Báo Xuân 2024
Chuyện của những người chăm sóc "Rồng"
Với dáng uốn lượn đầu hướng ra Biển Đông, những người thiết kế cầu Rồng kỳ vọng thành phố Đà Nẵng sẽ vươn mình ra thế giới. Hơn 10 năm qua, những người làm công việc duy tu, bảo dưỡng cầu Rồng luôn cần mẫn “chăm sóc” để cây cầu “khỏe mạnh” nối nhịp đôi bờ đông tây, trình diễn những màn phun lửa, phun nước đẹp mắt phục vụ du khách.
Cầu Rồng. Ảnh: TRIỀU PHẠM |
Luyện “Rồng” phun lửa, phun nước
Đều đặn các tối thứ 6, thứ 7, Chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ lớn trong năm, cầu Rồng lại trình diễn phun lửa, phun nước phục vụ người dân, du khách ghé thăm, chiêm ngưỡng. Để có được màn trình diễn đẹp mắt, thuần thục đó, anh Tán Thịnh, đội phó Đội quản lý vận hành cầu, hầm và đồng nghiệp thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bảo dưỡng và có những buổi luyện “Rồng” phun thử.
Những ngày mưa cuối tháng 12, theo chân anh Thịnh và các kỹ thuật viên vận hành vào bên trong đầu Rồng để thực hiện công tác kiểm tra các thiết bị, chúng tôi thêm thấu hiểu một phần những khó khăn mà các anh đang đối mặt. Để lên được vị trí cao nơi đầu Rồng, các kỹ thuật sẽ hạ một chiếc thang bằng thép dài hơn 10m có một đầu cố định sẵn ở cửa vào phía hàm dưới.
Nhóm kỹ thuật lần lượt leo và chui vào đầu Rồng để kiểm tra các thiết bị đã lắp đặt sẵn. Các kỹ thuật viên mở tủ kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, sau đó đến hệ thống máy nén khí, máy bơm nước, máy phát điện, bể chứa nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Sau khi kiểm tra thiết thị điện sẽ đến khu vực đặt hai vòi phun lửa và phun nước. Vòi phun nước được đặt bên trên đầu phun lửa hướng thẳng ra phía trước miệng Rồng.
Thông thường việc kiểm tra hệ thống phun lửa sẽ tốn nhiều thời gian bởi đây là thiết bị phức tạp với ray trượt, van khí, bơm dầu, bộ phận đánh lửa. Tùy vào việc có phát hiện ra những dấu hiệu bất thường cần phải duy tu, sửa chữa mà công đoạn kiểm tra có thể diễn ra trong khoảng 30 phút đến vài giờ đồng hồ. Khi mọi chuyện hoàn tất, các kỹ thuật viên lần lượt theo chiếc thang móc sẵn rời khỏi đầu Rồng và cho phun thử. Việc phun thử diễn ra ban ngày nên chỉ phun lửa 3 lần mà không phun nước vì có thể gây ướt cho người đi đường.
“Công việc kiểm tra, phun thử được thực hiện vào buổi chiều thứ 5 hoặc thứ 6 trước các đêm trình diễn. Dù trời mưa hay nắng, công tác kiểm tra, đánh giá, phun thử vẫn được tiến hành. Chỉ khi thời tiết quá bất lợi, mưa rất to kèm gió lớn mới xin ý kiến không trình diễn, còn lại đội sẽ phải luôn bảo đảm vận hành tốt để phục vụ người dân và du khách. Chúng tôi biết rằng nhiều du khách ở rất xa đến Đà Nẵng vừa du lịch cũng để được chứng kiến tận mắt cầu Rồng phun lửa, phun nước, vì vậy đội luôn nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Thịnh tâm sự.
Chuẩn bị kỹ lưỡng là vậy, song quá trình vận hành, đôi khi vẫn gặp sự cố khiến các kỹ thuật viên phải đánh lửa bằng tay. Hay có lần, vì vỡ ống dầu do áp suất lớn nên chỉ phun nước mà không phun được lửa. Cả đội phải dùng loa thông báo cho người dân biết. Việc phun lửa sẽ diễn ra 2 lượt, mỗi lượt gồm 9 lần; phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần. Một đợt trình diễn cần khoảng 40-45 lít dầu diesel, 5m3 nước thủy cục, vì vậy đòi hỏi hệ thống cần vận hành trơn tru, chính xác.
Được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của “Rồng”, chị Nguyễn Thị Hương Giang (du khách Hà Nội) cảm thấy rất phấn khích: “Đây là lần thứ 2 tôi có dịp được xem tận mắt chiêm ngưỡng cầu Rồng phun lửa, phun nước. Được hòa chung không khí chờ đợi màn trình diễn, ướt đẫm trong nước phun từ cầu Rồng khiến tôi cảm thấy rất vui. Năm mới tới đây sẽ là năm Giáp Thìn, tôi rất mong được quay trở lại đây dịp Tết để ngắm “Rồng” trình diễn và cùng đón một năm “Rồng” nhiều điều tốt đẹp”.
Nhìn hàng ngàn khán giả chăm chú theo dõi, reo hò, trầm trồ trước những màn trình diễn của “Rồng”, anh Thịnh và nhóm vận hành biết công việc của mình đã hoàn thành trọn vẹn. "Chứng kiến mọi người ghi lại khoảnh khắc cầu Rồng trình diễn và có những kỷ niệm đáng nhớ khi đến Đà Nẵng, chúng tôi cảm thấy tự hào vì tất cả đều đang cố gắng góp sức làm cho thành phố ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè, du khách gần xa", anh Thịnh chia sẻ.
