Tiếp tế ở khu cách ly gây ùn ứ: Hãy nghĩ cho những người phục vụ!

.

Các bậc cha mẹ, nếu nghĩ cho con mình, thì hãy dành một chút cho những người đang phải xa gia đình, ăn ngủ ngoài trời hay những sinh viên (tầm tuổi con họ) phải dọn đi để nhường chỗ.

Trong những ngày này, khi người Việt Nam ở nước ngoài ồ ạt về nước tránh dịch, các đơn vị chức năng từ y tế, hải quan, quân đội… dường như làm việc quá tải. Họ phải chạy đua với thời gian, chịu nhiều áp lực từ công việc, từ thu xếp chuyện gia đình, con cái, thậm chí chịu cả áp lực của một số người không hợp tác trong chờ đợi nhập cảnh, khai báo y tế, cách ly hay khám chữa bệnh.

Nhìn hình ảnh các nhân viên y tế, bác sỹ và quân nhân đắp trên người manh chiếu, tranh thủ chợp mắt sau một ngày làm quá 100% sức lực, hay cảnh những quân nhân ăn vội ở góc đường thì đến gỗ đá chắc cũng phải động lòng.

Và không chỉ có họ, mà cả hệ thống cùng vào cuộc cũng chỉ mong muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho những bệnh nhân mắc Covid-19, những người về cách ly. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, đất nước không bỏ rơi một ai trong cuộc chiến chống dịch. Thủ tướng còn nhấn mạnh, Chính phủ sẵn sàng tiếp tục hy sinh những quyền lợi về kinh tế để ngăn chặn dịch Covid-19.

Lượng hàng tiếp tế trong buổi sáng 22/3 khá đông khiến cổng khu cách ly tại KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng ùn ứ. (ảnh: TTXVN)
Lượng hàng tiếp tế trong buổi sáng 22-3 khá đông khiến cổng khu cách ly tại KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng ùn ứ. (ảnh: TTXVN)
Nhiều người dân lo lắng tới mức mang cả đệm đến cho người thân đang cách ly  (ảnh: Nguyễn Ngân)
Nhiều người dân lo lắng tới mức mang cả đệm đến cho người thân đang cách ly (ảnh: Nguyễn Ngân)

Từ người đứng đầu Chính phủ, đến từng người dân, ai ai cũng nỗ lực đóng góp vào cuộc chiến chống dịch. Không chỉ động viên về tinh thần, người dân đang tích cực tham gia hỗ trợ bằng vật chất thông qua các kênh ủng hộ, trong đó có kênh của MTTQ Việt Nam. Nhiều khách sạn, ký túc xá sinh viên, trường quân đội… cũng được huy động để phục vụ người về cách ly ngày một đông.

Với những người cách ly tập trung, hiện tại đang được Nhà nước miễn phí hoàn toàn từ đưa đón, chỗ ăn ở đến chi phí theo dõi sức khỏe. Điều đó cũng được chính những người trong các khu cách ly, người Việt có, người nước ngoài có, khẳng định họ được chăm sóc chu đáo. Hầu như vào các khu cách ly, ai cũng cảm động trước sự tận tâm của những người phục vụ nơi đây. Và họ đều có chung cảm nhận, đội ngũ y, bác sỹ, quân nhân, người phục vụ ở đây đã làm việc hơn 100% sức lực, nhưng họ không hề kêu ca, phàn nàn, mà chính sự tận tụy của họ đang giữ lại sự bình yên cho nơi mà hầu như ai về cách ly cũng bất an, lo lắng vì dịch bệnh.

Làm bố mẹ, ai cũng thương con, cũng hy sinh mọi thứ vì con. Điều đó là chính đáng. Trong lúc dịch bệnh hoành hành khắp nơi, mong muốn đứa con về nước tránh dịch, được ở bên gia đình cũng là chính đáng. Mỗi gia đình sẽ có một cách lựa chọn riêng của mình. Có người để con cái tự quyết định việc nên về hay ở lại, vì cho rằng con qua tuổi 18, đã là một công dân thực thụ, nên họ tôn trọng quyết định của con. Có gia đình lại bằng mọi giá bắt con về nước tránh dịch vì họ không yên tâm khi con ở những vùng nguy hiểm.

Hàng nghìn sinh viên tại 3 tòa nhà cao tầng trong khu ký túc xá sinh viên Mỹ Đình II đã phải di chuyển toàn bộ đồ đạc, vật dụng để lấy chỗ làm khu cách ly  (ảnh: Nguyễn Ngân)
Hàng nghìn sinh viên tại 3 tòa nhà cao tầng trong khu ký túc xá sinh viên Mỹ Đình II đã phải di chuyển toàn bộ đồ đạc, vật dụng để lấy chỗ làm khu cách ly (ảnh: Nguyễn Ngân)

Tất cả mọi sự lựa chọn đều có lý do của nó, không cần bàn kỹ ở đây. Song, theo đó, khi người thân ở nước ngoài về ngày càng đông, các lực lượng chức năng và toàn dân đang căng sức để phục vụ họ, thì việc nhiều gia đình đổ xô đi tiếp tế người nhà ở khu cách ly đang làm khó cho an ninh trật tự ở những nơi này. Không chỉ tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiều gia đình còn mang cả tivi, tủ lạnh, chăn đệm… khiến công việc tiếp nhận đồ tiếp tế trở nên vô cùng vất vả, trong khi còn nhiều việc khác cần phải giải quyết hơn.

Thương con, muốn con có điều kiện tốt nhất là mong muốn chính đáng của các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng thương con mình, thì cũng nên nghĩ cho những người đang phải phục vụ cho con mình. Có ai cảm thấy áy náy khi con họ về cách ly, được xe đưa đón từ sân bay, mọi sinh hoạt trong khu cách ly đều miễn phí, cơm ngày 3 bữa được bê đến tận giường, hàng ngày có người khám sức khỏe, giặt quần áo… trong khi đó, cũng ở tuổi con họ, cách đây vài hôm thôi, nhiều sinh viên đã phải thu dọn đồ đạc hòm xiểng lỉnh kỉnh, nhiều em không biết đi đâu về đâu vì không phải ai cũng có tiền thuê chỗ trú thân, để nhường ký túc xá làm khu cách ly cho người ở xa về.

Những “cậu ấm, cô chiêu” đi du học, đang được phục vụ trong khu cách ly, có cơ hội tiếp cận với nền văn minh thế giới, có mảy may day dứt khi những người bạn nhường chỗ cho mình sẽ dọn đi đâu, ở đâu?

Ở tuổi này, các em đều đã lớn, phải trưởng thành và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhưng nhiều bố mẹ chưa để con thoát khỏi vòng tay bao bọc, ôm ấp thì đến bao giờ con mình mới tự lớn được.

Chưa kể, việc nhiều người tụ tập tiếp tế đang làm khó khăn cho công tác quản lý, hỗ trợ người về cách ly tập trung; đồng thời là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, phải khẳng định lại lần nữa, con cái, người thân của họ luôn được phục vụ, chăm sóc chu đáo và không hề thiếu thứ gì trong các khu cách ly.

Vì thế, mong các bậc cha mẹ, nếu nghĩ cho con mình, thì hãy dành một chút cho những người đang phải xa gia đình, ăn ngủ ngoài trời, làm việc hơn 100% sức lực, hay những sinh viên (cũng tầm tuổi con họ) phải bơ vơ không biết đi đâu về đâu, để con cái, người thân của họ ở xa về có những gì tốt đẹp nhất.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.