Chính trị - Xã hội

XÂY DỰNG NÚT GIAO THÔNG ĐIỆN BIÊN PHỦ - NGUYỄN TRI PHƯƠNG - LÊ ĐỘ

Hài hòa, bảo đảm lợi ích

08:08, 30/12/2015 (GMT+7)

Ngày 29-12, UBND quận Thanh Khê phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức hội nghị khảo sát, lấy ý kiến về phương án thiết kế nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ.

Người dân đề nghị thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo lợi ích các bên khi chọn phương án thiết kế.
Người dân đề nghị thành phố cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo lợi ích các bên khi chọn phương án thiết kế.

Theo khảo sát của đơn vị tư vấn, thiết kế (Ban quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, Sở Giao thông vận tải), hiện trạng của nút giao thông này đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Vào giờ cao điểm sáng và chiều, khu vực này tắc nghẽn nghiêm trọng, liên tục xảy ra nhiều xung đột khi các phương tiện lưu thông.

Bên cạnh đó, trong tương lai, khi thành phố triển khai dự án xe buýt nhanh (BRT) có lộ trình đi qua khu vực này, với thiết kế dành riêng một tuyến đường cho xe buýt thì với hiện trạng này là điều không thể.

Vì vậy, nếu triển khai dự án giảm ùn tắc giao thông, có hai phương án thiết kế có khả thi có thể áp dụng tại khu vực này, đó là xây dựng cầu vượt hoặc xây hầm chui.

Mỗi phương án đều có những ưu điểm, hạn chế riêng. Đối với việc xây cầu vượt, sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc, kết nối tốt với mạng lưới đường trong khu vực, ít ảnh hưởng đến các công trình ngầm, đặc biệt là hệ thống thoát nước từ hồ công viên, sân bay ra đường Lê Độ.

Thời gian thi công phương án này chỉ kéo dài khoảng 10 tháng với kinh phí khoảng 148 tỷ đồng, thấp hơn phương án xây hầm chui 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn, phương án này cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Nó sẽ thay đổi cảnh quan trong khu vực, số hộ dân bị ảnh hưởng do đường dẫn cầu chắn tầm nhìn là khoảng 37 hộ, cao hơn phương án kia 10 hộ. Ngoài ra, trong quá trình khai thác, khói bụi từ các phương tiện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cuộc sống của những người dân trong khu vực.

Tương tự, nếu xây dựng hầm chui tại khu vực này sẽ tạo được tầm nhìn thông thoáng, ít ảnh hưởng đến hoạt động dân sinh nhưng các chi phí bảo trì, vận hành lại cao gấp 10 lần, nguy cơ phá vỡ hệ thống hạ tầng ngầm là rất lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, việc triển khai dự án nút giao thông này đã được lãnh đạo thành phố thông qua. Việc lựa chọn phương án thi công phù hợp là điều hết sức cần thiết, vừa hài hòa, đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhân dân vừa giải quyết được bài toán về giao thông.

Hàng chục ý kiến của người dân đã phản ánh về những lợi ích, hạn chế, lo lắng xung quanh việc lựa chọn phương án. Theo ông Bùi Tấn Trung, việc xây dựng hầm chui có vẻ khả thi và hợp lý hơn. Ngoài việc giải quyết ùn tắc giao thông, phương án này sẽ được cảnh quan bên trên, trong khi số hộ dân bị ảnh hưởng lại ít hơn việc xây cầu vượt.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đặt vấn đề, nếu xây dựng hầm chui thì có giải quyết, khắc phục được tình trạng ngập úng bên trong đường hầm như một số địa phương khác không? “Hiện tại nước từ hồ công viên, sân bay đều chảy qua khu vực này để đổ ra biển. Nếu xây hầm chui thì có xảy ra tình trạng ngập cục bộ do hệ thống thoát nước ngầm bị phá vỡ, thay đổi không?

Chưa kể, khu vực sân bay hiện đang tiến hành tẩy rửa dioxin, nếu không làm tốt chuyện thoát nước thì người dân trong khu vực sẽ rất lo lắng”, ông Trung nói. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc xây hầm chui sẽ hợp lý hơn vì đoạn cuối đường Điện Biên Phủ đã có nút giao thông 3 tầng Ngã ba Huế, nếu đầu đường xây thêm một cầu vượt nữa sẽ khó khăn cho các hộ kinh doanh ở phía dưới.

Đại diện một số hộ kinh doanh xung quanh khu vực này, anh Nguyễn Hải Hùng (trú đường Điện Biên Phủ) cũng bày tỏ quan điểm lo lắng khi triển khai các phương án xây dựng tại đây. “Chúng tôi đồng tình chủ trương giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông nhưng cũng mong thành phố nếu triển khai phương án thì nên cân nhắc thật kỹ lưỡng, đảm bảo lợi ích cho người dân. Ngày trước chúng tôi mua đất khu vực này với giá mặt tiền đường rộng 48m để làm ăn. Nay nếu xây cầu vượt thì giá trị tài sản ắt sẽ thấp xuống khi sống ngay dưới gầm cầu, việc kinh doanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng”, anh Hùng nói.

Một số ý kiến cũng đề đạt nguyện vọng được bố trí, hỗ trợ, đền bù hợp lý vì đã giải tỏa 3 lần trước đó. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu phương án tận dụng, khai thác các tuyến đường song song với Điện Biên Phủ như Bế Văn Đàn, Lê Duy Đình vì những tuyến đường này dù được đầu tư hoàn chỉnh nhưng lại rất ít người đi.

Kết thúc hội nghị, UBND quận Thanh Khê đã tiến hành khảo sát ý kiến tập thể về phương án khả thi nhất. Theo đó, có 98 ý kiến đồng ý xây dựng hầm chui, 37 ý kiến đồng ý xây cầu vượt. “Địa phương sẽ tổng hợp các ý kiến đầy đủ để trình lãnh đạo thành phố nghiên cứu, xem xét trước khi lắng nghe ý kiến phản biện, đóng góp của các đơn vị, ban, ngành khác để đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Nguyễn Văn Tĩnh nói.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.