Cần giữ nguyên sân bay Đà Nẵng là cảng hàng không quốc tế, cửa ngõ quốc gia

.

UBND thành phố Đà Nẵng có Văn bản số 1326/UBND-SGTVT ngày 10-3-2021 gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) góp ý về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, thành phố đề nghị Bộ GTVT và đơn vị tư vấn quy hoạch làm đúng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Luật Hàng không 2006.

Theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất  Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30 triệu hành khách/năm, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Ảnh: ACV
Theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30 triệu hành khách/năm, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Ảnh: ACV

Thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia quy hoạch băn khoăn việc sân bay Đà Nẵng bị đơn vị tư vấn lập dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đề xuất đưa ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế cửa ngõ. Theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030, trong 26 sân bay có 3 sân bay quốc tế cửa ngõ: Nội Bài (Thành phố Hà Nội), Long Thành (Đồng Nai) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Đến năm 2050, trong 30 sân bay có 5 sân bay quốc tế cửa ngõ, trong đó ngoài 3 sân bay kể trên có thêm Chu Lai (Quảng Nam) và Cam Ranh (Khánh Hòa).

Liên quan đến vấn đề này, KTS Hồ Phước Phương, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC) tại Đà Nẵng cho rằng, từ nay đến năm 2030 - 2045, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng vẫn là cửa ngõ quốc tế như đã được phê duyệt, thể hiện qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 359/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15-3-2021. Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Trần Dân cho biết, đặc điểm của Đà Nẵng là điểm cuối hành lang kinh tế Đông -Tây từ Myanmar qua Thái Lan, Lào, Việt Nam và đến Đà Nẵng. Không những là điểm kết nối đường bộ, đường biển mà còn là đường hàng không, nên Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng. Do đó, việc quy hoạch đề xuất đưa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra khỏi cảng cửa ngõ quốc tế là không có cơ sở thuyết phục. Sân bay Đà Nẵng đã có từ lâu, là cửa ngõ của miền Trung nên duy trì như cũ, còn mức độ phát triển thế nào cần có minh chứng xác đáng.

Theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30 triệu hành khách/năm, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Ảnh: T.L
Theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30 triệu hành khách/năm, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Ảnh: T.L

Ngày 19-2-2021, Sở Xây dựng có Văn bản số 1102/SXD-PTĐT góp ý dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, trong đó nêu quan điểm, sở không thống nhất với đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch khi đưa Cảng hàng không Đà Nẵng ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế cửa ngõ. Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 và Quyết định số 359/QĐ-TTg vừa ban hành ngày 15-3-2021 của Chính phủ.

Theo Văn bản số 1326/UBND-SGTVT ngày 10-3 của UBND thành phố, việc “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cần đặt ra mục tiêu, định hướng rõ ràng cho việc phát triển theo các mô hình, xu thế mới theo kinh nghiệm các sân bay tiên tiến trên thế giới; tạo động lực phát triển cho địa phương, vùng nói riêng, cho lĩnh vực GTVT nói chung, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời cần nghiên cứu đặc thù của các sân bay để xác định các mô hình, xu hướng phát triển thích hợp cho mỗi sân bay, thay vì phát triển hầu hết giống nhau như hiện nay trên toàn quốc. Do vậy, đối với các sân bay trong đô thị, đặc biệt là sân bay Đà Nẵng cần có định hướng phát triển thích hợp, hiệu quả (như mô hình đô thị sân bay); khắc phục các hạn chế chỉ phục vụ mục đích giao thông, phát triển tách biệt và không có vai trò là động lực cho phát triển đô thị xung quanh.

UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, dự thảo của đơn vị tư vấn đề xuất đưa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế cửa ngõ (đã được phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030) với lý do “phù hợp với nguồn lực đầu tư và công suất, quy mô tối đa của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng” là chưa phù hợp với Luật Hàng không 2006 cũng như thực tế hiện nay của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chưa xem xét đến điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo quy hoạch sân bay cũng chưa phù hợp với Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị  về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm “kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương”.

Thành phố Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn của cả nước, là cửa ngõ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chính sách phát triển của thành phố đến năm 2030 là dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tài chính, du lịch, công nghệ cao, logistics của khu vực Đông Nam Á; đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực chế tạo công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, logistics, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không.
“Do đó, đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam giữ nguyên Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không quốc tế, cửa ngõ quốc gia như hiện nay theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Hàng không 2006”, văn bản của UBND thành phố nhấn mạnh.

THÀNH LÂN

Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, công suất sân bay Đà Nẵng năm 2019 đạt 15,53 triệu hành khách/năm (so với công suất thiết kế, xây dựng năm 2016 - 2017 là 10 triệu khách/năm); công suất theo quy hoạch đến năm 2030 tại Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ là 28 triệu khách/năm; công suất theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 là 30 triệu khách/năm. Theo Quy hoạch chung này, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, sân bay chuẩn cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856ha.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng: Vai trò không thể thay thế của sân bay Đà Nẵng

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (DIA) giữ vai trò chiến lược mang tính sống còn về an ninh quốc gia không thể thay thế. Đây là một trụ cột để quản lý điều hành vùng thông báo bay (FIR) có phạm vi biên giới trên không phận gần 1 triệu km2. Cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng là sân bay dự bị cho các chuyến bay quốc tế trên trục đường bay A1/P901/A202. DIA khẳng định vai trò sân bay Đà Nẵng là không thể có sân bay nào ở khu vực thay thế được.

TRIỆU TÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích