Ngay khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, vua quan triều Nguyễn đã vận động nhân dân thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, bất cộng tác với giặc. Một sĩ quan Pháp ghi lại như sau: “Ngay ngày đầu tiên, các quan lại An Nam đã lệnh cho nhân dân thực hiện vườn không nhà trống.
Làng mạc ở Đà Nẵng hoàn toàn được di tản; chúng tôi không thể tìm thấy thực phẩm tươi sống cần thiết cho sức khỏe của binh lính ở đây. Đứng giữa nhiều thử thách này, Đô đốc Rigault ngã bệnh”(1). Báo cáo của Rigault de Genouilly gửi về Pháp cũng xác nhận:
“Sáng ngày 6-10-1858, các xà lúp và xuồng của sư đoàn cùng với hai chiếc xuồng của Tây Ban Nha, dưới quyền chỉ huy của Jauré-Guiberry, thuyền trưởng tàu Gironde, tiến ngược dòng sông hướng về Faifo (tức ngã ba sông Cổ Cò). Hai bên bờ sông không có một bóng người, nhà cửa bỏ không, hoàn toàn vắng lặng!”.
Các quân triều đình Việt Nam đốc thúc binh sĩ và voi chiến xông lên đánh Pháp tại Đà Nẵng. |
Tính đến ngày 4-9-1858, Đà Nẵng hầu như không còn bóng người dân nào: “Người An Nam đã bỏ lại ngôi làng duyên dáng Đà Nẵng của mình (theo các nhà địa dư thì thành phố này thật ra chỉ là một ngôi làng mà thôi!) nằm hai bên bờ sông Hàn, rất gần với các đồn lũy.
Những ngôi nhà tranh thật xinh xắn, nằm giữa vườn đầy hoa lá, vùng đồng bằng xung quanh toàn ruộng đất đã được canh tác”(2). Lệnh cách ly người Công giáo và bọn Việt gian phản quốc với quân Pháp của vua Tự Đức, cùng với kế sách “vườn không nhà trống” của Nguyễn Tri Phương thực hiện tại Đà Nẵng đã thực sự đẩy quân Pháp vào thế bị “giam lỏng”.
Một viên sĩ quan Pháp thừa nhận: “Đất đai chúng tôi chiếm được thì dân đều bỏ đi cả, trừ vài nhà tranh của người đánh cá. Tôi chưa hề thấy một con gà nào”(3). Đó là chưa kể, “cách đây chừng 4 dặm có một thị trấn (ý chỉ thành phố Đà Nẵng - TG) có trên 20.000 dân, tuy sống trong tình trạng bị đe dọa nhưng lúc nào cũng vui vẻ chờ ngày đánh đuổi chúng ta đi”(4).
Điều đáng quý là, trước sức mạnh của quân giặc, ngoài việc chỉ đạo nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, vua Tự Đức còn ban bố trong thiên hạ kêu gọi mọi người dân, bất kể quan hay dân, đều có thể hiến kế đánh giặc và treo giải thưởng cho những ai giết hoặc bắt sống quân giặc.
Hưởng ứng chủ trương đó, nhiều người dân Đà Nẵng đã anh dũng tìm cách giết giặc, lập được nhiều chiến công đáng khâm phục. Qua tài liệu mới vừa phát hiện, chúng ta thấy binh lính, sĩ quan Pháp ghi rất rõ điều này.
Chiến trận ở Đà Nẵng tháng 9-1858. (Nguồn: Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp) |
Chuyện kể sau cho thấy những ngư dân Đà Nẵng giả vờ thân thiện với quân Pháp và bắt sống chúng để thị uy: “Chúng tôi đang ngủ trong một chiếc lều gần Đà Nẵng, nơi người ta tiếp đón niềm nở chúng tôi. Trong đêm, bất thình lình, nhiều tiếng la hét làm tôi thức giấc.
Căn lều bị bao vây bởi hơn 200 người An Nam. Hai chúng tôi chỉ có một cây kiếm, bạn tôi cầm ngay cây kiếm, tôi cầm vỏ kiếm. Sau một lúc chống cự một cách vô vọng, bạn tôi bị thương, họ xông đến dùng ngay lưỡi kiếm đó chặt đầu cho đến khi đầu lìa khỏi thân.
Còn tôi tìm cách chạy trốn, song không kịp, tôi bị một cây gậy tre đánh vào đầu nên bất tỉnh. Khi tỉnh lại, tôi bị họ nhốt vào một cái cũi tre, họ lấy xích sắt cột vào cổ rồi xích vào chân. Suốt 3 ngày họ khiêng tôi đi biểu diễn từ làng này qua làng khác. Họ cắm đầu lâu của bạn tôi vào một cây sào và đưa trước mặt tôi, hằng ngày họ chỉ cho ăn một ít cơm”(5).
