Chính trị - Xã hội
Bao nhiêu thanh niên thực sự khởi nghiệp?
ĐNĐT - Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo góp ý đề án Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2015-2020, do Sở Nội vụ tổ chức ngày 13-3. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có những đề xuất giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp.
Thanh niên học nghề may tại Trung tâm dịch vụ việc làm phụ nữ Đà Nẵng |
Đừng chỉ là “đuổi gà qua đám giỗ”
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là hoạt động không mới và đã được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước. “Nhiều nơi đã làm và thất bại. Bởi vậy, cách làm của chúng ta phải thực sự linh hoạt chứ không nên máy móc. Quan trọng là có bao nhiêu thanh niên thực sự khởi nghiệp chứ không phải học xong rồi phần ai nấy đi, tốn kém tiền Nhà nước mà không hiệu quả cũng như là “đuổi gà qua đám giỗ”, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Trưởng Văn phòng đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tại Đà Nẵng nêu ý kiến.
Theo ông Ngọc, phải có chỉ tiêu, tức là trong 100 học viên học xong thì ít nhất 50% trong số đó phải khởi nghiệp. Ông Ngọc cho rằng khâu quan trọng khi thực hiện đề án là phải chọn được học viên thực sự muốn học bởi đã có trường hợp kéo nhau đi cho vui, cho biết rồi thôi.
Số liệu điều tra cung lao động năm 2013 của thành phố cho thấy hơn 51% người thất nghiệp nằm trong độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi. Tại Đà Nẵng, cũng đã có nhiều hoạt động giúp thanh niên khởi nghiệp, tìm việc làm như: Cho vay vốn khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ, tư vấn khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo, câu lạc bộ đội nhóm giúp thanh niên khởi nghiệp… Tuy nhiên, theo các đại biểu, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại Đà Nẵng khá đa dạng nhưng vẫn chưa có tính định hướng, thiếu sự phối hợp đồng bộ .
“Chúng ta có hỗ trợ những chưa đủ để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp thành công. Đừng nên hạn chế đối tượng có hộ khẩu Đà Nẵng hay không và cũng không nên hạn chế về độ tuổi. Miễn sao họ khởi nghiệp thành công tại Đà Nẵng, góp phần vào sự phát triển của thành phố”, ông Huỳnh Huy Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thuộc Viên Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng nói.
Không nên quy định học xong phải làm gì
Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, hiện nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhưng do phối hợp chưa đồng bộ nên các giải pháp nhìn chung chưa có tính hệ thống, tự phát, thiếu tính chiến lược.
“Từ đề án này, chúng ta sẽ huy động, kết nối các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia… để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiệu quả, sử dụng tốt nguồn nhân lực”, ông Thương nhấn mạnh.
Còn theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng thì cần có sự linh hoạt chứ không nên quy định cứng nhắc.
“Đề án của chúng ta đặt ra quá nhiều ràng buộc giống như một thí sinh trong cuộc thi chứ không phải giúp họ trở thành một doanh nghiệp thực sự. Đã kinh doanh là phải có sự sáng tạo, bứt phá và đam mê nên không thể quá gò bó. Cũng không thể quy định học xong họ phải làm gì bởi còn tùy vào tình hình thực tế. Quy định giới hạn 3 năm phải thành công là không khả thi bởi tùy theo từng loại hình mà có sự khác nhau. Có những lĩnh vực mà nếu quá 6 tháng không thực hiện được thì xem như thất bại hoặc những lĩnh vực phải kéo dài nhiều năm mới thành công”, ông Quân nhấn mạnh.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng năm qua cho thấy các doanh nghiệp thành phố gặp khó khăn về tiếp cận thị trường (hơn 74%) và về vay vốn (hơn 79%), tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động… “Thiếu vốn là khó khăn của nhiều doanh nghiệp trẻ, nhất là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Bởi vậy, chúng ta cần giúp doanh nghiệp mới tiếp cận được nguồn vốn”, anh Lê Phú Nguyện, Trưởng phòng Công tác thanh niên - Sở Nội vụ nói.
Nhiều đại biểu cho rằng cần huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp qua các hình thức như bảo lãnh tín dụng, đầu tư cho ý tưởng có triển vọng đồng thời phải tạo cơ chế đặc thù trong vay vốn...
Bài, ảnh: Phương Trà