Những người thầm lặng
Mỗi năm, cầu Rồng có hơn 160 đêm trình diễn phục vụ du khách. Các kỹ thuật và nhân viên phải luôn có mặt trước 1 giờ để xử lý các tình huống đột xuất và ngăn dòng xe lưu thông trong quá trình trình diễn. Vì thời gian các đêm trình diễn đều vào cuối tuần và các ngày lễ, Tết nên các kỹ thuật thường không được ở cạnh gia đình, người thân. Gắn bó với công tác vận hành phun lửa, phun nước từ những ngày đầu tiên, anh Thịnh luôn cảm thấy may mắn vì có gia đình ủng hộ, động viên. “Đôi lúc vợ vẫn buồn khi những dịp gia đình quay quần mình lại không ở bên, nhưng cô ấy rất thấu hiểu, chia sẻ và động viên tôi nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là động lực rất lớn cho tôi cố gắng hơn mỗi ngày”, anh Thịnh tâm sự.
Anh Thịnh (phía trên) cùng đồng nghiệp đang kiểm tra hệ thống phun lửa, phun nước ở đầu cầu Rồng. Ảnh: X.H |
Với anh Nguyễn Toàn, kỹ thuật viên vận hành, Đội quản lý vận hành cầu, hầm, là người trẻ nhất của đội, công việc không chỉ cho anh niềm vui mà còn rèn luyện bản thân trưởng thành hơn. Anh Toàn chia sẻ: "Khi mới nhận công việc, lúc leo lên đầu cầu Rồng rất sợ vì leo lên cao. Sau này, được các anh động viên, hướng dẫn, quen tay, quen việc thì mạnh dạn và đỡ sợ hơn. Những dịp Tết, khi mọi người du xuân thì mình lại đi làm, đôi khi cũng có chút chạnh lòng. Nhưng thấy du khách tập trung 2 bên cầu chờ xem rồng phun lửa, phun nước thì lại thấy rất vui và tự hào về công việc mình đang theo đuổi”.
Bên cạnh những đêm trình diễn hoàn hảo, cầu Rồng còn luôn được bảo đảm an toàn, để nối nhịp đôi bờ đông tây. Hằng ngày, sẽ có nhân viên tuần tra, quan sát bằng mắt thường kết hợp sử dụng các thiết bị chuyên dụng soi lỗi kỹ thuật phát sinh, cẩn thận dùng tay, đèn pin rà soát vị trí hư hỏng và ghi những lưu ý vào sổ ghi chép. Bên cạnh đó, các kỹ thuật viên sẽ đồng thời thực hiện giám sát hệ thống quan trắc đặt những vị trí trọng yếu trên cầu để đo những xung chấn và theo dõi “sức khỏe” của cầu. Sau khi triển khai xong công tác kiểm tra từng hạng mục, đội duy tu, bảo dưỡng sẽ thực hiện ngay việc khắc phục các hư hỏng (nếu có) trong 48 giờ không để ảnh hưởng đến giao thông, di chuyển của người dân.
Là nữ kỹ sư xây dựng duy nhất tham gia công tác bảo dưỡng các cầu tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Kiều Hạnh, bộ phận kỹ thuật, Xí nghiệp quản lý Cầu Đà Nẵng, nắm rõ các nội dung, hạng mục kỹ thuật của cầu Rồng… Việc thường xuyên theo dõi các ghi chép công tác kiểm tra cầu giúp chị Hạnh và các kỹ sư khác có thể phân tích, đánh giá khả năng làm việc thực tế của cầu để có phương án duy tu, bảo dưỡng phù hợp, kịp thời. Gần 1 tháng qua, để chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn 2024, công tác vệ sinh, bảo dưỡng thân rồng được các đội phối hợp thực hiện khẩn trương. Mỗi đội một việc từ sơn, sửa các vị trí đã bong tróc, đến kiểm tra mặt đường, hệ thống ánh sáng,… nhưng luôn phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành công việc tốt nhất.
“Các năm, dịp Tết thường sẽ trình diễn xuyên suốt các đêm từ 30 đến mồng 3 Tết âm lịch. Năm nay là năm Giáp Thìn nên mọi người dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến cầu Rồng. Điều đó là động lực lớn để mọi người thêm hăng say trong công việc, mang đến hình ảnh “Rồng” đẹp nhất cho năm mới. Chúng tôi gửi gắm vào đó nhiều hy vọng, mong năm mới thành phố sẽ mạnh mẽ vươn lên, có thêm nhiều thắng lợi mới”, chị Hạnh tâm sự.
Theo Giám đốc Xí nghiệp quản lý Cầu Đà Nẵng Tống Ngọc Quang, ngoài là huyết mạch giao thông của thành phố, cầu Rồng còn được thiết kế để làm điểm nhấn trong du lịch. Để bảo đảm giao thông và phục vụ du lịch trong những dịp lễ, Tết, công ty luôn phân công trực và duy tu, bảo dưỡng để việc vận hành luôn thông suốt. Đội ngũ cán bộ, nhân viên thường xuyên phải tiếp cận sửa chữa, sơn sửa, khắc phục các hư hỏng ở vị trí cao, khó. Đặc biệt trong những ngày cuối năm khi thời tiết mưa lớn kéo dài, khối lượng công việc càng nhiều, lại càng thêm phần khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với tinh thần không ngại khó, đội ngũ cán bộ, nhân viên luôn nghiêm túc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ để cầu Rồng được lung linh, tỏa sáng nhất đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
XUÂN HẬU