Báo Xuân 2024

Cơ hội của Đà Nẵng

07:24, 12/02/2024 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, các dịch vụ kỹ thuật đã thâm nhập vào đời sống xã hội trên phạm vi toàn thế giới và tiến trình số hóa đã trở nên không thể thiếu trong việc hỗ trợ cuộc sống của con người. Mặt khác, xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ như mạng truyền thông 5G/6G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), xe tự lái, robot, thành phố thông minh, chuyển đổi số…, nhu cầu về chip bán dẫn sử dụng cho các thiết bị điện tử ngày càng lớn. Có thể nói, chip bán dẫn là nền tảng quan trọng hỗ trợ xã hội kỹ thuật số và củng cố tất cả các ngành công nghiệp.

Đầu tư nhà xưởng để thu hút đầu tư sản xuất chip, sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đầu tư nhà xưởng để thu hút đầu tư sản xuất chip, sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Tầm quan trọng của chip bán dẫn cũng đã được thể hiện qua đại dịch Covid-19, khi các nhà máy sản xuất chip bị ngừng hoạt động dẫn đến sự ngưng trệ trong hoạt động sản xuất của tất cả các ngành khác từ sản xuất nông nghiệp đến thiết bị điện tử gia dụng, sản xuất ô-tô… Nhu cầu tăng cao về làm việc từ xa cũng đã dẫn đến sự thiếu hụt về các thiết bị điện tử hỗ trợ mà nền tảng của nó là chip bán dẫn.

Mặt khác, thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng tìm kiếm việc làm trong các mảng liên quan đến lập trình, học máy, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn… do thu nhập cao, dễ tìm việc, không cần đầu tư nhiều về cơ sở vật chất khi học. Vì vậy, số lượng người học ngành điện tử ngày càng ít đi, điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chip bán dẫn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

Cơ hội

Đà Nẵng là một cửa ngõ quan trọng trong việc thông thương của Việt Nam, có đường bờ biển dài và lượng cát sạch, phù hợp với việc sản xuất các tấm wafer silicon, là cốt lõi của việc sản xuất chip bán dẫn.

Đà Nẵng đã có khu công nghệ cao, tập trung nhiều nhà máy sản xuất linh kiện điện tử phụ trợ cho ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đặc biệt, có sự xuất hiện của Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin, là công ty cung cấp van cho các công ty sản xuất chip bán dẫn có thị trường thuộc loại cao nhất thế giới. Về mảng thiết kế chip bán dẫn, Đà Nẵng đã có sự xuất hiện của nhiều công ty, theo số liệu thống kê, nguồn cung ứng về mảng thiết kế chip bán dẫn ở Đà Nẵng chiếm khoảng 8% thị trường của cả nước.

Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố cũng đã có truyền thống đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này như Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), có khả năng đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao. Hiện tại, các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng đã có phương án và hành động cụ thể để xây dựng mới các chương trình đào tạo nhằm cung cấp nhiều hơn, chất lượng hơn kỹ sư cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Đặc biệt, Đà Nẵng có một lợi thế rất lớn đó là sự quyết tâm của hệ thống chính trị thông qua các hoạt động thiết thực để kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong ngành công nghiệp chip bán dẫn như Intel, Synopsys, Marvell,…

Đà Nẵng cần làm gì?

Để đón đầu, phát triển, thu hút đầu tư, Đà Nẵng cần có chính sách tạo thuận lợi để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt là các doanh nghiệp không chỉ sản xuất đơn thuần mà có thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Các trung tâm R&D này không phải là nơi tạo ra được nhiều giá trị thặng dư và cần thời gian dài để thấy được thành quả. Do vậy, thành phố cần phải có chính sách hỗ trợ thuế, phí thuê mặt bằng trong thời gian dài để các công ty có thể yên tâm đầu tư.

Các trung tâm R&D này sẽ là nơi để các kỹ sư của Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào các khâu thiết kế, hiểu rõ hơn về công nghệ, đưa ra các ý tưởng mới, và đó là cơ bản để tạo nên đội ngũ chuyên gia bản địa, giúp ngành công nghiệp này không bị tạo lỗ hổng một khi các công ty FDI rút vốn, đội ngũ chuyên gia có thể khởi nghiệp, tạo nên các sản phẩm made in Việt Nam. Các trung tâm R&D cũng sẽ là các đối tác chính với các trường đại học về nghiên cứu vì bản chất khác với các cơ sở sản xuất, cần thời gian cho ra sản phẩm ngắn và giá thành thấp.

Tiếp đó, cần có số liệu thống kê dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và chia sẻ với các cơ sở giáo dục để các cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, cũng như xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Đà Nẵng cần có chính sách đầu tư cho các trường đại học trọng điểm, gắn kết với chính sách phát triển của địa phương hình thành “hệ sinh thái bán dẫn khu vực” với sự tham gia của các bên: Nhà nước - Doanh nghiệp - Tổ chức hỗ trợ - Trường đại học. Đặc biệt, cần tiên phong là thành phố đầu tiên của Việt Nam thành lập hiệp hội bán dẫn của thành phố, kết hợp với cộng đồng vi mạch của các kỹ sư Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn để tạo ra các sân chơi, hoạt động bổ ích, là nơi giao lưu không chỉ về học thuật mà còn về các mặt khác của cuộc sống, kết nối mọi người lại với nhau thông qua một hiệp hội chính thức.

Điều kiện cần tiếp theo là chính sách ưu tiên, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đặc biệt trong nghiên cứu chế tạo mẫu thử thông qua việc đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm. Hỗ trợ các trường đại học tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, mời các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp chip bán dẫn về Đà Nẵng phát biểu, có các bài nói chuyện truyền cảm hứng. Có chính sách vay vốn cho sinh viên, người học có dự định học và đi làm trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Ngoài ra, đẩy mạnh giáo dục STEM (kiến thức kỹ năng khoa học) đến các trường trung học phổ thông; tăng cường truyền thông để xã hội và học sinh hiểu rõ về ngành nghề và nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn, qua đó tạo niềm đam mê khoa học công nghệ, đồng thời định hướng cho học sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề học.

TS VÕ TUẤN MINH

.