TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh

.

LTS: Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến sẽ diễn ra vào giữa cuối tháng 10-2020. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của thành phố Đà Nẵng nhằm đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2015-2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng và phát triển thành phố trong nhiệm kỳ 2020-2025. Từ số báo hôm nay (1-10), Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “Tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025” với nhiều bài viết về thành tựu và những định hướng phát triển thành phố trong thời gian đến.

Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng thành phố phát triển xứng tầm trung tâm của miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: KIM LIÊN
Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng thành phố phát triển xứng tầm trung tâm của miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: KIM LIÊN

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, xem đây là một trong những yếu tố quyết định của công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của thành phố trong giai đoạn mới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Đình Hồng cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng đề án, kế hoạch để chỉ đạo thực hiện việc nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, đã từng bước được đổi mới, có nhiều hình thức sáng tạo, trở thành công việc thường xuyên của nhiều tổ chức và cá nhân.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình từng bước đi vào chiều sâu, góp phần phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thể hiện ngày càng rõ nét; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong các cấp, các ngành, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong xã hội”, ông Trần Đình Hồng nói.

Công tác đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Võ Văn Thương cho biết, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị (khóa XII) bước đầu đạt kết quả tích cực, bộ máy tinh gọn, phù hợp với thực tiễn, giảm được đầu mối trung gian; việc thực hiện nhất thể hóa một số chức danh, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động.

Công tác phát triển đảng viên trong thời gian qua cũng luôn được quan tâm, nâng cao về chất lượng theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư; thực hiện nghiêm túc việc giới thiệu đảng viên đương chức về sinh hoạt, giữ mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy nơi cư trú. Toàn Đảng bộ thành phố hiện có 16 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy với 530 tổ chức cơ sở Đảng; trong đó có 252 đảng bộ cơ sở và 278 chi bộ cơ sở với 59.093 đảng viên. Trong 4 năm qua, (từ năm 2016 đến 2019) bình quân mỗi năm, Đảng bộ thành phố kết nạp gần 2.000 đảng viên, bảo đảm chất lượng, đặc biệt, chú trọng phát triển đảng viên nữ, trẻ, có trình độ học vấn cao.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Huỳnh Thị Tam Thanh, trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm, như: công tác cán bộ, quản lý quy hoạch, trật tự môi trường, đô thị; việc kê khai tài sản, thu nhập; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Qua đó, đã kịp thời, nghiêm túc ban hành văn bản chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau các kết luận thanh tra, kiểm tra; gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với trách nhiệm người đứng đầu.

Ngoài ra, cấp ủy các cấp luôn tăng cường kiểm tra, giám sát chuyên đề, xử lý nghiêm, kịp thời đối với tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Qua rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện việc thi hành kỷ luật và đưa ra khỏi Đảng 952 đảng viên vi phạm. Cấp ủy các cấp tiến hành kiểm tra chuyên đề đối với 2.364 lượt tổ chức Đảng và 8.700 lượt đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 828 lượt tổ chức Đảng và 2.078 lượt đảng viên.

Cấp ủy các cấp và chi bộ đã xử lý kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 478 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 85 trường hợp. “Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kịp thời khắc phục hạn chế, thiếu sót trong triển khai thực hiện, rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ”, bà Huỳnh Thị Tam Thanh khẳng định.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ; qua đó, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng. Nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp được khám phá nhanh chóng, kịp thời ổn định dư luận. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được các cơ quan chức năng tập trung phối hợp giải quyết đúng pháp luật, giải quyết có kết quả các vụ việc tồn đọng, nổi cộm...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Phát huy sức mạnh đồng thuận, nâng cao vị thế của Đà Nẵng

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tình hình thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày 22-7-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định: Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng luôn tập trung chỉ đạo thực hiện công tác dân vận ở các cấp, các ngành, trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Quy chế về công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của chính quyền; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vào ngày 23-5-2020 về kết quả công tác thực hiện các nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ Đà Nẵng đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, Đà Nẵng đã có sự chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương trong xây dựng và phát triển thành phố.

Khẳng định Đảng bộ Đà Nẵng là Đảng bộ mạnh, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ, thành phố đã nhận thấy những khuyết điểm, từng bước khắc phục các khuyết điểm để xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng vững mạnh, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững. Về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ đạo: “Từng cán bộ, đảng viên phải làm việc có kỷ cương, đúng quy chế, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập những tấm gương trung kiên của các thế hệ cha ông đi trước để tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển”.

Ngày 22-9-2020, tại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong bối cảnh có sự biến động về cán bộ chủ chốt, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường đoàn kết, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; nghiêm túc, khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả và xử lý các sai phạm theo nội dung Thông báo 292-TB/UBKTTW ngày 21-9-2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Kết luận số 2852/KL-TTCP ngày 2-11-2012 của Thanh tra Chính phủ.

Thành phố thực hiện việc đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, đề cao trách nhiệm của Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực và cá nhân từng lãnh đạo, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, khóa XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) và ban hành quy chế, quy định theo hướng dẫn của Trung ương. “Nhờ sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy được sức mạnh toàn dân, Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng với quyết tâm chính trị cao đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, vị thế và vai trò của thành phố ngày càng nâng cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc làm việc.

ĐẶNG NỞ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích