Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, UBND quận Liên Chiểu đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần và bảo vệ quyền lợi lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Phụ nữ phường Hòa Minh ký kết tham gia phong trào thi đua “Mỗi hội viên một cử chỉ đẹp” năm 2021. Ảnh: H.L |
Nâng cao chất lượng sống
Là nhân viên buồng phòng 7 năm nay, chị Nguyễn Thị T.N (SN 1993, trú phường Hòa Khánh Nam) cho biết, từ đầu năm 2020, chị thất nghiệp do ảnh hưởng Covid-19. Vài tháng sau, qua giới thiệu của Liên đoàn Lao động quận Liên Chiểu, chị đăng ký tham gia khóa đào tạo “Kỹ năng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn VTOS: Nghiệp vụ buồng và sale OTA” do Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp với Sở Du lịch, Hội Khách sạn Đà Nẵng tổ chức. Đây là khóa học dành cho lao động tại các doanh nghiệp tham gia Thỏa ước Lao động tập thể nhóm ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố. “Thất nghiệp khiến kinh tế gia đình khá chật vật nhưng tôi xem đây là khoảng thời gian cần thiết để học tập, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công việc mình đang theo đuổi”, chị T.N chia sẻ.
Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động quận Liên Chiểu, trong năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 3.830 lao động, trong đó có 1.203 lao động nữ, chiếm 31,4%. Ngoài ra, có hơn 102 lượt lao động nữ được đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn, đạt 50%. Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, thực hiện chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng về chương trình xây dựng thành phố “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị) và cải thiện đời sống cho phụ nữ nông thôn, khu vực giải tỏa, tái định cư, lao động nữ dôi dư khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; đào tạo nghề cho lao động nữ, bảo vệ quyền lợi lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn, UBND quận Liên Chiểu đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với mục tiêu nâng cao chất lượng sống, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đủ năng lực và phẩm chất đứng vào hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt; trong đó tập trung các lĩnh vực như tạo bình đẳng trong công tác cán bộ, lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, y tế, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp phụ nữ tiếp cận các gói vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống gia đình.
Chương trình đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp cũng được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn quận Liên Chiểu quan tâm. Bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết, công tác đồng hành phụ nữ khởi nghiệp được cụ thể hóa bằng việc khảo sát ý tưởng, tư vấn, hỗ trợ nguồn lực, tài chính, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Để khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN quận phát động phong trào thi đua trong chị em hội viên, xây dựng các tổ, nhóm tiết kiệm, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. “Trong năm 2020, hưởng ứng đợt thi đua “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em” của Trung ương Hội LHPN, đơn vị đã tập trung thực hiện 9 nội dung trọng tâm và 3 nhiệm vụ thường xuyên, 33 điểm tuyên tuyền về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; nhân rộng địa chỉ hòa giải tại cộng đồng cũng như duy trì các đội, nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Năm 2021, Hội LHPN quận tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng gia đình hạnh phúc”, bà Hằng nói.
Chú trọng phát triển cán bộ nữ
Đề án Cán bộ nữ của quận Liên Chiểu được triển khai từ năm 2015 đã tạo chuyển biến đáng kể trong công tác cán bộ, đẩy mạnh tạo nguồn cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bố trí, luân chuyển, bảo đảm tỷ lệ lãnh đạo nữ tham gia cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Sau 5 năm, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng chiếm tỷ lệ trên 20%; số lượng nữ tham gia bộ phận lãnh đạo, quản lý cấp phường 29%, ngành giáo dục 80,3%; trong năm 2020 có 70% số cơ quan Đảng, đoàn thể và quản lý Nhà nước trên địa bàn có phụ nữ làm lãnh đạo chủ chốt.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của thành phố, UBND quận Liên Chiểu giao Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực liên quan; đồng thời giao Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ quận tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, nghiên cứu cải tiến phương pháp, nội dung hoạt động, bổ sung quy chế phối hợp hoạt động giữa các cấp, ngành, đoàn thể xã hội. Định kỳ 6 tháng/năm tổ chức đoàn kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới ở các ngành, địa phương, qua đó xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn, tồn đọng trong triển khai thực hiện tại cơ sở. Bà Lê Thị Hằng cho hay, hiện nay các cấp hội phụ nữ trực tiếp tham gia giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các chính sách an sinh xã hội của thành phố liên quan đến phụ nữ. Qua giám sát, các cấp Hội đã phát hiện những bất cập, kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ.
Ông Lê Văn Nghĩa nhận định, công tác bình đẳng giới trên địa bàn thời gian qua có nhiều tiến bộ. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo có trọng tâm, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để bình đẳng giới gắn liền với việc nâng cao đời sống người lao động, các cấp, ngành địa phương cần quan tâm nâng cao năng lực quản lý, tiến bộ phụ nữ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa bạo lực gia đình, thường xuyên tuyên truyền cũng như chú trọng phát triển cán bộ nữ và cán bộ nữ giữ vai trò chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị.
HUỲNH LÊ