Chính trị - Xã hội

Những người "nhặt sạn"

08:06, 20/06/2015 (GMT+7)

Ở cơ quan báo chí, bộ phận biên tập nội dung đảm nhận việc sửa chữa văn phong, rút tít, phát hiện chi tiết sai, chọn hình ảnh sinh động, còn người chấm morasse (chấm bản in thử) có nhiệm vụ rà soát lỗi chính tả, chữ in hoa, in thường, kiểm tra từng tấm ảnh, chú thích đi kèm… giúp trang báo dần hoàn chỉnh trước khi xuất bản. Công việc hằng ngày của họ tưởng chừng thật giản đơn nhưng rất quan trọng và có khi nhờ đó mà phát hiện những lỗi tưởng như không lỗi…

3 nhân viên morasse phòng Tòa soạn (ngồi): Võ Văn Tùng, Huỳnh Văn Quang và Trần Minh Trí cùng nhân viên trình bày Nguyễn Văn Hóa. Ảnh: VĂN NỞ
3 nhân viên morasse phòng Tòa soạn (ngồi): Võ Văn Tùng, Huỳnh Văn Quang và Trần Minh Trí cùng nhân viên trình bày Nguyễn Văn Hóa. Ảnh: VĂN NỞ

Cố nhà báo Đoàn Bá Từ, nguyên đặc phái viên Báo Cứu Quốc, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng năm 1954, từng chia sẻ rằng, mỗi khi đọc một bài báo có “dính” lỗi chính tả, văn phong đôi chỗ còn diễn tả ngô nghê, dài dòng, ông có cảm giác mình nhai phải hạt sạn nằm lẫn trong chén cơm trắng dẻo.

Trong quá trình xuất bản tờ báo, chấm morasse được xem là khâu “nhặt sạn”, gác cổng cuối cùng trước khi bản thảo được chuyển đến nhà in. Anh Trần Quốc Trung, Phó phòng Tòa soạn Báo Đà Nẵng cho biết, “lỗi morasse” là cụm từ để chỉ những lỗi trên mặt báo như chữ thiếu dấu, sai chính tả, văn phong, ngữ điệu lủng củng, câu cụt, câu không đủ nghĩa, lỗi rớt dòng... Anh đơn cử tin nói về kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa VIII đề cập việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND thành phố bầu, khi trình bày trang 1 tiếp theo trang trong đã “rơi” dòng, và đoạn bị mất đó rơi vào tên một số lãnh đạo lấy phiếu tín nhiệm. Ngay khi báo ra, Ban biên tập đã họp khẩn với Tòa soạn để rút kinh nghiệm và quyết định số ra ngày sau đó phải kịp thời đính chính, đăng lại nguyên văn tin này để cáo lỗi cùng bạn đọc.

Công tác ở bộ phận tòa soạn, chuyện phát hiện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không phải hiếm. Anh Quốc Trung nhớ lại trước năm 1997, khi các tòa soạn báo còn bộ phận montage (còn gọi là bộ phận bình bản) làm nhiệm vụ lắp ghép những bài nhỏ thành trang báo hoàn chỉnh, nếu không cẩn thận, dễ xảy ra lỗi lấy hình của bài này minh họa cho bài khác và ngược lại. Hay thời điểm trước năm 1992, Nhà In báo Quảng Nam- Đà Nẵng còn dùng phương pháp in thủ công, sử dụng bản chữ chì, dễ mất nét chữ, mất dấu trong quá trình in ấn, nhất là những chữ dọc theo khuôn chữ chì biến chữ ă, â thành a; ủ thành u… Do đó, bộ phận morasse phải rà soát thật kỹ, tập trung cao độ nhằm phát - hiện - những - lỗi- tưởng - như - không - lỗi đó.

Chấm morasse từ năm 1981 (khi còn ở Nhà In báo Quảng Nam-Đà Nẵng trước khi chuyển về Tòa soạn Báo Đà Nẵng năm 1997) đến nay, anh Trần Minh Trí có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Như số báo kỷ niệm 10 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-1985) đã xảy ra sự cố lá cờ Tổ quốc bị in ngược. Ngay lập tức, Nhà in lập một tổ rà soát quy trình và phát hiện lỗi thuộc về khâu thợ máy. Bởi thời đó, công nghệ in còn lạc hậu, thô sơ, cả trang báo lớn xếp bằng chữ chì, phần minh họa, măng-sét được khắc gỗ. Khi nhận thấy bảng khắc gỗ lá cờ Tổ quốc sau nhiều lần sử dụng đã không còn rõ nét, người thợ in vì muốn trang báo ngày mai thật đẹp bèn tháo bản khắc gỗ lá cờ ra khắc lại cho sắc sảo, khi lắp vào bị ngược, khiến tổ morasse một phen “chết điếng”. Cũng may, khi ấy, lãnh đạo Nhà in kết luận vào biên bản “vì lý do kỹ thuật” và “chữa cháy” bằng cách in hình lá cờ khác dán chồng lên chỗ sai để kịp giờ phát hành báo.

