Chính trị - Xã hội

KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2015)

Học Bác từ lời nói đến cách viết

08:15, 14/05/2015 (GMT+7)

Gắn bó với công tác Tuyên giáo từ khi quận Cẩm Lệ mới bắt đầu thành lập, 10 năm qua, ông Hồ Văn Ca, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Cẩm Lệ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với ông, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, ông luôn học Bác từ những việc nhỏ nhất, từ lời nói đến cách viết.

Những ngày đầu quận Cẩm Lệ thành lập và đi vào hoạt động, ông Hồ Văn Ca luôn trăn trở rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy cơ sở chưa thật sự đồng bộ, thiếu thông tin, chưa vững chắc về nghiệp vụ chuyên môn, thiếu thống nhất từ quận đến cơ sở. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh chóng, tình hình khiếu kiện kéo dài ở Cồn Dầu cũng bắt đầu; đồng thời những thông tin không chính thống từ Internet ngày càng tràn ngập vào đời sống nhân dân. Nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy ở cơ sở hết sức nặng nề và cần phải khẳng định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.

Từ nhận thức tầm quan trọng trên, với cương vị là Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, ông Hồ Văn Ca đã tập trung nghiên cứu và chỉ đạo cấp dưới không ngừng đổi mới, sáng tạo trong vai trò tham mưu cho cấp ủy để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ quận đến cơ sở. Nhờ đó, ông đã đặt nền móng vững chắc để góp phần đáng kể cho công tác chính trị, tư tưởng ở cơ sở hiện nay.

Cụ thể, ngày 3-2-2015 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã có Hướng dẫn số 59/HD-TU về Tổ chức hoạt động của Ban Tuyên giáo xã, phường. Thực chất, việc làm này, ông Hồ Văn Ca đã tham mưu cho Quận ủy Cẩm Lệ làm từ nhiều năm trước. Ban Tuyên giáo phường có từ 3 đến 7 đồng chí, do Phó Bí thư thường trực làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND phụ trách Văn xã làm Phó ban, một đồng chí chuyên trách và một số thành viên là trưởng các đoàn thể.

Đồng thời, ông cũng đã tham mưu củng cố lại và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Từ chỗ lực lượng này thiếu và thụ động trong việc nắm bắt thông tin, ông Hồ Văn Ca chủ động cung cấp tài liệu, thông tin tuyên truyền để họ nắm bắt kịp thời và chủ động trong công tác tuyên truyền đến với nhân dân.

Từ chỗ lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở vừa mỏng vừa yếu từ những năm đầu mới thành lập, đến nay lực lượng này đã lên đến 221 người. Nhờ đó, hiện nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng bắt đầu hướng dẫn về tổ chức hoạt động của Ban Tuyên giáo xã, phường thì ở Cẩm Lệ, lực lượng này không những không bỡ ngỡ mà đã chững chạc và đã hoạt động hiệu quả từ nhiều năm trước.

Theo ông Hồ Văn Ca, Bác Hồ đã từng chỉ ra, mỗi con người có 3 trách nhiệm do mối quan hệ cá nhân với nhiệm vụ được giao. Đó là, trách nhiệm trước Đảng; trách nhiệm trước dân; trách nhiệm trước công việc được giao. Vì vậy, với ông Hồ Văn Ca, trước hết phải làm tốt trách nhiệm, công việc được giao; trách nhiệm với nhân dân mới báo cáo trách nhiệm với Đảng.

Học tập tư tưởng đó, trong 5 năm đầu (2005-2010), ông Hồ Văn Ca đã xác định trách nhiệm phải làm gì đối với nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy? Với thực tiễn tại địa phương, ông Hồ Văn Ca nhận thấy rằng, việc đưa nghị quyết của Đảng vào đời sống nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập nên hiệu quả thúc đẩy hành động cách mạng trong nhân dân vẫn chưa cao, chưa tạo được các phong trào có tính bền vững để xây dựng quận Cẩm Lệ vươn lên về mọi mặt. Vì vậy, ông Hồ Văn Ca đã chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đưa nghị quyết của Đảng vào đời sống nhân dân trên địa bàn quận Cẩm Lệ giai đoạn 2011- 2015”.

Đề án được phê duyệt cuối năm 2010 và bắt đầu triển khai đầu năm 2011 (năm đầu tiên của nhiệm kỳ II của Đảng bộ quận Cẩm Lệ). Đề án được Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng (6-2013). Qua sơ kết, cho thấy: Nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng được nâng cao và có sự đồng thuận cao trong toàn quận. Phong trào cách mạng từ quận đến cơ sở luôn diễn ra sôi nổi, người dân luôn vui tươi, phấn khởi trong thực hiện trách nhiệm công dân của mình tại địa phương, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hằng năm.

Về học tập Bác chống 3 “căn bệnh”: chủ quan, hẹp hòi, ba hoa cũng đã giúp ông Hồ Văn Ca hoàn thành tốt nhiệm vụ của một báo cáo viên Thành ủy, báo cáo viên Quận ủy. Học Bác, ông Hồ Văn Ca luôn gắn lý luận với thực tiễn, nói và viết luôn theo ngôn ngữ quần chúng. Nói, viết luôn theo quan điểm chưa nghiên cứu, chưa điều tra, chưa hiểu thì chưa nói, chưa viết. Muốn nói, viết phải chuẩn bị kỹ đề cương. Đặc biệt, không nói dài dòng, không nói rỗng tuếch, không nói lông bông, nói theo sáo mòn; viết không chủ đích, không ai hiểu.

Đến nay, bản thân ông Hồ Văn Ca đã đúc kết được hai kinh nghiệm từ thực tiễn. Đó là: Kinh nghiệm về công tác tư tưởng trên địa bàn quận; kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hiện nay. Những sáng kiến kinh nghiệm này được triển khai áp dụng rộng rãi trên địa bàn quận Cẩm Lệ trong thời gian qua.

ĐẶNG NỞ

.