Kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố xác định việc thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước để bảo vệ lợi ích cho người lao động là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Cẩm Lệ (bìa trái) trao quà hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn trên địa bàn do Covid-19. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Bà Phạm Hoa Lê, Chủ tịch LĐLĐ quận Cẩm Lệ cho biết, năm 2020 mặc dù doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, nhưng LĐLĐ quận đã vận động thành lập mới 6 tổ chức CĐCS với 140 đoàn viên ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tại quận Hải Châu, theo Chủ tịch LĐLĐ quận Lữ Trọng Phương, trong năm 2020, LĐLĐ quận đã thành lập mới 21 tổ chức Công đoàn với 466 đoàn viên. Đây là đơn vị dẫn đầu các địa phương trong công tác vận động thành lập mới tổ chức CĐCS năm 2020.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, năm 2020 mặc dù doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lao động giảm do tác động của Covid-19, nhưng các cấp Công đoàn thành phố đã thành lập mới 57 tổ chức CĐCS, đạt 75,7% chỉ tiêu đề ra, vượt 23,2% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao; phát triển 1.628 đoàn viên công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cấp công đoàn thành phố thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên bảo đảm chỉ tiêu hằng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên do Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố làm Trưởng ban để chỉ đạo, hỗ trợ thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên toàn hệ thống.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, trên cơ sở Luật Công đoàn, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ quy định “việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” và Công văn số 714-CV/TU ngày 24-10-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về Tăng cường công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã ký quy chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố và Cục Thuế để cung cấp danh sách các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố, sau đó tiến hành sàng lọc những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, phân theo địa bàn từng quận, huyện, khu công nghiệp. Dựa trên kết quả đó, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố đã giao chỉ tiêu thành lập mới CĐCS và phát triển đoàn viên, trong đó tập trung thành lập Công đoàn ở các doanh nghiệp có 25 lao động trở lên (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam).
Từ chỉ tiêu giao, các cấp Công đoàn thành phố sử dụng các biện pháp để thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên như: tổ chức vận động chủ doanh nghiệp đồng thuận để thành lập CĐCS; thực hiện vận động người lao động làm đơn gia nhập Công đoàn khi đủ số lượng tiến hành thành lập Công đoàn cơ sở; tham mưu với các UBND quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tiếp cận, gặp gỡ, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập tổ chức Công đoàn; đồng thời tuyên truyền, vận động công nhân lao động tham gia tổ chức Công đoàn, kiến nghị chủ doanh nghiệp thành lập Công đoàn…
Từ thực tiễn trong thời gian qua, ông Nguyễn Duy Minh đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước hiện nay còn một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.
Thời gian đến, khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, AVFTA,… Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 cho phép tổ chức đại diện khác của người lao động được ra đời, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn thành phố đứng trước một thách thức rất lớn và chưa có tiền lệ trong quá trình hình thành và phát triển đó là phải cạnh tranh với tổ chức khác...
Đứng trước những thách thức đó, để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, theo ông Nguyễn Duy Minh, cần nắm chắc nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của công nhân và người lao động; từng bước nghiên cứu giảm các hoạt động hình thức, tập trung hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động, chăm lo trực tiếp đến các vấn đề thiết thân với người lao động như thu nhập, đời sống tinh thần, việc làm, bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Song hành, cần tập trung làm tốt vai trò với 5 đại diện gồm: đại diện cho người lao động tại tòa án để đòi quyền lợi bảo hiểm, các chế độ chính sách, an toàn lao động…; đại diện thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, từng bước tăng số lượng, nâng cao chất lượng các bản thỏa ước; đại diện tham gia có chất lượng vào xây dựng nội quy lao động, các quy định nội bộ, tham gia các hội đồng tại từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
“Qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền lợi thiết thân của đoàn viên, người lao động; đại diện gửi đến cấp ủy Đảng, chính quyền các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động, tăng cường đối thoại 3 bên: Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động để kịp thời tháo gỡ khó khăn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các đơn vị, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Duy Minh cho hay.
ĐẶNG NỞ