Phản hồi bài báo "Hơn 1.000 hồ sơ chậm trễ cấp sổ hồng, vì sao?"

Tăng cường khắc phục tình trạng tồn đọng, trễ hạn cấp sổ hồng

.

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 858/STNMT-VP phản hồi một số nội dung liên quan đến bài báo “Hơn 1.000 hồ sơ chậm trễ cấp sổ hồng, vì sao?” (Báo Đà Nẵng, ngày 26-2-2020).

Theo công văn, nguyên nhân chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ hồng) tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) ở các quận, huyện chủ yếu liên quan đến cơ chế phối hợp.

Cụ thể, nhiều trường hợp xác minh diện tích đất phát sinh tăng, giảm so với hồ sơ gốc và xác nhận những nội dung theo quy định tại đơn đăng ký cấp sổ hồng của UBND phường, xã không bảo đảm về mặt thời gian, nội dung xác nhận lại không rõ ràng (thiếu thông tin, thiếu niêm yết).

Nhiều trường hợp phải ban hành quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, UBND các quận, huyện chậm ban hành quyết định nên dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại trong việc xác định giá đất trong dân.

Mặt khác, hiện nay, việc lấy ý kiến liên quan đến xây dựng nhà sai phép, không phép, xây dựng nhà ở sau ngày 1-7-2006; lấy ý kiến về hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở tách thửa đất của các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ ở các quận, huyện gửi đến Phòng Quản lý đô thị quận, huyện cũng không bảo đảm về mặt thời gian và chưa đồng bộ, dẫn đến chậm trễ hồ sơ của công dân.

Về chính sách, pháp luật, hệ thống luật và các văn bản hướng dẫn thi hành ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ, thống nhất; thay đổi điều chỉnh, bổ sung nhiều lần tạo ra không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng đã phát sinh những vấn đề chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành và cách hiểu, cách áp dụng nhiều nơi còn khác nhau; quan điểm xử lý còn nhiều điểm khác nhau về chuyên môn nên hồ sơ bị trả đi, trả lại nhiều lần, tồn đọng nhiều hồ sơ.

Nguyên nhân chậm cấp sổ hồng còn do quy định của Công văn số 9916/UBND-STNMT ngày 5-12-2016 về việc tạm dừng cấp sổ hồng đối với các thửa đất nằm trong ranh giới các dự án đã có quy hoạch chi tiết (đất có nguồn gốc sử dụng do nhận chuyển nhượng không đúng quy định, như: hồ sơ đất 1 lá, 3 lá).

Ngoài ra, còn do công tác tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn cho công dân còn chưa thực hiện đúng theo quy định; trình độ năng lực của một số cán bộ khi xử lý hồ sơ còn hạn chế, hướng dẫn công dân bổ sung tính pháp lý hồ sơ nhiều lần, thái độ khi tiếp xúc với công dân chưa thật sự hòa nhã gây bức xúc cho công dân...

Nhằm tăng cường cải cách hành chính trong lĩnh vực đăng ký đất đai và giảm thiểu số lượng hồ sơ tồn đọng và trễ hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND các quận, huyện. Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng ĐKĐĐ yêu cầu các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ tại các quận, huyện làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan ở các quận, huyện và UBND các phường, xã nhằm tiến hành kiểm tra, thống kê, rà soát và phân loại hồ sơ tồn đọng, trễ hạn.

Hằng tháng, báo cáo số lượng công việc đã được giải quyết về Văn phòng ĐKĐĐ thành phố để tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường. Văn phòng ĐKĐĐ thành phố cũng đã tăng cường nhân lực bổ sung cho Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang nhằm giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong thời gian ngắn nhất.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đội ngũ cán bộ; tăng cường giám sát hoạt động liên quan đến thủ tục đất đai tại bộ phận “một cửa” ở các quận, huyện; công khai số điện thoại và thư điện tử của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; lập kế hoạch làm việc với từng chi nhánh để giải quyết các vướng mắc cụ thể; tiếp tục chỉ đạo kiện toàn bộ máy tại Văn phòng ĐKĐĐ thành phố và Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ các quận, huyện.

HOÀNG HIỆP
 

;
;
.
.
.
.
.