Chính trị - Xã hội
Người dân Giàn Bí không còn thiếu đất ở
4 hộ gia đình với 11 người chung sống trong căn nhà chật chội, chen chúc cả trong giấc ngủ. Họ muốn làm nhà cho mỗi hộ nhưng không chỉ thiếu tiền xây dựng mà ngay mảnh đất cắm dùi để dựng cái lán ở tạm cũng là điều xa xỉ.
Có khoảng 10 gia đình cùng cảnh ngộ như thế ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Mới đây, dự án khu tái định cư cho đồng bào Cơtu tại thôn Giàn Bí được thành phố phê duyệt, dự kiến khởi công trong năm 2016 mở ra tia sáng cho họ.
Sẽ tiến hành quy hoạch khu dân cư dành riêng cho người Cơtu ở Hòa Bắc. |
Sau nhiều cuộc hẹn, tôi cũng gặp được vị trưởng thôn trẻ tuổi Trần Xuân Trang tại nhà anh ở thôn Giàn Bí. Anh Trang sinh năm 1986 nhưng đã có nhiều năm làm trưởng thôn sau khi “thừa kế” vị tiền nhiệm là... anh trai của mình. Khu đất ở của gia đình anh Trang rộng cả nghìn mét vuông mới được các đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan, giai đoạn 1) giúp đổ đất, san ủi bằng phẳng. “Nhà em đất rộng thiệt, được cha mẹ khai khẩn, chăm chút từ hồi mới về làng cho đến giờ nhưng vẫn không đủ đất để ở”, anh Trang nói.
Câu chuyện dài dòng về gia đình anh Trang khiến tôi vỡ lẽ: ông Trần Xuân Thành, cha của Trang có đến 11 người con, nay đã có 5 người lập gia đình. Trần Xuân Trung, anh trai sinh đôi với Trang, mới lập gia đình, cùng chung sống trong nhà, chưa tách hộ ra riêng được vì “chưa đủ điều kiện”. 4 người con đã lập gia đình trước, con gái thì về nhà chồng, còn một người sang xã Hòa Phú sinh sống. 2 người khác, một người anh đầu và người em của Trang (lập gia đình sớm - PV) đều được những người hàng xóm tốt bụng cho đất làm nhà để ở.
Bây giờ, trong nhà ông Thành còn 10 người cùng chung sống. Trước khi gặp Trang, tôi đã trò chuyện với Trung. Anh bảo sẽ tranh thủ vào rừng kiếm ít gỗ về dựng cái nhà nhỏ (thực ra là cái lán gỗ) gần góc bếp nhà chính của cha mẹ để vợ chồng ra ở riêng cho tiện sinh hoạt.
Tôi nói với anh Trang rằng, đất rộng thế, đủ chia cho mấy anh em còn lại cùng quây quần chung sống gần nhau. Song, anh Trang lý giải: “Ở đây, không có đất trồng lúa, chỉ có mảnh đất rừng bé tý trồng keo, mà cũng phải 3-5 năm mới có thu hoạch.
Còn lại đi làm thuê cho họ trên rẫy, lúc có việc, lúc ngồi không, ăn núi cũng phải lở. Thu nhập bấp bênh thế, mà quây quần với nhau nữa thì dễ sinh chuyện lắm. Chí ít mỗi hộ gia đình cũng phải có từ 300-500m2 đất để làm nhà, kết hợp làm vườn mới có cái ăn khi hết việc. Ở miền núi không giống với ở dưới phố”. Và đó cũng là lý do mà khu đất ở của gia đình anh Trang rộng cả nghìn mét vuông vẫn không đủ cho đại gia đình có quá đông thành viên.
Nhà anh Trang chưa phải là “điển hình” nhất ở Giàn Bí. Ở đối diện nhà ông Thành là nhà ông Trần Văn Khớt hiện có 4 hộ với 11 người cùng chung sống trong một mái nhà. Ông Khớt từng là dân quân địa phương, được UBND xã Hòa Bắc tặng nhiều giấy khen vì thành tích xuất sắc. Trên mảnh đất chưa đầy 500m2, có 3 căn nhà được cất lên.
