Chính trị - Xã hội

Kỳ vọng Quốc hội đổi mới, dân chủ, trách nhiệm

08:17, 30/12/2015 (GMT+7)

Theo luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, hoạt động của QH và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Đà Nẵng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, hiệu quả hơn.

Mỗi ĐBQH phải thường xuyên gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và nắm bắt đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.  Trong ảnh: Ông Thân Đức Nam, ĐBQH đơn vị Đà Nẵng (hàng sau bên phải) thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em phường Hòa Quý.                            Ảnh: ĐẶNG NỞ
Mỗi ĐBQH phải thường xuyên gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và nắm bắt đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong ảnh: Ông Thân Đức Nam, ĐBQH đơn vị Đà Nẵng (hàng sau bên phải) thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em phường Hòa Quý. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn pháp lý, ông Đỗ Pháp cho rằng, công tác lập pháp của QH đã được đổi mới mạnh mẽ; số lượng luật, pháp lệnh được thông qua ngày càng nhiều; chất lượng văn bản được nâng lên. Về cơ bản đã bao quát mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của QH, luật sư Đỗ Pháp kỳ vọng trong thời gian đến, QH cần tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng: luật, pháp lệnh khi ban hành phải áp dụng được ngay vào cuộc sống.

Muốn vậy, bên cạnh những đạo luật lớn, cơ bản, cần từng bước nghiên cứu, áp dụng việc xây dựng những dự án luật ngắn gọn, có thể chỉ điều chỉnh một số vấn đề cụ thể, cấp thiết. Mở rộng việc lấy ý kiến các đối tượng chịu sự điều chỉnh; cải tiến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho có hiệu quả, thiết thực. Tổng kết các cách thức thảo luận vừa qua để tiếp tục đổi mới trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của QH trong thời gian qua đã góp phần tạo ra nguồn sinh lực mới cho cả hệ thống chính trị và mở rộng không khí dân chủ ở nước ta. Các kỳ họp hằng năm của QH đã thực sự trở thành những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong cả nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri thành phố và cả nước.

Ông Nguyễn Đức Hiền, cử tri huyện Hòa Vang mong muốn: “QH, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH và mỗi ĐBQH phải thường xuyên gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và nắm bắt đầy đủ những tâm tư, yêu cầu của người dân để làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.

Cùng quan điểm, ông Lê Tự Ánh, một cán bộ hưu trí ở quận Ngũ Hành Sơn đề nghị QH phải giám sát tận cùng vấn đề cử tri quan tâm. Trên nghị trường, ĐBQH phải truy đến cùng các vấn đề nổi cộm và góp phần giải quyết những bức xúc của cử tri cả nước. ĐBQH và HĐND không được e ngại, né tránh mà cần chủ động đấu tranh làm rõ vấn đề, quy trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân.

Liên quan đến chất lượng các kỳ họp QH và ĐBQH, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố cho rằng: Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng của QH phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của QH và các đại biểu QH, nhất là các ĐBQH chuyên trách.

Vì vậy, các kỳ họp QH cần tiếp tục tiến hành dân chủ, các ý kiến trao đổi thẳng thắn thì khi ban hành các quyết định của QH mới chính xác và có chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, hoạt động của các Đoàn ĐBQH và cá nhân ĐBQH, nhất là trong hoạt động giám sát; có cơ chế thích hợp để ĐBQH thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử và nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Chiến mong muốn, QH tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy của các cơ quan QH cùng sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ QH và công tác tham mưu phục vụ. Đó cũng là những yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Là người thường xuyên theo dõi hoạt động của QH, cử tri Phạm Xuân Thắng (quận Sơn Trà) nhận xét hiện nay, vẫn còn tồn tại thực trạng một số văn bản pháp luật ban hành nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn; lấy ý kiến đóng góp của người dân nhưng làm sơ sài, thiếu toàn diện, vì vậy, khi triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Người làm luật thiếu tầm nhìn xa nên có nhiều luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc không thể thực hiện được. Theo ông Thắng, việc sửa đổi, ban hành luật là hết sức quan trọng nên các ĐBQH cần dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu trước khi bấm nút thông qua.

Về mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử QH, HĐND các cấp để cử tri làm chủ quá trình lựa chọn và bầu ra những người thực sự xứng đáng vào QH và HĐND các cấp.

Đồng thời, nâng cao chất lượng ĐBQH, HĐND các cấp; có cơ chế để ĐBQH gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri; tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn QH và HĐND các cấp. QH cũng cần thực hiện tốt hơn việc quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

ĐẶNG NỞ

.