Chính trị - Xã hội

Từ 3+1 đến "để cho dân mở miệng"

15:35, 19/06/2015 (GMT+7)

Một buổi sáng tôi nhớ không rõ, khoảng cuối những năm 70 đầu những năm 80, trong lúc làm việc với một số anh em cán bộ văn hóa tư tưởng, anh Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng có hỏi anh em chúng tôi “Các ông có biết ở Sài Gòn sáng ra người ta có công thức 3+1 là gì không?”.

Báo Giải phóng, số Tết Mậu Thân và số ngày 20-4-1973. Ảnh tư liệu
Báo Giải phóng, số Tết Mậu Thân và số ngày 20-4-1973. Ảnh tư liệu

Rồi anh kể “Đó là sáng dậy việc đầu tiên với mọi người kể cả những người lao động nghèo như bác xích lô, anh xe thồ, cũng phải có đủ 3 món: tô-ly-điếu. Tô là tô bún hay hủ tiếu, phở; ly là ly cà-phê đen hay cà-phê sữa; điếu là điếu thuốc lá, có thể là thứ rẻ nhất Mai hay Đà Lạt, cũng có thể là Con ngựa. Còn 1 đó là tờ báo, trước khi làm mọi việc phải đọc báo.

Anh nhận xét “Bây giờ mình còn nghèo, còn khó, cái gì cũng thiếu, sáng dậy có người làm mấy mẩu khoai, mẩu sắn, có người một chén cơm nguội dằn lòng. Nhưng không được lấy cái nghèo khó này làm chuẩn. Phải làm sao để ai ai - nhất là những người lao động sáng ra có một tô bún, hủ tiếu, phở hay mì Quảng tôm thịt đầy đủ, ngon lành. Như thế là nạp đủ năng lượng để làm việc tốt”.

Nhiều người còn nhớ sau ngày 29-3-1975 ít lâu, ở Đà Nẵng có một vài quán bún, tiệm phở có thương hiệu từ trước ngày giải phóng vẫn đông khách. Một vài người thấy vậy “sợ sản xuất nhỏ từng ngày từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” đề xuất, quản lý, cải tạo họ. Nghe những ý kiến đó, anh Nghinh cười “Họ đông khách làm ăn có lãi ta mừng cho họ và liệu mà thu thuế khuyến khích họ làm ăn thế là dân mình, cán bộ mình được ăn sáng ngon và rẻ. Các ông cải tạo mà nhào vô có khi lại hư đường hư bột đó”.

Anh còn kể, xứ Quảng mình khác với ngoài Bắc, làm ruộng nuôi tằm lúc nông vụ tấn thời, nhà nào kêu thợ ngoài các bữa chính còn phải lo uống nước nửa buổi, ăn xế rồi có làm đêm lại lo ăn khuya. Gọi là uống nước nửa buổi chứ thường là kêu người bán mì gánh. Giữa cánh đồng thơm nức mùi lúa chín, những tô mì đỏ au tôm thịt, rau sống tươi ngon. Đúng là ăn rồi ai chẳng thấy mình phải làm tốt hơn, phấn chấn hơn.

Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Đà (3-1967).  Ảnh tư liệu
Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Đà (3-1967). Ảnh tư liệu

Anh phân tích: Còn đọc báo tùy thích mọi người. Người ghiền coi tin bóng đá. Người quan tâm việc quốc sự, chuyện năm châu. Người ham coi những tin giật gân của đời thường thành phố. Họ đọc báo là có văn minh, là xây văn hóa rồi. Thiệt là quý khi họ xem đọc báo như ăn cơm uống nước hằng ngày. Các ông cán bộ tuyên huấn lại thích nói chữ, đại ngôn. Báo chí là công cụ sắc bén, là vũ khí lợi hại. Vấn đề ở đây là từ thói quen tốt của họ phát huy lên, đem đến cho họ những món ăn ngon và lành, thích hợp rồi lôi cuốn họ vào sinh hoạt báo chí, sinh hoạt chính trị.

Anh ân cần dặn chúng tôi: Đừng nghĩ tạo được thói quen đọc báo, có đủ 3+1 là dễ, phải có một đời sống vật chất đến mức nào, có một trình độ dân trí như thế nào mới hình thành nên thói quen đó.
Hơn 30 năm đã đi qua nhớ chuyện anh Nghinh nói vui ngày ấy thấy bao vấn đề vẫn còn đó và lại có thêm những vấn đề mới chưa ai hình dung nổi.

Cùng với báo in, báo nói, báo hình, ngày nay mạng Internet và báo mạng là những thực thể rất quan trọng, dù gặp nhiều cản ngại và dù chính sách cơ chế quản lý thế nào chắc rằng nó vẫn có một thị phần công chúng không thể xem thường. Và nhất định là trong tương lai, công nghệ - cuộc sống sẽ có lời giải về mạng và báo mạng phù hợp với sự tiến hóa.

Hai điều cốt lõi mà anh Nghinh nhắc chúng tôi ngày ấy: Người dân phải có một mức sống khá thì mới có 3+1 (tính theo thời giá hiện nay, bữa sáng 3+1 ít nhất cũng là 30.000 đồng, hơn 1 ngày thu nhập theo chuẩn người nghèo của thành phố với người dân nội đô) và không kém phần quan trọng là dân trí, học vấn và nhất là tờ báo phải gần gũi với họ như cơm ăn nước uống hằng ngày của họ phải là tiếng nói của họ.

Mỗi khi nhớ những điều cốt lõi này, tôi lại nghĩ đến lời Hồ Chủ tịch: “Các chú diễn giải 2 chữ dân chủ sao mà rắc rối, dài dòng thế. Dân chủ thực ra có nghĩa là để cho dân mở miệng. Liệu có làm được không, có dám làm không”.

Chúng ta luôn nói, báo chí là tiếng nói của nhân dân. Báo chí là diễn đàn của nhân dân. Cụ Hồ thì lo sao cho dân được mở miệng. Để làm được điều này, nhà báo phải là cái miệng của nhân dân, là tiếng nói đích thực của nhân dân, không giả tiếng nói của nhân dân, không là tiếng nói ảo của nhân dân. Công việc này không hề dễ dàng, bởi vậy Cụ Hồ mới hỏi có dám làm không, có làm được không.

Câu hỏi này không dành riêng cho báo chí, cho các nhà báo nhưng có lẽ đây là tổ chức, là đối tượng có trách nhiệm chính phải trả lời nghiêm túc.

Nguyễn Đình An

.