Chính trị - Xã hội

Cử tri bất bình việc Trung Quốc cải tạo trái phép ở Trường Sa

12:22, 20/05/2015 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam đã thông tin như vậy trong phần đọc báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XII.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB MTTQ VN
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam

Cả nước bất bình

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết  hầu hết ý kiến cử tri cả nước đều bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc mở rộng các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép tại Trường Sa, phản đối việc Trung Quốc xây dựng nhiều công trình kiên cố cao tầng trên các đảo này.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và  Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).

“Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin với Quốc hội.

Đại hội Đảng phải lựa chọn được người thực sự có tài, có đức

Những tháng đầu năm 2015, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân đánh giá cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp.

Việc kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể, tạo thêm niềm tin, phấn khởi trong nhân dân. 

Nhân dịp này, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa chính sách hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Cử tri và nhân dân quan tâm sâu sắc việc triển khai tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp phải thật sự dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi địa phương và toàn quốc, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp. 

Mặt Trận, HĐND cần nâng cao hiệu quả giám sát

Công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Quốc hội đã khẩn trương ban hành nhiều đạo luật quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhằm tiếp tục bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Nhân dân hoan nghênh việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai đúng kế hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy việc thực hiện chính sách này về cơ bản là đúng đối tượng, đủ chính sách và kịp thời, đồng thời đã chỉ rõ các trường hợp cụ thể cần tiếp tục quan tâm giải quyết  tại mỗi xã, phường. 

Cử tri và nhân dân hoan nghênh và rất quan tâm theo dõi việc thực hiện các chương trình giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với các bộ, ngành đang triển khai ở các lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của nhân dân và nâng cao tính cạnh tranh môi trường kinh doanh. 

Các ý kiến đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát  theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Xem xét lại Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội

Ngoài ra, một vấn đề dân sinh được cử tri kiến nghị nhiều là Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014. Ý kiến cử tri cho thấy Luật Bảo hiểm xã hội đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già.

Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng một bộ phận người lao động ngừng việc tập thể để phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014.

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng các nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế” - ông Nhân nói.

Tương tự, cử tri và nhân dân cũng phản ánh về Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 còn một số bất cập, như việc bắt buộc mua thẻ bảo hiểm y tế đối với tất cả các thành viên trong hộ gia đình là chưa phù hợp với những hộ gia đình khó khăn về kinh tế, việc phải chứng minh sự tham gia bảo hiểm y tế của từng thành viên trong hộ gia đình khi các thành viên học tập, lao động, công tác ở những nơi khác nhau là phức tạp.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn riêng về việc quy định mua bảo hiểm y tế bắt buộc, tạo điều kiện cho nhân dân được khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên tùy theo mức độ bệnh của người bệnh...

Theo Tuổi trẻ/VOV

.