Chính trị - Xã hội

Tám bài học lớn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII

08:21, 23/03/2016 (GMT+7)

Tại kỳ họp thứ 11, ngày 22-3, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao cùng các báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội...

Trong dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày, có nêu lên 8 bài học kinh nghiệm qua nhiệm kỳ khóa XIII.

Một là, kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIII đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Với Quốc hội, đoàn kết, đổi mới, trí tuệ và trách nhiệm là yêu cầu thường xuyên, liên tục, là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.

Hai là, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế-xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Dân chủ là lựa chọn tốt nhất để đưa trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội, kết tinh vào các quyết định của Quốc hội về lập hiến, lập pháp, các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội sẽ đưa Quốc hội, đại biểu Quốc hội đến gần dân và dân chủ hơn.

Ba là, chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội có năng lực, trình độ chuyên môn so với các khóa trước đã góp phần quan trọng, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ; thảo luận, tranh luận với tinh thần xây dựng, tâm huyết; tích cực tham gia hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bốn là, đề cao vai trò, trách nhiệm, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng trọng tâm, trọng điểm hơn. Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp tục cải tiến, đổi mới, bảo đảm làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được tăng cường các đại biểu Quốc hội có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực sự trở thành nòng cốt trong hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.

Năm là, tăng cường phối hợp, hợp tác có hiệu quả với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan là yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Việc tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan hữu quan đã tạo sự thống nhất, kịp thời trong xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, nhất là liên quan đến việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định và công tác tổ chức bầu cử, giám sát bầu cử, giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân, tuyên truyền động viên các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội...

Đồng thời, cũng giúp cho các cơ quan hữu quan tích cực, chủ động đóng góp nhiều hơn cho hoạt động của Quốc hội.

Sáu là, tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội cả trên bình diện song phương và đa phương góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thực hiện tốt đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển đất nước; đồng thời tiếp thu các tinh hoa, kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội/Nghị viện các nước trên thế giới trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng chủ động, hiệu quả hơn.

Bảy là, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tám là, quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân ủy thác. Thông qua các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, Quốc hội đã thể chế hóa kịp thời Cương lĩnh chính trị, nghị quyết của Đảng, sớm đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội đã tạo không khí dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ đại biểu, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.

B.T tổng hợp

.