Chính trị - Xã hội

Báo Đà Nẵng và nghề làm báo ở Đà Nẵng

15:54, 19/06/2015 (GMT+7)

Có người nói vui rằng, ông cha xưa từng làm “báo nói” và có hẳn một hệ thống truyền thanh từ Trung ương đến làng, xã là các “thằng mõ” - vua Hùng cũng nhờ đội ngũ “phát thanh viên” mẫn cán và chuyên nghiệp này mà tìm được người tài là cậu bé làng Gióng…

Thực ra, ông cha xưa chỉ biết viết sách và in sách- mà từ số lượng đầu sách đến số lượng ấn bản/tirage đều rất hạn chế - chứ chưa biết viết báo và in báo. Viết báo và in báo chỉ có thể là kết quả giao lưu văn hóa giữa người Việt và phương Tây từ thập niên 60 của thế kỷ XIX, ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1862.

Ngày 15-4-1865, người Việt được đọc Gia Định báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ phát hành mỗi tháng một kỳ, rồi mỗi tháng hai kỳ, trong phạm vi 3 tỉnh miền Đông, với giá bán 0.97 đồng/tờ (nếu là đọc báo tiếng Pháp thì có lẽ còn sớm hơn).

Gia Định báo gắn liền với tên tuổi nhà văn hóa kiệt xuất Trương Vĩnh Ký, được sinh thành từ ý tưởng của ông và từ khi ông nhậm chức Chánh Tổng tài/Rédacteur en Chef vào tháng 9-1869, Gia Định báo trở thành tuần báo phát hành cả Nam Kỳ Lục tỉnh, và không chỉ đơn thuần là công báo bởi còn có thêm các phần dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác văn chương...

Đà Nẵng thời Pháp thuộc là thành phố nhượng địa Tourane nên có điều kiện tiếp cận sớm với báo in - phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại nhất đương thời. Chưa có sử liệu để biết chính xác rằng tờ báo in bằng tiếng Pháp hay bằng chữ quốc ngữ đầu tiên đến tay đông đảo độc giả Tourane là tờ báo nào và vào thời điểm nào, nhưng nếu có một tờ báo như vậy thì chỉ có khả năng được nhập từ Pháp hoặc từ Nam Kỳ thuộc Pháp.

Nói vậy để thấy ban đầu người Đà Nẵng chỉ là người đọc báo. Lịch sử báo chí Đà Nẵng ghi nhận trường hợp Huỳnh Thúc Kháng từng xin nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương cho đặt tòa soạn báo Tiếng Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Tân Việt - ở Tourane nhằm tranh thủ một số chính sách thông thoáng về báo chí đối với nhượng địa, nhưng không được chính quyền thực dân chấp thuận, chứ nếu được chấp thuận thì người Đà Nẵng đã có thể làm báo ngay tại thành phố này từ cuối thập niên 20 của thế kỷ XX (báo Tiếng Dân phát hành số đầu tiên ngày 15-8-1927).

Lịch sử báo chí Đà Nẵng cũng ghi nhận một phụ nữ Đà Nẵng là bà Huỳnh Thị Bảo Hòa từ năm 1927 đã làm thông tín viên cho tờ Thực nghiệp dân báo và đến năm 1931 trở thành nhà báo nữ đầu tiên có bài đăng trên Nam Phong tạp chí.      

Trong bài “Văn hóa và giáo dục Đà Nẵng - 40 năm nhìn lại” đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 29-3-2015, tôi có nhận xét: “Có thể nói lĩnh vực xuất bản và báo chí ở Đà Nẵng chỉ thật sự được gầy dựng sau ngày giải phóng. Trước đây thành phố bên sông Hàn hầu như không có nhà xuất bản, nhật báo và đài truyền hình riêng của địa phương, chỉ có Đài Phát thanh Đà Nẵng - nghĩa là không bằng Sài Gòn và Huế. Trải qua 40 năm, lĩnh vực này ở Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách rất xa so với thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã được thu hẹp đáng kể khoảng cách so với Huế - thậm chí nếu xét riêng hoạt động của chi nhánh các cơ quan xuất bản và báo chí Trung ương thì Đà Nẵng còn có phần sôi động hơn Huế”.

Trên tiến trình gầy dựng nền báo chí cách mạng ở Đà Nẵng không ngừng phát triển về quy mô, đông đảo về đội ngũ, đa dạng về loại hình - báo in/báo nói/báo hình/báo điện tử, bản tiếng Việt/bản tiếng Anh, báo địa phương/báo Trung ương… suốt bốn chục năm qua, Báo Công an Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng và Báo Đà Nẵng (cùng các báo/đài tiền thân khi Đà Nẵng chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương) - luôn có vai trò quan trọng và đóng góp lớn lao.

Báo Đà Nẵng là báo Đảng - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Đà Nẵng, các đời tổng biên tập đều là Thành ủy viên. Tại Hội thảo “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” do Báo Đà Nẵng đăng cai tổ chức vào ngày 26-3-2015, tôi đã đặt câu hỏi: Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng khác với chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Việt, càng khác với chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo nói chung, vậy sự khác nhau này nằm ở đâu?

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, vậy có phải về vấn đề chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, báo Đảng phải mang tính tiên phong so với các báo Việt khác? Những câu hỏi của tôi đã tìm được câu trả lời thỏa đáng ở Báo Đà Nẵng.

Có thể nói, trong vấn đề chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, Báo Đà Nẵng thể hiện rất rõ tính tiên phong, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, luôn xem lợi ích dân tộc là tối thượng, không mơ hồ với tham vọng độc chiếm Biển Đông ngàn đời không thay đổi của người láng giềng Trung Quốc; đồng thời không kích động hận thù dân tộc và thể hiện rõ khát vọng hòa bình của nhân dân ta…

Báo Đà Nẵng còn là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Chính vì vậy Báo Đà Nẵng - nhất là các số Đà Nẵng cuối tuần - cũng thường xuyên thảo luận về những vấn đề an sinh xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa: nào là xây dựng thành phố xanh, nào là cây xanh đô thị, nào là thách thức đối với thức ăn đường phố, nào là chuyện nghề ngày Tết, nào là trải nghiệm cuộc sống, nào là di tích lịch sử và công nghiệp không khói, nào là giữ gốc rễ cội nguồn cho làng quê, nào là ngoại ngữ và đô thị hóa, nào là rao vặt và đời sống, nào là nếp sống và thói quen, nào là ứng xử nơi công cộng, nào là đọc sách và sách đọc, nào là phát triển nguồn nhân lực…

Thảo luận không chỉ đề nhận diện đúng thực trạng, thậm chí để báo động về thực trạng - được như vậy đã quý - mà còn là và chủ yếu là để tìm giải pháp cải thiện thực trạng, với mong muốn làm sao cho thành phố bên sông Hàn luôn nung nấu khát vọng vươn lên, không chịu bằng lòng thỏa mãn với cái đang có, như lời khuyên chí lý của người xưa: Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân. Rất có thể nhiều quyết định hợp lòng dân của lãnh đạo thành phố là được gợi ý từ các bài viết đầy khát vọng đổi mới về những vấn đề an sinh xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa đăng trên Báo Đà Nẵng.  

Đã nói đến nghề làm báo thì không thể không nói đến người làm báo. Đã xem vấn đề phát triển nguồn nhân lực là một trong những vấn đề nóng của đô thị thì không thể không bàn về phát triển nguồn nhân lực báo chí. Cách đây mấy năm, tôi đã viết về người làm báo trong bài Báo Đà Nẵng như tôi hằng nghĩ rằng hơn đâu hết, ở đây rất cần những con người vừa có tâm vừa có tầm.

Có tâm mới không vô cảm với thời cuộc và mới nhạy cảm với thời sự; có tầm mới đủ bút lực để đưa tin viết bài bảo đảm đúng sự thật, đúng bản chất của vấn đề… Báo chí học phân biệt thông tin quốc nội và thông tin đối ngoại là thông tin về các sự kiện diễn ra ở trong nước, khác với thông tin quốc tế là thông tin về các sự kiện diễn ra ở ngoài nước.

Vì thế, những người làm báo cần đủ nhạy cảm chính trị và am hiểu báo chí học để không đăng ở chuyên mục Quốc tế hoặc Thế giới các tin, bài liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông như là sự kiện Trung Quốc tăng cường quân đồn trú ở Hoàng Sa hay xây đảo nhân tạo ở Trường Sa…, bởi Hoàng Sa và Trường Sa dẫu nằm ngoài biển khơi xa nhưng là huyện đảo của nước ta, chuyện xảy ra ở đấy phải được xem là chuyện trong nước, thuộc loại thông tin quốc nội và thông tin đối ngoại, không nên xem là thông tin quốc tế!

BÙI VĂN TIẾNG

.