Chính trị - Xã hội

PHÒNG CHỐNG HIV TẠI CỘNG ĐỒNG

Tuyên truyền để thay đổi nhận thức

08:10, 29/05/2015 (GMT+7)

Thời gian qua, phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” được triển khai mạnh tại Đà Nẵng.

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng.
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng.

Dù đã đạt một số kết quả nhưng để duy trì phong trào, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong mỗi người dân.

Phát triển mạnh nhóm nòng cốt

Theo kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS - hai đơn vị chủ chốt trong phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, trong thời gian qua có 56% khu dân cư có nhóm nòng cốt. Song, đến nay, thành phố đã xây dựng được 940 nhóm nóng cốt trên tổng số hơn 1.200 Ban công tác Mặt trận (chiếm hơn 76%). Trong đó, nhiều phường, xã đã thành lập các nhóm nòng cốt tại các khu dân cư trọng điểm và những nhóm này duy trì hoạt động thường xuyên. Nhờ vậy, đã góp phần làm giảm số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS và số người chết do AIDS hằng năm.

Bà Lê Thị Thái Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cho biết cơ quan Mặt trận đã tổ chức tập huấn kiến thức phòng, chống HIV/AIDS và kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho 120 cán bộ Mặt trận các cấp và 350 thành viên các nhóm nòng cốt.

Qua đó, các nhóm trưởng được thông tin về tình hình dịch HIV/AIDS tại thành phố; các chương trình dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS; các biện pháp phòng, chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS. “Chúng tôi đã hỗ trợ các trưởng nhóm nòng cốt nắm và hiểu rõ hơn về tác hại, nguy cơ lây lan của HIV/AIDS cũng như cách thức tuyên truyền đến người dân, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, bà Dương cho biết.

Đồng quan điểm với bà Dương, bác sĩ Nguyễn Thành Dương, Trưởng khoa Truyền thông - Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, cho rằng cần phát huy hơn nữa lực lượng nòng cốt ở cộng đồng dân cư để họ là cánh tay nối dài giúp công tác tuyên truyền đến từng người dân hiệu quả. “Chúng ta có thể phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khác như tổ chức hội thi tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS cho các nhóm nòng cốt để khuyến khích họ hoạt động tốt hơn, tạo không khí thi đua trong các nhóm nòng cốt”, ông Dương nói.

Cần thay đổi nhận thức

Theo bà Lê Thị Thái Dương, quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm hạn chế phân biệt kỳ thị với người nhiễm H, qua đó xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư bình yên. “Chúng tôi luôn tích cực vận động những người có chức sắc, uy tín, đồng bào có đạo tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động truyên truyền phòng, chống HIV/AIDS vào 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS”, bà Dương nói.

Trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã lồng ghép tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư 61 buổi, thu hút hơn 6.800 lượt người tham dự; đồng thời, cấp phát hơn 24.000 tài liệu truyền thông, hơn 400 pa-nô phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm cho các quận, huyện, phường, xã nhằm tăng cường truyền thông tại tuyến cơ sở.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV bằng bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone luôn được chú trọng. Theo bà Dương, người dân cần đi xét nghiệm HIV tự nguyện nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm HIV để được hỗ trợ chăm sóc, điều trị sớm. Việc hỗ trợ người nhiễm HIV hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Nhiều người nhiễm HIV vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa được quan tâm, điều trị một cách tốt nhất. Bà Dương cho biết, thời gian đến, sẽ thống kê số người nhiễm HIV/AIDS ở cơ sở để giúp đỡ thông qua kênh của trạm y tế, qua đó nắm bắt tình hình đời sống của người nhiễm HIV/AIDS để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần có ý thức trách nhiệm đối với chính mình, hiểu những nguy cơ dẫn đến căn bệnh này thì mới hạn chế được tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng.

Bài và ảnh: BẢO THIÊN

.