Chính trị - Xã hội
Đồng tiền nhân nghĩa
Gần 200 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo các cấp trên địa bàn Đà Nẵng là kết quả của 15 năm thực hiện cuộc vận động Ngày vì người nghèo.
Cùng với giá trị vật chất, số tiền này có giá trị vô cùng to lớn về mặt nhân văn, là tình sâu nghĩa nặng của cộng đồng. Đó là những đồng tiền tích cóp của các mẹ, các chị buôn gánh bán bưng, đồng lương của cán bộ, công chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; tiền của doanh nhân, nhà tu hành… dành cho đồng bào mình, những người đang nghèo khó.
Cuộc vận động Ngày vì người nghèo được Mặt trận các cấp xác định là một trong 3 cuộc vận động lớn trong thời kỳ đổi mới công tác Mặt trận và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước của toàn dân thành phố. 15 năm qua, Ban vận động Ngày vì người nghèo và Quỹ vì người nghèo các cấp đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội. Mỗi năm trong các đợt cao điểm vì người nghèo, MTTQ Việt Nam thành phố và các cấp đều có những hình thức tổ chức mới trong lễ phát động và tổng kết: từ việc biểu dương, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong cuộc vận động đến tổ chức đấu giá hiện vật, trao bảng Tấm lòng vàng, Cúp lưu niệm thay lời tri ân... Chính việc đa dạng hóa các hình thức vận động để thực hiện một mục tiêu không đổi, đó là “Tất cả vì người nghèo” đã làm cuộc vận động có sức sống trong thực tiễn, tạo ra sự quan tâm của xã hội thông qua nhiều việc làm mới mẽ, hiệu quả.
Cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận thành phố… ngoài việc ủng hộ Quỹ vì người nghèo, mỗi thành viên còn có chính sách riêng hỗ trợ cho đoàn viên, hội viên; đã chỉ đạo trong hệ thống tổ chức hội mình có các hoạt động thiết thực nhằm giúp đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Các hoạt động xóa nghèo được triển khai hiệu quả, nổi bật như: chương trình “Tiếp sức phụ nữ nghèo” của Hội LHPN; chương trình công nhân, viên chức, lao động vì hộ nghèo với “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động; “Chương trình làm nhà tình thương” của Hội Chữ thập đỏ; xây dựng “Mái ấm tình thương” của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em; chương trình “Giúp bạn vượt khó đến trường” của Đoàn Thanh niên và “Nuôi heo đất vì bạn nghèo” của Hội đồng Đội thành phố; chương trình “Doanh nghiệp vì người nghèo”; chương trình “Vì nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu thanh niên xung phong; chương trình “Nhà liền kề cho phụ nữ đơn thân” của Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh; “Nồi cháo tình thương” dành cho bệnh nhân nghèo của các tôn giáo và các nhà hảo tâm… đã thiết thực giúp hội viên, đoàn viên, nhân dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Số tiền vận động được cùng với các nguồn lực khác, cụ thể là hơn 2.000 tỷ đồng do các tổ chức thành viên của Mặt trận huy động để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. 15 năm qua, nguồn lực này được ưu tiên tập trung hỗ trợ xây dựng gần 15.000 căn nhà Đại đoàn kết, Nhà tình thương, Mái ấm tình thương, Nhà đồng tâm… cho hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà tạm bợ. Có thể nói, gần 15.000 mái ấm cho người nghèo đã được xây dựng đồng nghĩa với sự đổi đời của chừng ấy hộ nghèo mà cuộc sống của bà con trước đó phải chịu cảnh tối tăm, khổ sở. Quỹ Vì người nghèo và quỹ an sinh xã hội đã giúp hàng ngàn đồng bào nghèo có điều kiện sửa chữa nhà, khám chữa bệnh và vươn lên thoát nghèo; góp phần giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có điều kiện phẫu thuật giành lại sự sống; đã giúp hàng chục ngàn hộ người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và hàng ngàn học sinh có nguy cơ nghỉ học vì lý do kinh tế được tiếp tục đến trường.
Với những kết quả đạt được trong 15 năm qua của cuộc vận động Ngày vì người nghèo, có thể khẳng định đây là cuộc vận động giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được toàn xã hội quan tâm sâu sắc, hưởng ứng sôi nổi và đạt được thành quả to lớn, góp phần thiết thực vào chủ trương “xóa đói, giảm nghèo” của thành phố nói riêng, của Đảng và Nhà nước nói chung.
Cuộc vận động Ngày vì người nghèo không chỉ nằm trong phạm vi của Mặt trận mà còn tạo sức mạnh cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thông qua đó thúc đẩy từng hộ gia đình vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Thực tiễn sinh động của cuộc vận động đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Thực tế ở Đà Nẵng trong những năm qua, nhiều cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư, phó bí thư của các cấp ủy đã dành nhiều công sức cho cuộc vận động…; đã trực tiếp cùng Ban vận động đi đến từng cơ quan, doanh nghiệp… để vận động Quỹ vì người nghèo.
Chính những địa phương đó, cuộc vận động đã thu được kết quả khả quan. Qua tự kiểm tra và kiểm tra thường xuyên, đột xuất… việc quản lý, phân phối và sử dụng Quỹ vì người nghèo ở các cấp đều thực hiện nghiêm túc, theo đúng các quy định. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý tiền, vật tư của các địa phương chặt chẽ, chưa có trường hợp vi phạm xảy ra. Đồng tiền từ Quỹ vì người nghèo được các cấp Mặt trận xác định là đồng tiền nhân nghĩa nên luôn luôn thường trực ý thức trân trọng, giữ gìn.
Kết quả 15 năm thực hiện cuộc vận động Ngày vì người nghèo, một kết quả có ý nghĩa của Mặt trận và các tổ chức thành viên góp phần để thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn chung của cả nước. Có thể nói, đây là chặng đường đầy khó khăn nhưng thấm đẫm “tình Dân, nghĩa Đảng” để Đà Nẵng sớm tiến đến mục tiêu: an bình, thân thiện, hài hòa và sống tốt.
Nguyễn Đăng Hải
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng