Chính trị - Xã hội

Tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật

07:47, 11/05/2016 (GMT+7)

Nhìn những đôi bàn tay cắt tỉa cây cảnh trông khá thành thục, ít ai nghĩ rằng họ là những người khuyết tật và tâm thần. Đó là các học viên tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây cảnh do Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội tổ chức, một trong nhiều lớp dạy nghề cho người khuyết tật được tổ chức tại Đà Nẵng thời gian qua.

Các em khuyết tật học nghề tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (quận Ngũ Hành Sơn).
Các em khuyết tật học nghề tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (quận Ngũ Hành Sơn).

Niềm vui khi học nghề

Khi được trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo “Kỹ năng chăm sóc cây cảnh”, do Trung tâm Dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) tổ chức, nhiều người khuyết tật, tâm thần mới tin vào chính bản thân mình. Anh M. (50 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) bị mất bàn tay trái do tai nạn bom mìn.

Trí nhớ của anh cũng bị giảm đi nhiều do sức ép của bom. “Cứ nghĩ mình là người tàn phế rồi, đâu làm được việc gì nữa. Thế mà giờ được học nghề trồng cây cảnh. Học nghề này vui lắm, lại nhẹ nhàng, phù hợp với mình”, anh M. cho biết. Theo anh, các thầy giáo dạy rất tận tình và tỉ mỉ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Những kỹ thuật khó, chỗ nào chưa hiểu, các thầy đều chỉ dẫn cụ thể.

Còn với anh T. (43 tuổi, ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), việc được học nghề cứ ngỡ trong mơ. Từng là cán bộ Nhà nước, phải nghỉ việc sau một cơn sang chấn tâm lý, sau đó anh là bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Bệnh tình ổn định, anh được tham gia khóa đào tạo kỹ năng chăm sóc cây cảnh. Anh cũng chính là học viên chăm chỉ nhất lớp và tỏ ra khá hào hứng với nghề này.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là lớp học đầu tiên được đơn vị tổ chức cho các học viên đặc biệt, bởi họ không chỉ bị khuyết tật mà còn là những người tâm thần nhẹ. “Mặc dù bị khiếm khuyết một số bộ phận cơ thể và sức khỏe tâm thần không ổn định, nhưng với sự giúp đỡ của thầy giáo, các học viên đã nỗ lực rất nhiều”, bà Hoa nói.

Ngoài Trung tâm, việc dạy nghề cho người khuyết tật tại Đà Nẵng còn được triển khai trên chục đơn vị. Hiện nay, tại Trường chuyên biệt Tương Lai, các em bị thiểu năng trí tuệ, bệnh down… cũng được học nghề làm nhang, nghề chăm sóc sắc đẹp. Còn tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), các em khuyết tật ngoài việc được học nghề làm nhang còn học thêu tranh, làm hoa bằng voan.

Chờ đợi và hy vọng

Lớp học nghề cây cảnh của Trung tâm vừa hoàn thành việc đào tạo cũng chỉ có 6 thành viên. Bà Trương Thị Như Hoa cho biết, giáo trình được các thành viên Câu lạc bộ Cảnh quan biên soạn và thực nghiệm sao cho phù hợp với lớp học đặc biệt này. Ngoài việc học lý thuyết, các học viên được tham quan thực tế các vườn ươm Bà Nà và các không gian cây xanh ở khu nghỉ mát Melia, đồng thời trực tiếp thực hành việc cắt tỉa cây cảnh, đào gốc và trồng cây tại các nhà vườn ở huyện Hòa Vang.

Năm nay, trung tâm còn phối hợp và tổ chức các lớp tiếp theo cho đối tượng là người khuyết tật và tâm thần. Khi được hỏi về đầu ra cho lớp học nghề, bà Hoa cho biết, trước mắt, Bệnh viện Tâm thần sẽ huy động kinh phí để phát triển các vườn ươm và sử dụng các khu đất trống trong khuôn viên bệnh viện trồng rau sạch cung cấp nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh cho bệnh nhân. Bởi vậy, “nguồn nhân lực” đặc biệt của lớp học vừa mới “ra lò” sẽ được bổ sung phục vụ cho vườn ươm này. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là dự định; những người khuyết tật, tâm thần dù đã cầm trong tay chứng chỉ nghề vẫn còn phải chờ đợi và hy vọng.

Tại những nơi khác, tạo việc làm và giúp người khuyết tật sống được bằng nghề đã học cũng không dễ dàng. Nguồn tiêu thụ sản phẩm nhang của Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng chủ yếu nhờ việc cung cấp cho các nghĩa trang trong thành phố.

Còn sản phẩm của học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai chủ yếu do các phụ huynh, thầy cô trong trường “tiêu thụ” chứ chưa thể đưa ra thị trường. Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng nhà trường, mong muốn có sự hỗ trợ của các cấp, ngành cũng như doanh nghiệp trong việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm để tạo việc làm bền vững, giúp các em phát huy nghề đã học.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.