Chính trị - Xã hội

Mong chuyển biến tích cực

07:53, 19/11/2015 (GMT+7)

Cử tri thành phố hoan nghênh Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ trực tiếp trả lời chất vấn và mong muốn các bộ trưởng tiếp tục nỗ lực để giải quyết rốt ráo những bức xúc của từng ngành. Đó là ý kiến chung của cử tri Đà Nẵng khi theo dõi buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng 18-11.

Cử tri Lê Văn Xuân, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu: Trả lời của Thủ tướng thể hiện tầm nhìn chiến lược về Biển Đông

Theo dõi buổi trả lời chất vấn, cử tri chúng tôi đồng ý với những vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu trong báo cáo giải trình. Nhìn chung, những vấn đề Thủ tướng đề cập là những vấn đề lớn, mang tính định hướng.

Trước những câu hỏi được chất vấn, Thủ tướng trả lời một cách rõ ràng, khá cụ thể, nhất là vấn đề phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Qua phần trả lời của Thủ tướng, cử tri chúng tôi cho rằng, Thủ tướng đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược lâu dài, đồng thời đó là truyền thống yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Cử tri Nguyễn Văn Thạnh, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Giúp ngư dân vững tin bám biển

Tôi ủng hộ quan điểm xây dựng mối quan hệ hữu nghị phải gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ luôn chuẩn bị tâm thế để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng tôi luôn mong muốn Chính phủ sớm có biện pháp để giữ vững ngư trường sản xuất an toàn, giúp ngư dân yên tâm khi vươn khơi; tránh tình trạng ngư dân phải vay một khoản tiền lớn để đóng tàu nhưng lại bị tàu nước ngoài xâm phạm, tấn công, cản trở, đe dọa khi hành nghề hợp pháp; tránh tình trạng ngư dân đưa tàu ra ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị tàu nước ngoài rượt đuổi, phải quay về trong khi chưa bắt được con cá nào…

Cử tri Nguyễn Văn Liên, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà: Phải giảm oan sai

Trong phần trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nói đến vấn đề bồi thường, xử lý oan sai. Tôi rất đồng tình với Chủ tịch Quốc hội khi viện dẫn đầy đủ, thuyết phục các hệ thống luật và văn bản quy phạm pháp luật về việc bồi thường, xử lý oan sai và cho rằng không cần phải bổ sung thêm luật nữa.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thấu đáo, theo tôi, cần phải làm thế nào để giảm oan sai chứ không phải là bồi thường oan sai như thế nào. Bởi lẽ, một khi bị kết án oan, đương sự sẽ bị tổn thất nặng về kinh tế, tinh thần, gia đình liên lụy, thậm chí ly tán. Việc bồi thường oan sai chỉ bù đắp được phần nào tổn thất cho họ. Chưa kể, việc xảy ra oan sai là lỗi của các cơ quan tố tụng nhưng số tiền bồi thường lại trích từ ngân sách Nhà nước.

Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Ly, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ: Nỗi lo tai nạn giao thông, chất cấm trong
thực phẩm

Những con số được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lên trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội cho thấy nền kinh tế nước ta đang chuyển biến tích cực ở hầu hết các mặt. Tuy nhiên, tôi và có lẽ nhiều người dân băn khoăn bởi không biết đến bao giờ Việt Nam mới kết thúc được câu chuyện cử nhân, kỹ sư phải làm công nhân để kiếm sống.

Bên cạnh đó, tai nạn giao thông làm chết gần 9.000 người mỗi năm khiến cả xã hội rùng mình. Không chỉ vậy, quy trình sản xuất, tẩm ướp hóa chất vào thực phẩm để lừa người tiêu dùng khiến Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát bức xúc nhưng bộ này lại không có biện pháp giải quyết rốt ráo.

Cử tri Nguyễn Hữu Hùng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn: Phải xử lý mạnh người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã phản ánh được những bức xúc của cử tri cả nước về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Thế nhưng, phần trả lời chất vấn về vấn đề này của các bộ, ngành lại chưa đi sâu vào câu hỏi của đại biểu; thậm chí không ít “tư lệnh ngành” còn trả lời vòng vo, chưa đưa ra được giải pháp ngăn chặn và xử lý hiệu quả.

Tuy nhiên, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam trả lời về vấn đề này, cử tri chúng tôi thấy yên tâm phần nào về các giải pháp mà Phó Thủ tướng đưa ra để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phó Thủ tướng cũng đã nhìn nhận trách nhiệm và nhìn thẳng vào sự thật về thực trạng này. Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở ngoài sự quản lý của Nhà nước thì đạo đức của người chăn nuôi phải đặt lên hàng đầu. Theo tôi, thời gian tới ngoài sự quản lý của Nhà nước thì phải xử lý thật nặng người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi gây nguy hại cho sức khỏe.

Trọng Hùng, Phan Chung, Mai Trang (ghi)

.