Chính trị - Xã hội
Bức thư của cựu binh Mỹ vạch trần sự thật vụ thảm sát Mỹ Lai
ĐNĐT - Gần 2 năm sau vụ tấn công mang tính hủy diệt ở thôn Mỹ Lai, Quảng Ngãi ngày 16-3-1968, bất chấp mọi nỗ lực che giấu của những người đứng đầu quân đội Mỹ, sự thật về vụ thảm sát kinh hoàng cuối cùng đã bị lật tẩy.
Trực thăng Bell UH-1D Iroquois của quân đội Mỹ hạ cánh xuống một bãi đất trống tại thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 16-3-1968. |
Người mở đầu công cuộc phanh phui vụ việc này chính là Ronald Ridenhour, một cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Ông từng gia nhập quân đội Mỹ và đảm trách nhiệm vụ điều khiển súng máy trên cửa trực thăng quân sự thuộc Lữ đoàn Bộ binh 11 của Mỹ.
Tuy không trực tiếp tham gia vào trận càn đẫm máu đó, nhưng Ridenhour thật sự bị sốc khi nghe chính đồng đội của mình kể lại tường tận vụ thảm sát phi nhân tính. Các xác chết mà Mỹ gọi là “Việt Cộng” lại toàn là người già, em bé và phụ nữ.
Tháng 3 năm 1969, ông đã đích thân soạn một bức thư trình bày chi tiết sự kiện Mỹ Lai, sao 30 bản, đệ trình lên Tổng thống Richard M. Nixon, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Tham mưu Liên quân và một số thành viên của Quốc hội Mỹ. Nhưng đáp lại, nhiều quan chức đã “phớt lờ” lá thư của người cựu binh.
Trong lá thư khoảng 2.000 chữ đầy tâm huyết của mình, Ridenhour đã vạch trần tội ác man rợ của lính Mỹ trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai - nỗi đau ngàn đời không thể nguôi ngoai trong mỗi người dân Việt Nam và cả nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới.
Vào sáng ngày 16-3-1968, Lực lượng đặc nhiệm Barker (Task Force Barker), Lữ đoàn 11, Sư đoàn Armerical, quân viễn chinh Mỹ, rời khỏi căn cứ hỏa lực của họ và tiến về phía thôn Mỹ Lai với “sứ mệnh” phá hủy khu vực được cho là “gây rắc rối” và tiêu diệt hết thảy người dân nơi đây.
Ridenhour chia sẻ rằng những gì mà người đồng đội Butch Gruver kể cho ông về màn giết chóc man rợ thực sự quá kinh khủng và vượt xa sức tưởng tượng của ông.
“Hai đại đội khác hợp thành lực lượng đặc nhiệm bao vây, phong tỏa ngôi làng để đại đội Charlie thuận tiện di chuyển, đốt phá nhà cửa và giết hại dân thường. Bất kỳ người dân nào trốn thoát khỏi đại đội Charlie đều bị hai đại đội kia chặn lại”, Ridenhour viết.
Xác 3 thường dân Việt Nam nằm giữa một con đường làng sau khi trúng đạn. Lính Mỹ dùng súng, lưỡi lê hoặc lựu đạn để giết chết dân thường. |
“Tôi hỏi Butch về số phận dân làng trong vụ thảm sát. Anh ấy cho biết đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều bị sát hại. Butch nhớ lại cảnh một cậu bé khoảng chừng 3 đến 4 tuổi, đứng bên đường mòn với vết đạn bắn ở một cánh tay. Tay còn lại của em ôm lấy chỗ bị thương. Máu chảy thành dòng nhỏ giữa những ngón tay em. Cậu bé ấy chỉ đứng đó với đôi mắt mở to nhìn chằm chằm chung quanh và dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó một tay lính liên lạc điện đàm Mỹ đã giết chết đứa bé bằng lưỡi lê của khẩu M-16 trong tay mình”.
Theo nội dung trong lá thư, một người lính Mỹ đã phải tự bắn vào chân mình để có thể được phép rời khỏi Mỹ Lai và không phải tham gia vào cuộc giết chóc dã man, đầy thú tính của Đại đội Charlie. Một viên sĩ quan thuộc đại đội này đã ra lệnh vây bắt và trói buộc dân làng thành từng nhóm (mỗi nhóm ít nhất 20 người bất kể giới tính và lứa tuổi), sau đó thản nhiên xả súng từng hồi vào những thường dân vô tội kia.
