Cần rà soát quy hoạch, xây dựng chương trình quốc gia về ứng phó với thiên tai

.

ĐNO - Ngày 16-1, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Tổng Hội xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Thiên tai về lũ quét, sạt lở đất ở khu vưc miền Trung: Nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc về nguyên nhân chủ yếu của tình hình lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung và đề xuất giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả.

Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng (bìa trái) thông tin, sẽ tập hợp các ý kiến, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về chương trình tổng thể ứng phó với thiên tai. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng (bìa trái) cho biết, sẽ tập hợp các ý kiến, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chương trình tổng thể ứng phó với thiên tai. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, thời gian gần đây, đặc biệt là từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản; nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các huyện miền núi...

Tuy nhiên, hiện chưa có một nghiên cứu tổng thể và đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu thiên tai, lũ quét ở khu vực miền Trung nhằm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Chính vì vậy, cần có giải pháp lâu dài về ứng phó với thiên tai, nhất là để giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất, bao gồm cả việc sắp xếp bố trí dân cư một cách bền vững, khoa học; tăng độ che phủ rừng... Cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp cảnh báo sớm thiên tai, lũ quét...

PGS.TS. Lã Văn Chú, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn và Hải Văn (thuộc Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu), chuyên gia nghiên cứu về lũ quét và sạt lở đất thông tin, có một phát hiện mới về nguyên nhân trực tiếp gây lũ quét và sạt lở đất sau đợt mưa lũ kéo dài tại miền Trung vừa qua, là không hẳn trời mưa có cường độ lớn trong vài giờ, mà chỉ cần mưa rất nhỏ nhưng kéo dài từ 3 ngày trở lên là xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Hiện nay, việc dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất chưa làm được và cũng chưa có mức cảnh báo cụ thể như đối với dự báo, cảnh báo lũ trên các sông. Do đó, các cơ quan liên quan và địa phương phối hợp tăng cường quan trắc lượng mưa và đánh dấu các mốc mưa lớn để hình thành chuỗi số liệu, phục vụ ứng dụng công nghệ vào cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đối với từng khu vực cụ thể.

GS.Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng, thiên tai ngày càng khắc nghiệt hơn so với trước đây. Tần suất xuất hiện mưa, lũ lớn tại khu vực miền Trung vừa qua đã vượt xa tần suất thiết kế các công trình xây dựng theo quy định hiện hành và thời gian cũng kéo dài hơn. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh quy định về tần suất thiết kế để quy hoạch, thiết kế, xây dựng các công trình chủ động ứng phó với thiên tai tốt hơn.

TS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị, cần thiết phải rà soát lại các quy hoạch đã được xây dựng và sắp xây dựng từ đô thị cho đến nông thôn, đặc biệt là ở khu vực miền núi để có những nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm sự sống yên lành cho nhân dân. Về lâu dài, cần nghiên cứu quy hoạch và đề xuất quy định về lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị, công trình...

Trong khi đó, GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ mong muốn có sự phối hợp giữa các hội, tổng hội kiến trúc sư, xây dựng, quy hoạch... để tiến hành nghiên cứu và đề xuất Chính phủ có một chương trình quốc gia về ứng phó với thiên tai nhằm không chỉ kiến tạo những mô hình nhà ở, khu dân cư... mà còn tạo ra sinh kế, thẩm mỹ và thích ứng với thiên tai.

TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam thông tin, Ban tổ chức hội thảo tổng hợp các ý kiến tham luận, trình bày tại hội thảo này và phối hợp với các hội, tổng hội tiến hành tập hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, đề xuất chương trình tổng thể về thích ứng với thiên tai, báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai và đề xuất vận dụng những kết quả nghiên cứu trình bày tại hội thảo này vào thực tiễn công tác phòng chống mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương.

HOÀNG HIỆP - DIỄM HẰNG

;
;
.
.
.
.
.