Ngày đầu cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ: Tuân thủ quy định phòng, chống dịch

.

Việc UBND thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được mở cửa phục vụ khách tại chỗ từ ngày 11-9 nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Hầu hết mọi người vui mừng, song vẫn thận trọng và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Một khách nước ngoài tới quán cà phê BRO’S Café (đường An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn) mua cà phê mang về sáng 11-9. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Một khách nước ngoài tới quán cà phê BRO’S Café (đường An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn) mua cà phê mang về sáng 11-9. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo ghi nhận, trong sáng 11-9, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở cửa, sắp xếp bàn ghế để sẵn sàng phục vụ khách tại chỗ. Tuy nhiên, lượng khách ngồi tại quán không nhiều do chủ quán thường xuyên chủ động trong việc kiểm soát, nhắc nhở để bảo đảm yêu cầu về khoảng cách và giới hạn dưới 30 khách. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh phải bảo đảm đúng quy định trong công tác phòng, chống dịch.

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, hầu hết các quán bán thức ăn như bún, mì quảng, phở hoặc quán cà phê đều đón khách phục vụ tại chỗ, phục vụ mỗi đợt từ 10-20 khách và bảo đảm việc kê bàn ghế cách nhau 1m theo quy định. Còn tại địa bàn huyện Hòa Vang, nhiều hàng quán cũng mở cửa đón khách, song lượng khách còn vắng. Trong khi chờ đón khách, ông Nguyễn Đình Miên Vũ (chủ nhà hàng Gió Đồng, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) chỉ đạo nhân viên lau dọn, kê bàn ghế bảo đảm khoảng cách. “Khách vào quán đều được yêu cầu rửa tay sát khuẩn và ngồi giãn cách giữa các bàn theo đúng quy định. Nhân viên đều được yêu cầu phải đeo khẩu trang thường xuyên trong suốt quá trình phục vụ”, ông Vũ cho hay.

Tại địa bàn quận Sơn Trà, lượng khách ngồi tại các hàng quán ăn uống tương đối ít, chủ yếu mua mang về. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một quán cà phê trên tuyến đường Ngô Quyền (phường Mân Thái), quán của chị bắt đầu mở bán cho khách mang về từ ngày 5-9. Khi thành phố có công văn cho phép phục vụ khách tại chỗ từ ngày 11-9, quán chuẩn bị bàn ghế từ 4 giờ sáng, song lượng khách ngồi rất ít, chủ yếu là khách đến mua mang về theo thói quen.

Tương tự, trên tuyến đường Phan Tứ (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), nơi tập trung nhiều sinh viên, nhiều hàng quán bán đồ ăn uống buổi sáng đã có khách đến. Các hàng quán khi phục vụ khách tại chỗ đều chủ động chấp hành các biện pháp phòng, chống Covid-19 như: trang bị nước sát khuẩn ngay lối vào, mang khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến đồ ăn, thức uống và giữ khoảng cách khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Theo anh Nguyễn Văn Khoa, chủ quán cà phê trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hải Châu), quán dự tính số lượng khách phục vụ tối đa một lúc nên chủ động bố trí đủ số lượng bàn ghế và sắp xếp cách xa nhau để bảo đảm giãn cách. Đối với ngày bình thường, buổi sáng quán có thể phục vụ khoảng 200-300 lượt người, nhưng thời điểm này lượng khách đến mua và ngồi tại quán giảm 50-70%. “Chúng tôi nhắc nhở nhân viên quán mang khẩu trang, găng tay khi phục vụ khách. Hầu hết khách mang khẩu trang, quán cũng trang bị cồn sát khuẩn cho khách rửa tay lúc vào”, anh Khoa nói.

Theo lãnh đạo chính quyền một số địa phương, để kiểm soát và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các tổ kiểm tra ở từng địa phương đều hoạt động rất tích cực. Theo ghi nhận, trên địa bàn toàn thành phố chưa có trường hợp cơ sở kinh doanh nào bị xử phạt do vi phạm. Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho hay, ngay từ sáng sớm, lực lượng Tổ kiểm tra của phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân, chủ cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch nên các hàng quán cơ bản đều chấp hành tốt, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Ông Đinh Viết Hồng Lễ, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) cho biết, ngày đầu tiên các hàng quán được phục vụ khách tại chỗ, phường đã cử 4 tổ kiểm tra, mỗi tổ 4 người gồm 1 cán bộ phường, 1 cán bộ quy tắc đô thị, 1 công an phường và 1 dân quân kiểm tra các hàng quán tại khu vực được phân công. “Qua ghi nhận, hầu hết các chủ hàng quán và người dân đều chấp hành tốt quy định về phòng, chống Covid-19, một vài cửa hàng còn thiếu sót thì chúng tôi ngay lập tức nhắc nhở, yêu cầu họ chấn chỉnh nên chưa có trường hợp nào vi phạm phải xử lý”, ông Lễ thông tin.

Để quá trình kiểm tra, giám sát của các tổ ở cấp xã, phường bảo đảm hiệu quả, các địa phương còn phân công cụ thể trách nhiệm cho từng lãnh đạo trong việc kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở. Đơn cử, UBND quận Liên Chiểu phân công trực tiếp các phó chủ tịch quận phụ trách từng phường. “Các phó chủ tịch quận cùng lãnh đạo các phòng, ban sẽ thành lập các tổ để trực tiếp nắm bắt và kiểm tra các phường theo sự phân công. Qua kiểm tra, hầu hết các tổ ở phường đều làm tốt trách nhiệm, chưa phát hiện cơ sở kinh doanh nào vi phạm quy định trong phòng, chống dịch”, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nói.

Còn tại huyện Hòa Vang, theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, ngoài các tổ kiểm tra ở mỗi cấp xã, cấp huyện cũng thành lập tổ có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và xử lý. Mỗi vị trưởng các phòng, ban chuyên môn của huyện cũng được phân công đứng điểm tại một xã, cùng với cán bộ chuyên môn, chịu trách nhiệm cùng chính quyền 11 xã đôn đốc, kiểm tra và xử lý nếu cơ sở kinh doanh có vi phạm.

“Trong ngày hàng quán mở bán lại đầu tiên, qua theo dõi và báo cáo của các địa phương cho thấy chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm. Các hàng quán đã được tuyên truyền và nhắc nhở thường xuyên nên đều chấp hành rất tốt các quy định”, ông Dũng nhấn mạnh.

ĐẮC MẠNH - XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.