Theo lời kể của Butch, vụ thảm sát man rợ này đã cướp đi mạng sống của khoảng từ 300 đến 400 dân thường không một tấc sắt trong tay, và có thể chỉ rất ít người sống sót vào cái ngày định mệnh đó.
“Những gì thực sự đã xảy ra ở Pinkville (biệt danh quân Mỹ đặt cho Mỹ Lai) tôi vẫn chưa biết chắc, nhưng tôi không thể không tin rằng có điều gì đó vô cùng đen tối đã xảy ra ở đó”, Ridenhour trải lòng.
“Nếu bạn và tôi thực sự tin tưởng vào nguyên tắc, công lý và bình quyền, cũng như tôn trọng luật pháp, tất cả được coi là nền tảng của nước Mỹ, thì chúng ta phải nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi và công khai với tất cả nỗ lực chung của chúng ta”, lá thư của Ridenhour thiết tha đề nghị.
Sau khi Ridenhour gửi thư, chính phủ Mỹ cố tình làm ngơ, che đậy vụ việc Mỹ Lai nhưng báo chí đã vào cuộc nhằm đưa tội ác của lính Mỹ ra ánh sáng.
Seymour Hersh, phóng viên Mỹ tự do, là người chủ động tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ thảm sát. Ông đã dày công thu thập thông tin, bằng chứng từ William Calley, viên trung úy chỉ huy chiến dịch thảm sát và một số nhân chứng khác để viết bài.
Theo Washington Post, nhiều tờ báo đã từ chối đăng câu chuyện của Hersh với nội dung chi tiết về những tội ác mà lính Mỹ gây ra ở thôn Mỹ Lai. Một biên tập viên của tờ Life thậm chí nói với Hersh rằng, không tờ báo nào muốn là nơi đầu tiên đăng câu chuyện nhạy cảm này.
Tháng 11-1969, tướng William R. Peers được chỉ định điều tra vụ Mỹ Lai cùng các hành động che giấu của Lục quân Mỹ. Bản báo cáo cuối cùng, The Peers Report, được công bố tháng 3 năm 1970, đã lên án mạnh mẽ việc các sĩ quan cấp cao che giấu vụ việc cũng như phời bày những tội ác của các sĩ quan thuộc Đại đội Charlie.
Đại úy Ernest Medina, chỉ huy cuộc thảm sát Mỹ Lai, ra lệnh cho binh sĩ Mỹ đốt nhà, giết vật nuôi, tàn phá các loại cây trồng và thực phẩm, theo BBC. Ảnh: Getty |
Tháng 11-1970, quân đội Mỹ mở tòa án binh xét xử những quân nhân liên quan trực tiếp tới vụ sát hại dân thường ở Mỹ Lai. Phần lớn các binh lính có dính líu tới vụ thảm sát Mỹ Lai khi phiên tòa xảy ra đã giải ngũ, vì vậy họ được miễn truy tố. Trong số 26 người bị buộc tội, chỉ có duy nhất Calley bị kết án.
Trong phiên tòa tháng 9-1971, viên trung úy Calley mặc dù đã tuyên bố mình chỉ tuân theo mệnh lệnh của sĩ quan cấp trên (đại úy Medina), nhưng y vẫn phải nhận án tù chung thân với các tội danh giết người có chủ ý và ra lệnh cho cấp dưới nổ súng. Sau đó, Tổng thống Nixon đã giảm án và cuối cùng Calley chỉ phải chịu án 4 tháng rưỡi ngồi tù quân sự tại Fort Leavenworth, tiểu bang Kansas, Mỹ.
Ngày 19-8-2009, trong lúc phát biểu tại một buổi họp mặt ở câu lạc bộ tình nguyện địa phương, lần đầu tiên William L.Calley công khai lên tiếng xin lỗi nạn nhân vụ thảm sát. “Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy day dứt vì những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó tại Mỹ Lai”, Calley nói.
Vụ thảm sát này được coi là chương nhục nhã nhất của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng dù sao nước Mỹ còn vớt vát chút danh dự nhờ lòng dũng cảm của Thompson, Colburn, và Andreotta. Ngày 6-3-1998, 3 người lính này được Chính phủ Mỹ trao tặng Huân chương Chiến Sĩ (the Soldier’s Medal) cho những nỗ lực ngăn cản hành động tàn bạo ở Mỹ Lai.
Tạp chí TIME (Mỹ) nhận định rằng “cuộc khủng hoảng lương tâm do vụ việc mà Calley gây ra thật sự còn nghiêm trọng hơn nhiều so với cơn chấn động từ vụ ám sát Tổng thống Kennedy”.
Anh Thư (theo TIME)