Chính trị - Xã hội
Làm báo thời bao cấp: Gian khổ mà vinh quang
Nhuận bút cao, phương tiện hiện đại (điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm nhỏ gọn, máy vi tính cấu hình lớn và nối mạng Internet toàn cầu…) và rất nhiều điều kiện bình thường khác của nhà báo hiện nay, nhưng lại là những thứ ngoài sự tưởng tượng của thế hệ những người làm báo thời bao cấp chúng tôi.
Một số tờ báo xưa. |
Nhưng cũng như vai trò lịch sử của cơ chế quản lý hành chính bao cấp (cơ chế bao cấp), thế hệ những người làm báo thời bấy giờ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với đầy đủ nghĩa vụ của một công dân và trách nhiệm của người làm báo (NLB).
Bám sát cơ sở
Mặc dù điều kiện làm việc rất khó khăn, phương tiện thiếu thốn (rất ít phóng viên có máy ảnh, máy đánh chữ và xe máy) nhưng hầu hết những NLB đều khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Thời đó, hầu hết phóng viên đi công tác bằng phương tiện công cộng (ô-tô, tàu hỏa và thỉnh thoảng đi nhờ xe của lãnh đạo), thế nhưng chúng tôi đã có mặt ở hầu khắp các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các HTX mua bán, các thôn, bản trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Nhờ có những chuyến đi mà tôi biết được cuộc sống của đồng bào Cơtu, huyện Giằng (nay là Đông Giang và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) và văn hóa lễ hội đâm trâu của họ… Đến thăm Nhà máy Thủy điện Duy Sơn 2, huyện Duy Xuyên - nhà máy thủy điện đầu tiên của cả nước, do một HTX nông nghiệp làm chủ đầu tư - chúng tôi phải đi bộ gần chục cây số đường núi mới lên được nhà máy. Nhờ có chuyến đi, chúng tôi mới hiểu được tầm vóc, quyết tâm của cả Ban chủ nhiệm HTX, mà đặc biệt là Anh hùng Lao động Lưu Ban - một người cộng sản chân chính, hết lòng vì quê hương, đất nước.
Người dân ở đây kể lại rằng: Để ghi nhận công lao của HTX và Anh hùng Lao động Lưu Ban, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã hỏi ông Lưu Ban và Ban chủ nhiệm HTX muốn nhận phần thưởng thế nào. Thật bất ngờ, thay mặt cho Ban chủ nhiệm HTX, ông Lưu Ban đã xin Chính phủ cho đủ vật tư (sắt thép, xi-măng, nhựa đường, thời bấy giờ những vật tư này do Nhà nước quản lý và cấp theo kế hoạch) để làm một con đường nhựa từ trụ sở huyện Duy Xuyên về trụ sở HTX để cho dân đi lại thuận tiện. Nguyện vọng này đã được đáp ứng và HTX Duy Sơn 2 trở thành HTX đầu tiên của cả tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng có đường nhựa từ huyện về tới trụ sở HTX.
Đam mê, vượt khó
Thu nhập chủ yếu và duy nhất của nhà báo thời bấy giờ là lương theo ngạch bậc được quy định. Nhuận bút rất bèo bọt, một tháng mới được lĩnh một lần, nhiều khi không có. Các khoản khác như chế độ họp hành khi đi hội nghị như hiện nay không có. Nhưng bù lại, chúng tôi được ở và ăn cơm miễn phí khi xuống cơ sở, nhiều khi được ăn ở với dân.
Nhờ vậy, chúng tôi nắm được tình hình cơ sở về nhiều lĩnh vực. Cũng nhờ đó, bài viết sát với thực tiễn, có tính thời sự, hiếm khi sai sót. Và đặc biệt, các bài viết được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt, nhiệm vụ chính trị của báo nhờ đó cũng được nâng cao.
Để hoàn thành nhiệm vụ, việc tự học là yêu cầu gần như bắt buộc đối với mỗi nhà báo, không cần phải ai nhắc nhở. Rất nhiều nhà báo thời bấy giờ là “tay ngang” (chưa được đào tạo bài bản ở các trường đào tạo báo chí như hiện nay), những đàn anh đi trước là những người đi ra từ chiến tranh, một số khác được đào tạo ở các trường chuyên ngành khác. Ngay cả những người được đào tạo bài bản, ở các trường báo chí cũng phải tiếp tục học tập, nếu không sẽ không hiểu được những đặc thù của ngành mà mình được phân công theo dõi.
Gian khổ, thiếu thốn, nhưng hầu như rất ít phóng viên nghĩ đến việc chuyển nghề. Niềm vui và cũng là động lực mạnh mẽ nhất để các nhà báo tiếp tục “sống chết” với nghề chính là sự đón nhận của bạn đọc, trước tiên là của các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến xã, HTX và người lao động. Nhờ đam mê với nghề, lại bám sát cơ sở nên có rất nhiều nhà báo, từ bài viết của mình đã góp phần làm thay đổi nhiều quyết định lớn của một địa phương, một nhà máy… kể cả từ Trung ương.
Điển hình là với sự góp sức của báo chí mà ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị chính thức cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10) - Nghị quyết này đã thực sự là cuộc cách mạng trong quản lý nông nghiệp - và chỉ sau một thời gian thực hiện, nghị quyết đã đưa nước ta, từ một nước thiếu gạo trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.
Ngoài ra, nhờ có báo chí mà cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng phát động (chuyên mục: Những việc cần làm ngay) mà đứng đầu là nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng, góp phần làm trong sạch bộ máy chính quyền và khơi dậy niềm tin của nhân dân đối với Đảng….
90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam, trong đó Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (từ trước năm 1997) và nay là Báo Quảng Nam và Báo Đà Nẵng luôn vươn lên để hoàn thành sứ mệnh của mình; qua đó các nhà báo đã làm việc và trưởng thành từ thời bao cấp có quyền tự hào vì những cống hiến của mình.
Đức Thịnh