Chính trị - Xã hội

Phát huy truyền thống anh hùng, đưa Hòa Vang phát triển bền vững

07:47, 19/11/2015 (GMT+7)

Trải qua 70 năm, Đảng bộ huyện Hòa Vang không ngừng lớn mạnh về số lượng đảng viên và tổ chức, trưởng thành về bản lĩnh của người cộng sản kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Đảng, vì dân, vì quê hương đất nước.

Đảng bộ đã phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể, được nhân dân đồng tình, hết lòng ủng hộ để cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Huyện Hòa Vang không ngừng phát triển trong giai đoạn mới. TRONG ẢNH: Một góc Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang hôm nay.
Huyện Hòa Vang không ngừng phát triển trong giai đoạn mới. TRONG ẢNH: Một góc Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang hôm nay.

Cái nôi cách mạng

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, kể từ ngày thành lập Đảng bộ, trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, mất mát, hy sinh, nhưng Đảng bộ Hòa Vang và những đảng viên vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với nhân dân, ngày càng lớn mạnh về tổ chức và bản lĩnh của người cộng sản, đã lập nên nhiều chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng quê hương.

Giai đoạn 1936-1939, phong trào cách mạng của huyện Hòa Vang diễn ra mạnh mẽ và thu được nhiều thắng lợi. Từ trong phong trào, quần chúng được rèn luyện và ngày càng trưởng thành, đặt ra yêu cầu phải có tổ chức Đảng để lãnh đạo. Trước tình hình đó, 3 đồng chí: Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Lương Thúy, Nguyễn Như Gia qua đồng chí Trương An thành lập một nhóm để sinh hoạt gọi là Nhóm thanh niên ngã tư. Đến giữa năm 1939, đồng chí Ngô Diễn là phái viên của Tỉnh bộ về kiểm tra phong trào đã công nhận và đổi tên nhóm thành chi bộ Phổ Lỗ Sỹ do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm bí thư.

Đây là chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện, là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng cách mạng Hòa Vang. Từ đó, phong trào cách mạng không ngừng phát triển dưới sự lãnh đạo của chi bộ. Những ngày mùa thu lịch sử tháng 8-1945, cùng với cả nước, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòa Vang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trực tiếp thống nhất trong toàn huyện.

Trước yêu cầu đó, ngày 20-11-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập Hội nghị thành lập Huyện ủy Hòa Vang, do đồng chí Thanh Hải thay mặt Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trì, 20 đại biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ đảng viên của huyện về dự. Hội nghị thống nhất thành lập Huyện ủy lâm thời, Ban Huyện ủy lâm thời có 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm bí thư. Ngày 20-11-1945 trở thành ngày thành lập của Đảng bộ huyện Hòa Vang.

Từ Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất tháng 8-1947 cho đến đầu năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lực lượng cách mạng của huyện phát triển khá nhanh, đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên được kiện toàn chặt chẽ trong các tổ chức Đảng, cùng với lực lượng vũ trang huyện trưởng thành nhanh về số lượng và trình độ tổ chức, chỉ huy và sẵn sàng cùng nhân dân chiến đấu, phục vụ chiến trường. Bộ đội huyện cùng với du kích các xã liên tục tiến công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, cao điểm là cùng với quân, dân Điện Bàn tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ ngày 19-7-1954, góp phần đánh bại thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau tháng 7-1954, Đảng bộ, quân và dân Hòa Vang lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt. Những âm mưu, thủ đoạn dã man, tàn bạo của Mỹ-ngụy đã gây ra cho Đảng bộ và nhân dân Hòa Vang nhiều đau thương, mất mát. Nhưng lòng dân vẫn kiên trung bất khuất “một tấc không đi, một li không rời”; Đảng bám dân, dân bám đất, bám làng, du kích và bộ đội bám địch, trên bám dưới quyết không rời trận địa, không xa chiến trường, để cùng với quân và dân trong huyện giải phóng quê hương (28-3-1975); tạo đà cùng với quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng làm nên chiến thắng ngày 29-3-1975, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vững bước đi lên

Sau ngày hòa bình lập lại đến nay, Đảng bộ, quân và dân Hòa Vang phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh cách mạng xây dựng lại quê hương. Hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, có thể nói cơ sở hạ tầng là con số “không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không chợ, 60% hộ dân thiếu đói, nhiều người mù chữ, thất học.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân Hòa Vang đã kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, một lòng một dạ đoàn kết, chung sức, chung lòng, bằng mồ hôi và trí tuệ, lao động miệt mài làm nên những thành quả có ý nghĩa sâu sắc.

Từ tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, khôi phục sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đi vào làm ăn tập thể (1975-1985), đến thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986), đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa (1996-2015), toàn huyện thu được những kết quả to lớn, làm chuyển biến rõ nét diện mạo nông thôn và đời sống của nhân dân Hòa Vang.

Năm 2015, huyện Hòa Vang phấn đấu công nhận là huyện nông thôn mới. Đây là tiền đề đồng thời là dấu mốc quan trọng để Đảng bộ huyện Hòa Vang phát huy truyền thống, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ huyện Hòa Vang nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn khẳng định: “Trải qua 70 năm, Đảng bộ huyện Hòa Vang gắn liền với lịch sử đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, mất mát, đau thương mà anh dũng. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, truyền thống anh hùng, bất khuất trong chiến tranh lại được phát huy cao độ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, con thuyền cách mạng của Hòa Vang dù chông chênh sóng gió, phong ba bão táp vẫn một mực tiến lên phía trước, để rồi có một Hòa Vang hiện nay-một Hòa Vang Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang:

“Ôn lại quãng đường đã qua cùng hòa quyện trong công cuộc xây dựng đất nước sau hòa bình, chúng ta - những người con Hòa Vang có quyền tự hào về quê hương của mình, nơi mình được sinh ra và lớn lên trưởng thành ở mảnh đất này, có bao nhiêu thế hệ đã đi qua, tôi muốn ghi lại về ký ức đau thương và anh dũng của Hòa Vang quê hương yêu dấu, để rồi các thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh nên trân trọng về quá khứ của ông cha mình mà giữ gìn cho tốt truyền thống yêu nước, hòa bình thì phải yêu dân, như Bác Hồ nói “có dân là có tất cả”, người cán bộ dù ở cương vị nào cũng cần chăm lo đến đời sống của họ...”.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

.