Căn nào cũng nhỏ, lụp xụp như cái lều. “Sống lâu thấy quen. Thực sự thì bất tiện lắm. Đến giờ ăn quây quanh mâm cơm đã đủ mệt. 4 hộ nhưng có 2 cặp vợ chồng trẻ nên bất tiện trong sinh hoạt. Tôi có 8 đứa con, 4 đứa có gia đình rồi, nhưng mới chỉ 1 đứa ra ở riêng phía sau nhà thôi. Giờ muốn mấy đứa ra ở riêng nữa cũng không được vì không có đất làm nhà, khó khăn lắm. Mong muốn có đất ở để tách hộ, dựng nhà cho chúng ra ở riêng, sinh hoạt rộng rãi, cuộc sống cũng thoải mái, không phải trải chiếu dưới nền lạnh để ngủ”, ông Khớt nói.
Anh Trang cũng bày tỏ: “Thành phố đã quan tâm rất nhiều đến đời sống của bà con trong thôn mới được như hôm nay. Có nhà ở, có cơm ăn, được học hành đầy đủ. Nhưng cái khó ở Giàn Bí là chúng tôi không có việc làm ổn định, không có đất trồng lúa nên không có gạo để dành cho mùa giáp hạt. Đất trồng rừng phải 3-5 năm mới thu hoạch; đi làm thuê cho họ tuy ngày công được 200.000 đồng/ngày, nhưng khi có khi không. Rất mong chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cấp đất cho bà con ra dựng nhà, ở riêng, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống”.
Tin vui đến với đồng bào Cơtu ở Hòa Bắc là thành phố đã có công
bố quy hoạch khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí tại xã Hòa Bắc. Theo đó, sẽ tiến hành quy hoạch khu dân cư dành riêng cho người Cơtu ở Hòa Bắc nhằm bảo đảm các điều kiện, nhu cầu sinh hoạt, định cư cho người dân; giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Cơtu ở Đà Nẵng.
Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, với việc triển khai và hoàn thành dự án này sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở Giàn Bí hiện nay. Đồng thời, thành phố hiện đã có quyết định giao khoán đất rừng cho người dân quản lý, sử dụng và họ đã được bốc lô. Các cơ quan chức năng cũng đang xúc tiến hoàn thành thủ tục để bàn giao trên thực địa cho người dân (bình quân mỗi hộ được giao từ 2-3ha đất rừng) để sớm đưa vào sử dụng.
Ông Lê Văn Lâm, Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính (Sở Giao thông vận tải) cho biết, dự án khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí mới được thành phố phê duyệt và công bố quy hoạch. Vẫn chưa có quyết định cụ thể về chi tiết dự án.
Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ đi học tập, nghiên cứu các mô hình đã thành công tại tỉnh Quảng Nam (về làng văn hóa Cơtu), sau đó báo cáo thành phố xem xét, phê duyệt. Dự kiến trong tháng 3 này sẽ có báo cáo cụ thể trình thành phố. Trong năm 2016, dự án này sẽ được phê duyệt chi tiết và khởi công xây dựng để sớm đưa vào hoạt động.
Tạm biệt Giàn Bí, tôi chưa báo tin vui mới nhận được cho vị trưởng thôn trẻ tuổi. Ngày dự án được triển khai sẽ đến trong nay mai, người dân Giàn Bí sẽ thôi hết lo thiếu đất ở, hết lo thiếu đất làm rừng để ổn định cuộc sống.
Gia đình Trần Xuân Thành, Trần Văn Khớt, Trần Văn Biên, Bùi Thị Lem, Trần Thị Khởm… sẽ không còn lo cảnh “nhà chật đông con” nữa. Không những thế, nét văn hóa đặc trưng bao đời của dân tộc Cơtu sẽ được gìn giữ, bảo tồn bằng những dự án cụ thể, hiệu quả và đầy trách nhiệm của thành phố và các cơ quan chức năng.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY