Chính trị - Xã hội

Tập trung quy định tội phạm và hình phạt trong Bộ luật Hình sự

08:23, 27/05/2015 (GMT+7)

Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa nhất trí với Ủy ban Tư pháp  Quốc hội về quy định tập trung chính sách hình sự, tội phạm và hình phạt trong Bộ luật Hình sự (BLHS) nhằm bảo đảm sự đồng bộ, minh bạch, nhất quán mang tính hệ thống của chính sách hình sự, bảo đảm tính thuận tiện trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan đến tội phạm và hình phạt phải bảo đảm tính khách quan, thống nhất và đồng bộ của cả hệ thống tội phạm, hình phạt và các chế định khác của pháp luật hình sự. Việc đưa vào các đạo luật chuyên ngành quy định tội phạm và hình phạt sẽ khó có thể đáp ứng các yêu cầu trên và dẫn đến thiếu nhất quán trong chính sách hình sự. Do đó, ĐB đề nghị không nên đặt vấn đề quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành khác.

ĐB Huỳnh Nghĩa thống nhất phương án 2 tại khoản 2 Điều 12, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, vì thời gian qua, người chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Việc sửa đổi, bổ sung cũng cần phải tính xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, kỹ thuật số và khả năng phạm tội của người chưa thành niên trong lĩnh vực này.

Nếu quy định thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng này như phương án 1 sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay. ĐB không đồng ý đối với quy định, người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác được BLHS quy định.

Vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người có hành vi phạm tội đối với pháp luật, đối với xã hội, mọi hành vi vi phạm pháp hình sự được phát hiện đều phải được xử lý theo quy định. Do đó, việc quy định hành vi che giấu tội phạm của những đối tượng nêu trên gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, gây khó khăn cho quá trình điều tra xác định tội phạm để đưa ra truy tố trước pháp luật. ĐB đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành về xử lý hành vi che giấu tội phạm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong tình hình mới, bảo đảm được cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần làm rõ khái niệm “pháp nhân kinh tế” tại Điều 2 cho phù hợp với quy định tại Điều 84, Điều 100 Bộ luật Dân sự 2005.

Cần làm rõ pháp nhân kinh tế có bao gồm các công ty mẹ - con, công ty liên quốc gia, tổ chức hiệp hội, các văn phòng đại diện, chi nhánh của công ty có yếu tố nước ngoài nhằm tránh trường hợp pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội ở Việt Nam nhưng do chủ thể chính nằm ở nước ngoài nên không thể quy kết trách nhiệm pháp lý. ĐB đề nghị luật quy định theo hướng, chỉ trong trường hợp pháp nhân để cho người đại diện thực hiện tội phạm vì lợi ích chung thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người thực hiện hành vi phạm tội.

Còn người thực hiện hành vi phạm tội của pháp nhân phải là người có vị trí lãnh đạo hoặc được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Trung tướng, Chính ủy Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) nhất trí với quan điểm cần hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình đối với một số loại tội danh để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật và Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị không thể bỏ hình phạt tử hình đối với các tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; chống loài người, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; tội phạm chiến tranh, vì đây là những tội phạm hết sức nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của rất nhiều người. Còn đối với những tội phạm liên quan đến kinh tế, trước yêu cầu về đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay thì chưa nên bỏ áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thống nhất bổ sung các tội phạm mới như tờ trình của Chính phủ;  đề nghị bổ sung thêm tội lạm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động đã đóng tiền bảo hiểm xã hội bằng cách bị trừ vào tiền lương hằng tháng, nhưng người sử dụng lao động lại dùng số tiền này vào việc khác mà không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Tham gia thảo luận, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật chưa thể hiện đầy đủ nội dung trong luật như mục đích, đối tượng, nguyên tắc hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, cộng tác viên, hội đồng, quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán. ĐB đề nghị sửa đổi Điều 3 theo hướng, quy định mục đích kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhằm báo cáo hoặc đưa ra ý kiến đánh giá xác định tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật tài chính; hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý sử dụng tài sản công và nguồn lực thuộc trách nhiệm của quản lý nhà nước.

ĐB đề nghị luật quy định theo hướng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với tất cả các tài sản, nguồn lực được hình thành từ ngân sách Nhà nước, có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hoặc thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước.

PHẠM HỮU HOA

.