Ngoài ra, nhiều cách đánh giặc “chẳng giống ai”, cũng không hề được dạy trong các trường quân sự của Pháp cũng đã được người Việt Nam dùng rất hiệu quả tại Đà Nẵng: “Vũ khí ném lửa của họ gồm có một khúc tre có hỏa pháo được gắn lên đầu súng hoặc trên cây giáo.
Còn hỏa pháo là một hỗn hợp mà người An Nam giữ bí mật, họ gắn lên đầu một đoạn tre. Hỏa pháo bắn ra một lúc 3 hoặc 4 loại đạn cháy. Còn loại ống thụt cỡ lớn dùng để bắn dầu sôi hoặc các loại axit” (6).
Chưa hết, “ngày 6-12-1859, tôi cùng với anh bạn Prot đi săn, chúng tôi bắn được vài con chim cu và một con cắt ở quanh đồn Đông (An Hải) và bắn được cả một đàn chim đa đa. Chạy theo đàn chim, Prot phát hiện một con trâu trong lúc nó chạy vào rừng Sơn Trà, Prot đuổi theo thì gặp một lều làm nơi ẩn trốn.
Ngày 7-12-1859, vừa thức giấc, tay cần vụ của tôi chạy đến với vẻ cảm động và báo cho tôi biết có một chiếc xuồng sắp vào bờ của pháo đài quan sát (hòn Mỏ Diều), trên đó có phần thân nhưng đã mất đầu - người bạn bất hạnh của tôi chính là thiếu úy Prot. Hôm qua, khi đi săn, anh ta không đi về Đà Nẵng cùng tôi mà muốn ở lại để kiếm thêm mấy con chim cu nữa.
Ngày 8-12-1859, tôi biết chỗ xảy ra việc giết người - Prot đã chống cự quyết liệt, vì thấy đất bị cày xới bởi tay chân của Prot. Một ngư dân cho biết, người Pháp này vừa bắn được một con chim cu, một người An Nam đi theo ông ta đã cùng ông ta nhặt chim, bảo ông ta cho xem khẩu súng.
Không chần chừ gì cả, người Pháp này đưa súng cho người An Nam này. Ngay lúc đó, 2 người An Nam khác xuất hiện, người Pháp này nhận ngay một cú đánh từ báng súng của anh ta, anh ta ngã quỵ, 3 người An Nam nhào vào đấm đá rồi dùng kiếm giấu trong tay áo đâm chém.
Larclause bạn tôi kể cho tôi nghe, khi anh ta đi săn ở vùng eo đất, đã quan sát thấy mấy người An Nam theo dõi anh và hình như họ muốn bao vây anh ta không cho anh ta trở lui, cho nên anh ta giữ thế cầm súng và luôn chú ý đến những người đi trước mặt anh ta. Để trả thù người bạn của chúng tôi, chúng tôi đốt trụi ngôi làng gần nơi đã xảy ra cuộc ám sát”.
Điều lý thú là, kết nối các dữ liệu lịch sử lại với nhau, chúng tôi phát hiện ra rằng, người giết chết Prot chính là ông Nguyễn Xuân Lũy-ngư dân làng Thanh Khê. Hàng chục năm trước, hậu duệ của ông Lũy là ông Nguyễn Xuân Bá cho biết: “Ông nội tôi phục kích tại am Bà trên núi Sơn Trà và giết được một tên Pháp hồi năm 1859!”.
Sự kiện này cũng đã được ghi vào lịch sử quận Thanh Khê. Về việc quân và dân ta tổ chức phục kích đánh địch ngay tại căn cứ của chúng trên bán đảo Sơn Trà đã được một tên sĩ quan Pháp xác nhận như sau: “Mỗi đêm tối, họ đến cách hào 500m, bắn những phát súng trường và súng thần công...”(7).
(1) Tư liệu lịch sử do A. Benoist d’Azy nghiên cứu, về cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp. Hs số: AB XIX 3970, Lưu trữ Quốc gia Pháp – Pierrefitte sur Seine.
(2) Hồi ký Đại tá Henri De Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 – 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896 (M DCCC XCVI).
(3) André Bandrit, “Correspondance de Savin de Larelause”, B.S.E.I, T.XIV 3 và 4, Sài Gòn 1939. tr.53.
(4) André Bandrit, “Correspondance de Savin de Larelause”, B.S.E.I, T.XIV 3 và 4, Sài Gòn 1939. tr.53.
(5) Hồi ký Đại tá Henri De Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 – 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896 (M DCCC XCVI).
(6) Hồi ký Đại tá Henri De Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 – 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896 (M DCCC XCVI).
(7) Buletin de la Sociéte des E’tudes Indochinoies, số 3 và 4 năm 1959.
LƯU ANH RÔ