa Vân, nhìn về phía Làng Vân dưới chân đèo đang phủ màu xanh thẳm, chợt nhớ đến lời bài hát “Công chúa bên đèo mây” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn với ca từ “Nàng công chúa Làng Vân ơi, dậy đi, thức dậy đi thôi, những xóm chài nao nức chờ em…”. Rồi đây, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân đi vào hoạt động, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế quận Liên Chiểu cũng như thành phố và khu vực miền Trung.

TRỌNG HUY

.