Chính trị - Xã hội

Thủ tướng: Tham nhũng còn nghiêm trọng, lãng phí còn lớn

11:10, 29/07/2016 (GMT+7)

"Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn; việc kê khai tài sản còn hình thức; lãng phí còn lớn".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng"

Sáng nay (29/7), trình bày trước Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho thời gian tới.

Một trong những mặt còn tồn tại được người đứng đầu Chính phủ khoá mới chỉ ra là cải cách hành chính, năng lực xây dựng, thực thi pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn hạn chế, còn đùn đẩy trách nhiệm, phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương.

Còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng chỉ rõ kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm; năng lực, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu.

”Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng, đất đai...” – Thủ tướng nhấn mạnh và đánh giá việc kê khai tài sản còn hình thức; giám sát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả thấp; lãng phí trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội còn lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính. Đó là tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cao nhất.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ dân chủ gắn với thượng tôn pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật kỷ cương.

”Tập trung rà soát quy trình, quy chế làm việc, phân công, phân cấp, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật” – người đứng đầu Chính phủ nói.

Cùng với đó, nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng Chính phủ điện tử. Tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương và đổi mới công tác tuyển chọn, sử dụng, đánh giá; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm tiêu chí để thực hiện chính sách cán bộ.

Chính phủ cũng đặt ra vấn đề cần khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Công khai, minh bạch trong xây dựng, thực thi pháp luật; tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; khen thưởng kịp thời và bảo vệ người phát hiện, tố cáo.

”Kiên quyết thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan nhà nước và trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và nhấn mạnh công tác phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và cán bộ, công chức.

Theo VOV

.