Bệnh viện Đà Nẵng hoạt động bình thường trở lại

.

Ngày 15-9, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức hoạt động bình thường trở lại sau thời gian dỡ bỏ cách ly. Để an toàn trong tiếp nhận, khám, điều trị, bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp cần thiết, hoạt động qua 4 giai đoạn trước khi trở về trạng thái bình thường, trong đó phòng, chống lây nhiễm Covid-19 là mục tiêu hàng đầu.

Thực hiện các quy định phòng, chống lây nhiễm Covid-19 là mục tiêu hàng đầu khi Bệnh viện Đà Nẵng hoạt động bình thường trở lại. Trong ảnh: Sáng 15-9, bệnh nhân khai báo y tế trước khi vào khám bệnh.Ảnh: PHAN CHUNG
Thực hiện các quy định phòng, chống lây nhiễm Covid-19 là mục tiêu hàng đầu khi Bệnh viện Đà Nẵng hoạt động bình thường trở lại. TRONG ẢNH: Sáng 15-9, bệnh nhân khai báo y tế trước khi vào khám bệnh. Ảnh: PHAN CHUNG

Thực hiện quy trình chuyên môn gắn liền phòng, chống dịch

Từ sáng sớm, hàng trăm bệnh nhân đã xếp hàng trước khu vực cổng Bệnh viện Đà Nẵng (tuyến đường Quang Trung) để đăng ký khám, chữa bệnh. Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức phân luồng ngay từ cổng vào. Mọi người xếp hàng, lần lượt được kiểm tra thân nhiệt, sau đó khai báo y tế rồi mới vào khám.

Chị Nguyễn Thị Mậu (trú huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ, ngay sau khi đọc thông tin Bệnh viện Đà Nẵng được khám, chữa bệnh bình thường trở lại, chị bắt xe đò từ 4 giờ sáng ra Đà Nẵng. Bốn tháng trước, chị được mổ u não, bác sĩ hẹn tái khám vào tháng 8, tuy nhiên do dịch bệnh nên kế hoạch bị gián đoạn. “Khi nghe tin bệnh viện hoạt động trở lại tôi rất vui vì có điều kiện để kiểm tra sức khỏe của mình.

Ngoài ra, khi được hướng dẫn về phân luồng, đo thân nhiệt, khai báo y tế tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn”, chị Mậu cho biết. Tương tự, bệnh nhân Trần Văn Khải (trú quận Liên Chiểu), vừa được mổ thay khớp đầu gối hồi tháng 7, đang chờ làm các thủ tục kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế cho biết, việc mở cửa trở lại các hoạt động khám, chữa bệnh là điều mà nhiều bệnh nhân trông chờ để chăm sóc sức khỏe cho bản thân. “Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, không chỉ các bệnh viện mà chính những người dân khi đến khám, chữa bệnh phải chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho gia đình, xã hội”, ông Khải cho biết.

Dự báo được số lượng bệnh nhân trong ngày đầu hoạt động trở lại sẽ đông nên từ sáng sớm, Bệnh viện Đà Nẵng đã huy động hơn 40 nhân viên gồm y tá, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội, Đoàn Thanh niên và cả lãnh đạo bệnh viện có mặt trực tiếp để hướng dẫn, giải thích cho người bệnh.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, khu vực tiếp nhận người bệnh được phân luồng khá kỹ. Theo đó, người bệnh được nhân viên y tế dẫn vào khu vực đo thân nhiệt bằng máy ở ngoài cổng, rửa tay sát khuẩn, trong trường hợp mang khẩu trang vải sẽ được cấp phát khẩu trang y tế thay thế. Tiếp đến, bệnh nhân được hướng dẫn khai báo y tế, tiếp tục được đo thân nhiệt bằng phương pháp thủ công trước khi vào khu vực đăng ký thủ tục.

Sau khi được phân luồng, hướng dẫn và bố trí khu vực khám, bệnh nhân được hướng dẫn, tư vấn thêm một lần nữa về các biện pháp phòng, chống dịch. “Để điều tiết, giãn cách số lượng bệnh nhân quá nhiều, bệnh viện tổ chức khám bệnh từ xa cho bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn, đăng ký thời gian bệnh nhân đến khám để hạn chế việc chờ đợi lâu trong bệnh viện. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích bệnh nhân thực hiện khai báo y tế trực tuyến để nắm và chủ động thông tin dịch tễ, lịch sử đi lại, tiếp xúc khi cần thiết”, bác sĩ Nhân cho biết.

