Chính trị - Xã hội

Khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch

08:30, 22/11/2016 (GMT+7)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 21-11, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quy hoạch.

Các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án luật này cần đáp ứng yêu cầu: tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhiều ý kiến thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Theo đó, luật quy định về hoạt động quy hoạch, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, các đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, dự án luật được thiết kế theo hướng luật khung để điều chỉnh hoạt động toàn bộ các quy hoạch, đồng thời vừa có các nội dung để quy định các quy hoạch, quyền nghĩa vụ của các đối tượng tham gia hoạt động quy hoạch... là quá rộng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị cần xác định lại phạm vi điều chỉnh, bởi tên của luật và phạm vi đều chỉnh chưa phù hợp với nhau. Phạm vi điều chỉnh được quy định nhằm điều chỉnh hoạt động quy hoạch nhưng nhưng không rõ là hoạt động quy hoạch gì. Quy hoạch theo quy định của dự án luật là xác định không gian phát triển của Việt Nam ở 3 vùng: đất, trời và biển. Luật điều chỉnh cả 3 vấn đề đó hay chỉ quy định về đất? Ban soạn thảo phải trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ Tổ quốc để xây dựng quy hoạch.

Quy hoạch để kiến tạo phát triển kinh tế

Để quy hoạch thực sự kiến tạo phát triển kinh tế, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) kiến nghị xây dựng Luật Quy hoạch chiến lược hợp nhất, bao gồm: các quy hoạch kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đô thị để tìm tiếng nói chung, bảo đảm yêu cầu sống công bằng, tốt và vền vững.

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, quy hoạch chiến lược hợp so với quy hoạch truyền thống có những điểm mới là mang tính chiến lược thay vì toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc mang tính hành động thay vì lý thuyết, có sự tham gia rộng rãi cộng đồng các bên liên quan, tầm nhìn dài hạn thay vì nhiệm kỳ, kiến tạo hình thức đô thị mới, thân thiện môi trường, bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng sống.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần có sản phẩm quy hoạch duy nhất bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết. Hiện nay tồn tại 2 loại quy hoạch có giá trị như nhau là quy hoạch sử dụng đất do ngành tài nguyên lập và quy hoạch xây dựng do ngành xây dựng lập, dẫn đến trong quá trình triển khai 2 quy hoạch này có những điểm khác nhau, gây khó khăn cho việc lựa chọn quy hoạch làm căn cứ giao đất, cho thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và nhiều khi dẫn đến hệ lụy khiếu nại của dân.

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác quy hoạch là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển đất nước, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, thể hiện cả nội dung xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch.

Cần thiết ban hành Luật Cảnh vệ

Chiều 21-11, thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này và cho rằng, việc ban hành Luật Cảnh vệ sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; mục tiêu trọng yếu của quốc gia; các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước.

Cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo Luật Cảnh vệ, đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Cảnh vệ là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Đặc biệt, việc xây dựng Luật Cảnh vệ vừa để bảo đảm hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ và xây dựng lực lượng Cảnh vệ thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thảo luận về việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23), nhiều ý kiến cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo quy định của Bộ luật hình sự. Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.

Đại biểu Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ, nhưng cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để vừa bảo đảm quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cũng theo đại biểu, dự thảo luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ, cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện, dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ, chặt chẽ.

TTXVN

.