Chính trị - Xã hội

ĐẠI HỘI BIỂN ĐÔNG Á LẦN THỨ 5

Đà Nẵng phát triển kinh tế dựa vào đại dương xanh

07:35, 19/11/2015 (GMT+7)

Ngày 18-11, Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 diễn ra phiên toàn thể 2 với chủ đề “Hành động của địa phương góp phần vào cam kết toàn cầu của Đại hội biển Đông Á lần thứ V-2015”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (bìa trái) trao đổi với các đại biểu quốc tế bên lề đại hội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (bìa trái) trao đổi với các đại biểu quốc tế bên lề đại hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đồng chủ trì cùng 4 đại diện các nước Đông Á. Tại phiên toàn thể 2 này, Đà Nẵng đại diện cho nước chủ nhà đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm trong công tác xây dựng và bảo vệ môi trường cũng như chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế dựa vào đại dương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Thành phố Đà Nẵng xác định các giải pháp của nền kinh tế xanh trong lộ trình xây dựng thành phố thân thiện môi trường. Theo đó, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đạt đủ các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường.

Đồng thời, Đà Nẵng sẽ có đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả người dân sinh sống tại thành phố. Để đạt được thành phố thân thiện với môi trường vào năm 2020, thời gian qua, Đà Nẵng đã chú trọng triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường và quản lý đô thị, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên toàn thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường; quy hoạch phát triển ngành dịch vụ môi trường cũng như các dịch vụ sản xuất hàng hóa môi trường và tái tạo khôi phục môi trường; quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ...

Chính quyền thành phố cũng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

“Vai trò của môi trường ngày càng được quan tâm xem xét nhiều hơn, giá trị của hệ thống tự nhiên được lượng giá một cách thích đáng trong các quyết định quản lý, trong các kế hoạch phát triển của thành phố. Nhờ vậy, thành phố Đà Nẵng kiểm soát được ô nhiễm môi trường, các thông số chất lượng môi trường đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Tài nguyên được bảo vệ, đặc biệt là các hệ sinh thái vùng ven bờ biển”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, việc triển khai một cách nghiêm túc các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết thể hiện trách nhiệm của thành phố Đà Nẵng đối với khu vực cũng như toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện các cam kết cũng mang lại cho thành phố nhiều cơ hội trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ.

Ngoài ra, còn giúp Đà Nẵng tăng cường sự hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò uy tín của thành phố trong các diễn đàn khu vực và quốc tế; mở ra nhiều cơ hội trong việc xây dựng nguồn lực, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, thực hiện các cam kết quốc tế trong bối cảnh đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương luôn là khó khăn và đòi hỏi cần có sự nỗ lực lớn của tất cả người dân và chính quyền địa phương…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.