* Thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Sáng 22-5, HĐND thành phố tổ chức kỳ họp thứ 14 (bất thường) thông qua một số nghị quyết quan trọng. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung phát biểu khai mạc tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tháo “điểm nghẽn”, phục hồi phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh, kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh cả nước và thành phố Đà Nẵng đạt những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống Covid-19; thực hiện nhiệm vụ quý 1-2020 và các giải pháp khôi phục kinh tế-xã hội (KT-XH) thành phố.
Thường trực HĐND thành phố ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, các sở, ngành và địa phương cũng như tinh thần, ý thức phòng, chống dịch, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định đời sống và tiếp tục phát triển.
Theo báo cáo của UBND thành phố, những tháng đầu năm 2020, Covid-19 đã tác động mạnh lên tất cả các lĩnh vực, trong đó tác động chính vào tăng trưởng đầu tư và thương mại. Du lịch là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất. Dịch bệnh làm 179.000 người bị ảnh hưởng việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.
Trình bày dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH trong tình hình Covid-19 được kiểm soát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, thành phố cần khẩn trương xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Trong đó, thành phố chú trọng thu hút đầu tư, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Trong đó, hai lĩnh vực thành phố ưu tiên là đẩy mạnh thu hút đầu tư và kích cầu thu hút khách du lịch; phục hồi các chuỗi cung ứng dịch vụ, tạo liên kết, gia tăng các tiện ích, tạo sự hài lòng cho du khách.
Thành phố cũng sẽ ban hành cơ chế, chính sách phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế đêm; thực hiện chính sách miễn, giảm phí tham quan tại các di tích, danh thắng; đồng thời tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các phương án tái thiết, phục hồi năng lực các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là khôi phục, cơ cấu lại ngành, nguồn khách du lịch, các hoạt động dịch vụ phù hợp định hướng phát triển thành phố.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Phan Thị Tuyết Nhung, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho rằng, tác động của Covid-19 rất lớn đến đời sống xã hội, nhưng kết quả thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư xây dựng trong 4 tháng qua đạt khá. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng lớn nhất. Hai thị trường lớn Hàn Quốc và Trung Quốc giảm 100%; tổng thu du lịch giảm 51,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,7%.
Qua ý kiến của các ĐB, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm tuy có khởi sắc, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo thành phố. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND thành phố cần quyết liệt xử lý “điểm nghẽn” giải ngân vốn, ưu tiên nguồn lực, sớm hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghệ cao, khu phụ trợ khu công nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, văn minh
Tại kỳ họp, các ĐB tập trung thảo luận cho ý kiến thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đánh giá, tầm nhìn đồ án hướng thành phố trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc và bền vững. Mục tiêu đồ án xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm lớn KT-XH của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên…
Một trong những giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thành phố sẽ chú trọng thu hút đầu tư; hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: KHÁNH HÒA |
ĐB Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho rằng, nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2020-2025 quá lớn. Đặc biệt trong giai đoạn suy giảm kinh tế do Covid-19, vấn đề thu ngân sách của cả nước nói chung và thành phố nói riêng rất khó khăn. Vì vậy, thành phố cần có lộ trình ưu tiên phân kỳ các dự án để tránh việc các dự án động lực, trọng điểm, quan trọng khi triển khai lại thiếu vốn; bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư để các nhà đầu tư tham gia vào quá trình thực hiện đồ án.
Còn theo ĐB Võ Văn Thương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, trong những năm qua, công tác chỉnh trang phát triển đô thị của thành phố đạt nhiều thành tựu nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế nên đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này cần bảo đảm chất lượng trình tự pháp lý theo quy định và làm rõ các giải pháp triển khai thực hiện quy hoạch như vấn đề nước sạch, rác thải…
Giải trình thêm về vấn đề này, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho biết, đơn vị đã thẩm tra đồ án và nhận thấy đủ điều kiện phê duyệt, phù hợp quy định. Đồ án lần này kế thừa quy hoạch 2013, có phạm vi điều chỉnh với quy mô tổng thể.
Tầm nhìn và mục tiêu của đồ án căn cứ đúng tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định Đà Nẵng là đô thị lớn, văn minh, có bản sắc, phát triển bền vững và sử dụng đất tiết kiệm.
Ban Đô thị HĐND thành phố lưu ý các cấp thống nhất quan điểm: Đây là đồ án quy hoạch chung, chỉ thể hiện những vấn đề chung. Những nội dung chi tiết sẽ được cụ thể hóa khi lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.
Đà Nẵng cần có quy định cụ thể để quản lý đồ án quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất. Theo nội dung đồ án, giai đoạn 2020-2025, Đà Nẵng cần hơn 232.000 tỷ đồng đầu tư; giai đoạn 2025-2030, Đà Nẵng cần thêm vốn đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng. Tổng cộng, cần có gần 300.000 tỷ đồng để hiện thực hóa quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030.
Sau phần thảo luận, 44/44 ĐB có mặt tán thành thông qua đồ án. Đồ án sẽ được UBND thành phố lập thủ tục trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung khẳng định, các nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp này sẽ được ban hành ngay trong đầu tuần đến; đồng thời đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện.
Trong đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thành phố, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các phương án tái thiết, phục hồi năng lực các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; nhất là khôi phục, cơ cấu lại ngành, nguồn khách du lịch, các hoạt động dịch vụ phù hợp định hướng phát triển thành phố; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kịch bản phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2020 phù hợp tình hình thực tiễn trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp giữa năm 2020.
Tại kỳ họp, Thường trực HĐND thống nhất nguyên tắc chỉ thông qua các dự án đã có chủ trương, cấp thiết phải làm ngay, còn các dự án khác nếu chưa cấp thiết thì để lại kỳ họp giữa năm. Các tờ trình nội dung của nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này gồm: Tờ trình về danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất bổ sung năm 2020; miễn phí tham quan 4 điểm du lịch và một số dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố như: Dự án nâng cấp Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Trạm trung chuyển rác thải Sơn Trà, dự án đầu tư tuyến đường Hòa Thọ Tây đi Phong Bắc... |
TRỌNG HÙNG - TRỌNG HUY