Cũng theo anh Minh Trí, làm morasse thời in thô sơ đã khổ, thời bán thủ công còn khổ hơn. Người chấm morasse không được đào tạo bài bản, phải vừa làm, vừa học, vừa tự tìm ra cách bắt lỗi tốt nhất, phải giám sát qua nhiều công đoạn, từ lỗi đánh máy, trình bày, lỗi kỹ thuật in ấn… Chẳng hạn, một tấm ảnh màu sẽ có 4 bản in phim khác nhau như xanh, đỏ, vàng, đen được đánh theo ký tự C, M, Y, K, nếu tổ bình bản không dán đúng theo bản in màu, khi in ra thì tấm hình đó sẽ sai màu hoàn toàn và người đọc morasse có nhiệm vụ phát hiện những lỗi sai đó.

Nhiều đồng nghiệp công tác tại Tòa soạn Báo Đà Nẵng chia sẻ, dù cẩn thận đến đâu cũng khó tránh khỏi việc để xảy ra sai sót trên mặt báo và mỗi khi bị Ban biên tập phê bình, bạn đọc phản ứng thì y như rằng, cả ngày hôm đó không nuốt nổi chén cơm. Ví như có lần, trong tít một bài viết đăng trên Báo Đà Nẵng, khi nhắc đến đất nước Triều Tiên, phóng viên gõ nhầm thành “Triều Tiêu”, vậy mà vẫn lọt qua nhiều khâu biên tập và bộ phận đọc morasse để đến tay bạn đọc. Cái sai trên mặt báo thường đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, những sai sót như thế thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về khâu morasse.

Một ngày làm việc của bộ phận morasse bắt đầu căng thẳng từ 14 giờ đến khuya. Thời gian ấy, họ liên tục nhìn vào bản thảo, tập trung cao độ nhằm phát hiện lỗi nếu có. Nhà báo Trương Ngọc Phương, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Đà Nẵng từng phụ trách công tác Tòa soạn, biên tập tròn 20 năm (từ 1994-2014) cho rằng, bộ phận morasse đóng vai trò quan trọng trong việc soát lỗi ở bản in thử cuối cùng trước khi chuyển bản thảo đến nhà in. Đọc nhiều, nên người chấm morasse dễ dàng “bắt” những lỗi cơ bản về chính tả, địa danh, tên tuổi, chức vụ… Đó không đơn thuần là công việc phải làm, mà còn là sự nhạy bén, linh cảm nghề nghiệp không giải thích được.

Có thể nói rằng, công việc morasse không đơn thuần là đọc và soát lỗi chính tả, mà phải biết tư duy logic, gắn kết các câu chuyện, sự kiện được phản ánh trong bài viết nhằm phát hiện lỗi ở khâu trình bày như: mất đoạn, sót đoạn, dẫn đến thông tin sai lệch. Anh Võ Văn Tùng đúc kết sau 15 năm làm ở bộ phận này rằng, muốn làm tốt, tránh xảy ra sai sót, anh thường xuyên cập nhập thông tin nhiều lĩnh vực như xây dựng, y tế, giáo dục, kinh tế, để ý tên địa danh, công ty, chức vụ lãnh đạo… Nhờ đó, trong quá trình làm việc, anh phát hiện những lỗi đó và đề xuất Ban thư ký Tòa soạn kiểm tra, chỉnh sửa. “Công việc ở Tòa soạn thường xuyên phải thức đêm, giờ giấc không ổn định, đòi hỏi người chấm morasse phải hết sức tỉnh táo, thận trọng trong quá trình soát bài, hạn chế thấp nhất sai sót trên mặt báo. Với những từ chuyên ngành lần đầu đọc, chưa hiểu, tôi vào mạng tra cứu”, anh Tùng chia sẻ.

Suốt ngày ngồi một chỗ dò bài, công việc chấm morasse ở Báo Đà Nẵng tưởng chừng đơn điệu, tẻ nhạt, nhưng mỗi ngày, các anh lại được làm giàu thêm thông tin, vốn sống của mình qua từng bài viết của phóng viên. Dù vẫn đi đêm, về hôm nhưng công việc ở tòa soạn bây giờ đỡ vất vả hơn. Dù vậy, anh Minh Trí vẫn không thể quên những ca trực đêm thời khốn khó, khi bị cúp điện đột ngột, anh em morasse tìm đến những trụ điện công cộng, lót dép rồi cắm cúi đọc tiếp…

Họ nhớ, để thầm ghi nhớ một điều: càng được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại hơn, thì sự nỗ lực của mình càng phải ngày một nâng cao, tránh tối đa những sai sót trong nghề. Để sáng ra, khi cầm tờ báo nóng hổi trên tay, bên tách cà-phê vỉa hè cùng đồng nghiệp, họ cũng thấy lòng thầm lặng một niềm vui.

Huỳnh Lê

.