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã sửa chữa, cải tạo mặt bằng, bổ sung hệ thống điều hòa, thông gió, khí y tế tại các khoa Cấp cứu, Khám bệnh, Trung tâm tim mạch… để tiếp nhận, sàng lọc và phân luồng người bệnh. Các khoa, phòng, chuyên môn lên kế hoạch phân chia với nhân lực tối thiểu phù hợp với số lượng bệnh nhân và công việc tại khoa đồng thời cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy trình chuyên môn, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống Covid-19 mà bệnh viện đã ban hành.

Người dân từ các địa phương khác có mặt từ sớm để làm thủ tục khám bệnh.  Ảnh: PHAN CHUNG
Người dân các địa phương khác có mặt từ sớm để làm thủ tục khám bệnh. Ảnh: PHAN CHUNG

An toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh

Tại Trung tâm Y tế Hải Châu, sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 19-8, bệnh viện mở cửa, thực hiện phân luồng, giãn cách, tổ chức phân luồng và tiếp nhận bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở ở khu vực riêng. “Hiện tại, bệnh viện điều trị nội trú cho 50 bệnh nhân trong tổng số 300 giường kế hoạch. Ngoài ra, mỗi ngày tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 500-600 bệnh nhân. Nhìn chung, người dân vẫn còn tâm lý e ngại và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch khi đến khám, chữa bệnh”, bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, đơn vị này đang gấp rút cải tạo, khử khuẩn toàn bộ khoa Da để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú trở lại trong những ngày tới. Đây là cơ sở y tế tiếp nhận cách ly, theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân thận nhân tạo đã điều trị khỏi Covid-19. Hiện công tác khám bệnh ngoại trú tại đây diễn ra bình thường, mỗi ngày tiếp nhận khám khoảng 300 bệnh nhân.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế về việc xây dựng bệnh viện an toàn phòng, chống Covid-19, ngành y tế đã triển khai kế hoạch đến các bệnh viện, trên cơ sở căn cứ các điều kiện cụ thể của từng đơn vị để có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động khám, chữa bệnh.

“Các bệnh viện tổ chức thực hiện việc sàng lọc, phân luồng từ khu vực tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với người đến khám, chữa bệnh. Vẫn còn một số tồn tại được ghi nhận như chưa có rèm che bằng vật liệu chống thấm ngăn giữa các buồng bệnh, giữa các bàn ăn tại căn tin; bố trí ghế ngồi, giường bệnh bảo đảm phục vụ nhu cầu người bệnh theo tình hình dịch và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế sử dụng hồ sơ, sổ sách, giấy tờ bằng giấy…

Ngành y tế đã kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu từng đơn vị cụ thể khắc phục các hạn chế để công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện được bảo đảm, xuyên suốt”, bác sĩ Yến cho biết.

Trong ngày đầu tiên hoạt động bình thường trở lại, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận khám khoảng 1.900 bệnh nhân. Hiện bệnh viện đang thu dung, điều trị 500 bệnh nhân theo mô hình chăm sóc y tế toàn diện, người thân không tham gia việc chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện.

Dự kiến, bệnh viện sẽ tiếp nhận tối đa 1.500 bệnh nhân nội trú trên tổng số 3.000 bệnh nhân theo năng lực đáp ứng, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố an toàn về phòng, chống Covid-19. Sau khi mở cửa hoạt động, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ phân chia theo 4 giai đoạn khác nhau, trong đó tập trung ưu tiên tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu từ các tuyến khác chuyển đến hoặc những bệnh có can thiệp phẫu thuật mà các cơ sở y tế khác không làm được. Tiếp theo, bệnh viện dần dần mở các bàn khám chuyên khoa, trên cơ sở tiếp nhận khi các bệnh viện tuyến dưới chưa có khả năng khám, can thiệp. Sau đó bệnh viện sẽ tiếp nhận nội trú và thực hiện các ca mổ phiên, mổ chương trình.

PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.