Đà Nẵng là địa phương tiềm năng về chuyển đổi số

.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng tại hội thảo về đề án “Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do UBND thành phố tổ chức vào chiều 22-3, thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp… trên địa bàn thành phố và toàn quốc.

Các doanh nghiệp chủ lực có thể giúp những doanh nghiệp khác chuyển đổi số thành công. TRONG ẢNH: Các kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: K.NINH
Các doanh nghiệp chủ lực có thể giúp những doanh nghiệp khác chuyển đổi số thành công. TRONG ẢNH: Các kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: K.NINH

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong các giải pháp chính, là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có 1 lĩnh vực gắn liền với triển khai chuyển đổi số là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; 4 lĩnh vực còn lại cũng đều cần đến nền tảng chuyển đổi số. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận, một trong những thuận lợi của công cuộc chuyển đổi số tại Đà Nẵng là những kinh nghiệm và kết quả cơ bản được kế thừa từ 10 năm triển khai mô hình “Chính quyền điện tử” và 2 năm triển khai đề án “Thành phố thông minh”. Bên cạnh đó, nền công nghiệp công nghệ thông tin dần hình thành; người dân thành phố có dân trí cao, bước đầu hình thành thói quen tiếp cận và sử dụng dịch vụ trực tuyến. Tuy vậy, thách thức lớn nhất là việc điều chỉnh cơ chế, huy động sự tham gia của toàn dân trong quá trình chuyển đổi số. Đà Nẵng xác định chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, cốt lõi là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh và thực thi công vụ. Việc xây dựng chính quyền số phải là động lực, đóng vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, cần có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, Đà Nẵng là địa phương tiềm năng nhất Việt Nam để thực hiện chuyển đổi số nhờ mức độ sẵn sàng cao tích lũy sau quá trình nỗ lực lâu dài, quy mô dân số lý tưởng, bộ máy lãnh đạo và đội ngũ thực thi hiệu quả. Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, để có những bước tiến rõ nét trong chuyển đổi số, trong năm 2021, Đà Nẵng cần đạt mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ hành chính công ở mức độ 4; chủ động cung cấp dịch vụ công cá nhân hóa cho người dân, doanh nghiệp; chỉ yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu một lần duy nhất cho các dịch vụ công. Về dài hạn, thành phố có thể “đặt hàng” chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; đầu tư phát triển các công nghệ như in 3D, trí tuệ nhân tạo… Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cam kết,  Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành Đà Nẵng để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ngắn hạn và dài hạn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (đứng giữa) chứng kiến việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số giữa Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố. Ảnh: K.NINH
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (đứng giữa) chứng kiến việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số giữa Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố. Ảnh: K.NINH

Cần khai thác nguồn lực xã hội

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và người dân trong chuyển đổi số, xem đây là cốt lõi của kinh tế số. Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS. Nguyễn Quân cho rằng: “Khi làm tốt 2 việc là chuyển đổi số cho cơ quan quản lý Nhà nước và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tự khắc sẽ xây dựng được xã hội số”. Đối với vấn đề chuyển đổi số doanh nghiệp, Đà Nẵng nên xây dựng những doanh nghiệp chủ lực, có thể địa phương hóa các nền tảng chuyển đổi số của Trung ương, tạo ra những sản phẩm đặc thù cho Đà Nẵng phục vụ các ngành du lịch, công nghiệp công nghệ cao… TS. Nguyễn Quân đề xuất Đà Nẵng đầu tư cho các doanh nghiệp chủ lực thông qua con đường khoa học công nghệ, đồng thời cần xác định rõ ngân sách của thành phố dành cho chuyển đổi số.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS. TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh vấn đề nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Theo đó, không nên đào tạo đại trà, dàn trải mà cần có những đơn vị giáo dục chuyên sâu. Bên cạnh đó, Đà Nẵng có thể xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về sản phẩm thông minh; tiên phong trong việc phát triển nền tảng truyền dữ liệu qua mạng LORA (miễn phí, độ phủ sóng rộng, độ tin cậy cao); phát triển năng lượng sạch điều khiển bằng hệ thống internet vạn vật, xây dựng những khu nhà ở thông minh, tiết kiệm năng lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT PGS. TS Trương Gia Bình nhìn nhận, khác biệt của Đà Nẵng chính là tinh thần quyết tâm của lãnh đạo và người dân. Dẫn ví dụ về chuyển đổi số ở Estonia, PGS. TS Trương Gia Bình cho rằng, Đà Nẵng có thể phát triển tương tự, đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trong khu vực. Để làm được điều này, cần có các chương trình chuyển đổi số cụ thể ở từng ngành, từng xã, phường…, được thực hiện theo quy tắc 3H (heart - head - hand - trái tim - bộ não - đôi tay), tức bắt đầu từ khát vọng và ý chí, sau đó đến tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và cuối cùng là triển khai vào thực tế.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 GS. TS Nguyễn Thanh Thủy cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số cần có nhiều “vai” nhưng chỉ một “trò”. Các “vai” gồm doanh nghiệp công nghệ số (thực hiện việc số hóa), các đơn vị chuyên ngành, đơn vị quản lý Nhà nước (thực hiện việc tự động hóa quy trình, mô hình tổ chức). Tất cả các “vai” đều phải chuyển động toàn diện để thực hiện một “trò” là chuyển đổi số hiệu quả.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí nhấn mạnh mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, đề án “Chuyển đổi số” của thành phố cần nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân để đề án thực sự đi vào cuộc sống. Ông Võ Công Trí  khẳng định, chuyển đổi số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần tận dụng tối đa nguồn lực của xã hội. Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, T.S Võ Trí Thành chỉ ra một số thách thức mà Đà Nẵng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới như việc giảm ngân sách từ Trung ương, tăng cạnh tranh từ các tỉnh, thành khác… Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng cần đánh giá rủi ro cụ thể cho việc chuyển đổi số; xác định những nét riêng của thành phố như hạ tầng, thể chế, con người, xã hội… để từ đó, thực hiện hiệu quả và thành công mục tiêu chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ hội thảo, UBND thành phố Đà Nẵng công bố Quyết định 698/QĐ-UBND ngày 4-3-2021 về việc thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn “Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng” và Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 19-3-2021 về “Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng 28-8”. Đồng thời, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.