Luôn "để mắt" đến hộ đặc biệt nghèo

.

Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước và thành phố, 20 năm qua, từ cấp quận đến tổ dân phố ở quận Sơn Trà luôn quan tâm đến những hộ đặc biệt nghèo để kịp thời có biện pháp giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Từ sự hỗ trợ của một số tổ chức và cá nhân, UBND phường Nại Hiên Đông đã thành lập quán ăn “Alo Cơm Trưa” để tạo việc làm cho người dân thuộc diện đặc biệt nghèo của phường. Ảnh: T.V
Từ sự hỗ trợ của một số tổ chức và cá nhân, UBND phường Nại Hiên Đông đã thành lập quán ăn “Alo Cơm Trưa” để tạo việc làm cho người dân thuộc diện đặc biệt nghèo của phường. Ảnh: T.V

13 năm trước, trong một lần đi làm thợ hồ, anh N.Đ.H. (tổ 40, phường Nại Hiên Đông) bị tai nạn và liệt cả hai chân. Từ chỗ cuộc sống khá ổn định, bỗng chốc gia đình anh rơi vào tình cảnh khó khăn vì lao động chính trở thành người tàn tật. Nhớ lại những ngày đầu con mình bị tai nạn, mẹ anh, bà Huỳnh Thị Hồng thở dài: “Với thu nhập thợ hồ của con trai, hai mẹ con tôi sống khá ổn, con bất ngờ bị tai nạn, trở thành người tàn phế, gia đình lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. May mắn, cán bộ khối phố đã hướng dẫn tôi làm thủ tục để con trai được hưởng trợ cấp mỗi tháng 700.000 đồng, còn tôi - người trực tiếp chăm sóc người tàn tật - mỗi tháng được nhận thêm 350.000 đồng. Không những vậy, bà con lối xóm còn giới thiệu tôi vào chân phụ bếp ở quán ăn. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng Covid-19, hai mẹ con tôi được nhận hỗ trợ số tiền hơn 2 triệu đồng và một số quà là nhu yếu phẩm nên cuộc sống tạm ổn”.

Theo ông Nguyễn Huy Bình, Bí thư Đảng ủy phường Nại Hiên Đông, những trường hợp được giúp đỡ như mẹ con bà Hồng rất phổ biến tại phường. Là địa phương có hơn 7.000 hộ với gần 30.000 nhân khẩu, việc bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân, nhất là hộ nghèo luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Phường chủ trương tất cả cán bộ, từ phường, các đoàn thể đến tổ dân phố phải luôn “để mắt” đến những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, thông báo ngay cho lãnh đạo địa phương nắm để có sự hỗ trợ cần thiết nên tất cả đều sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, bằng việc phối hợp các tổ chức, cá nhân và một số doanh nghiệp, phường đã thành lập quán ăn “Alo Cơm Trưa” và nhóm “Vệ sinh công nghiệp sạch và gọn” để giúp 25 hộ của phường thuộc diện đặc biệt nghèo có việc làm, thu nhập ổn định.

Không chỉ riêng phường Nại Hiên Đông, các phường khác của quận Sơn Trà trong thời gian qua, tùy hoàn cảnh cụ thể, mỗi địa phương đều nỗ lực tìm tòi thêm nhiều cách để hỗ trợ, giúp những hộ đặc biệt nghèo ổn định cuộc sống. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức chương trình đối thoại với người nghèo, qua đó chính quyền nắm rõ hoàn cảnh từng hộ dân, nguyện vọng mưu sinh và khả năng của từng cá nhân. Trên cơ sở đó, chính quyền sẽ tư vấn, giúp đỡ họ tiếp cận nguồn vốn cũng như kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ phương kế sinh nhai cho người nghèo. Nhờ vậy, tất cả nguồn lực của Chính phủ, thành phố, quận hay các tổ chức, cá nhân đều phát huy được hiệu quả trong việc giúp hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo cải thiện cuộc sống.

Trong 20 năm qua, quận Sơn Trà đã huy động gần 46 tỷ đồng giúp hơn 67.000 lượt người dân vượt qua khó khăn. Đặc biệt, với phương châm ưu tiên “Trao cần câu”, giúp người dân có việc làm để ổn định cuộc sống, chống tái nghèo, quận luôn chú trọng đến các chương trình trao sinh kế cho người dân. Những năm qua, quận đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề miễn phí như sửa xe, thợ mộc, đan lưới, làm bánh...; hằng năm trao hàng trăm phương tiện sinh kế như tủ bán bánh mì, xe ép nước mía, máy may, máy vắt sổ... để người nghèo có phương tiện mưu sinh. Bên cạnh đó, quận còn hỗ trợ 65 hộ đặc biệt nghèo với số tiền hơn 3 tỷ đồng để xây nhà mới và dành ra hơn 1,2 tỷ đồng để giúp 126 hộ đặc biệt nghèo khác sửa chữa nhà.

Là hộ từng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nghèo và được chính quyền địa phương hỗ trợ thoát nghèo, bà Lê Thị Hương (tổ 48, phường Mân Thái) cho biết: “Hơn 10 năm trước gia đình tôi gặp nhiều khó khăn khi chồng bị mất việc do công ty giải thể, tôi phải dừng việc giữ trẻ tại nhà vì không đủ điều kiện quy định. Đang lúc khó khăn, chính quyền đã hướng dẫn gia đình làm thủ tục vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để mở tiệm tạp hóa tại nhà. Bây giờ tôi đã thoát nghèo, đăng ký hỗ trợ 2 gia đình khó khăn khác ở địa phương mỗi tháng 20 kg gạo như một cách để mình trả ơn và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn khác”.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Sơn Trà Nguyễn Thanh Phong nhận xét: “Thời gian qua, nhờ sự quan tâm sâu sắc đến từng trường hợp, quận Sơn Trà đã có nhiều thành công trong công tác chăm lo đời sống cho người nghèo, nhất là các trường hợp đặc biệt nghèo. Theo đó, chính quyền địa phương, nhất là cán bộ tổ dân phố luôn quan tâm, nhờ vậy sự hỗ trợ đến từng hộ nghèo luôn đúng địa chỉ và kịp thời, mang lại hiệu quả cao. Đây cũng chính là “vốn liếng” để thời gian đến, quận Sơn Trà tiếp tục làm tốt công tác giúp đỡ người nghèo nói chung và người đặc biệt nghèo nói riêng, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.