Đà Nẵng xác định chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

.

ĐNO - Chiều 22-3, UBND thành phố tổ chức hội thảo về xây dựng đề án “Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam chủ trì hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (giữa) phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc. Ảnh: KHANG NINH
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KHANG NINH

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong các giải pháp chính, là động lực để giải quyết những “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu “đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN” và tầm nhìn “thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, một trong những thuận lợi của công cuộc chuyển đổi số tại Đà Nẵng là những kinh nghiệm và kết quả cơ bản được kế thừa 10 năm triển khai mô hình “Chính quyền điện tử” và 2 năm triển khai đề án “Thành phố thông minh”.

Bên cạnh đó, nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành; người dân thành phố có dân trí cao, bước đầu hình thành thói quen tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tuy vậy, thách thức lớn nhất là việc điều chỉnh cơ chế, huy động sự tham gia của toàn dân trong quá trình chuyển đổi số.

Đà Nẵng xác định chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; trong đó cốt lõi là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh và thực thi công vụ.

Việc xây dựng chính quyền số phải là động lực, đóng vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Để triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng thành công, cần có chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, rõ ràng, dễ tiếp cận và có khả năng thực thi cao.

Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông ký biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số. Ảnh: P.LAN
Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố ký biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số. Ảnh: P.LAN

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định, Đà Nẵng là địa phương tiềm năng nhất Việt Nam để thực hiện chuyển đổi số nhờ mức độ sẵn sàng cao tích lũy sau quá trình nỗ lực lâu dài, quy mô dân số lý tưởng, bộ máy lãnh đạo và đội ngũ thực thi hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong năm 2021, Đà Nẵng cần đạt mục tiêu 100% dịch vụ hành chính công ở mức độ 4; chủ động cung cấp dịch vụ công cá nhân hóa cho người dân, doanh nghiệp; chỉ yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu một lần duy nhất cho các dịch vụ công.

Về dài hạn, thành phố có thể “đặt hàng” những bài toán chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; đầu tư phát triển các công nghệ như in 3D, trí tuệ nhân tạo; tạo các nét đặc trưng riêng như xây dựng trung tâm nghiên cứu sản phẩm thông minh, thực hiện truyền dữ liệu qua hệ thống LORA…

Trong khuôn khổ hội thảo, UBND thành phố công bố Quyết định 698/QĐ-UBND ngày 4-3-2021 về việc thành lập hội đồng chuyên gia tư vấn “Chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng” và Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 19-3-2021 về “Ngày chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng 28-8”. Đồng thời, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cũng ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển đổi số.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.