Cách làm sáng tạo

.

Sau gần 3 tuần căng mình chống dịch, Đà Nẵng được Chính phủ đánh giá cao trong việc triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Trước đó không lâu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh: “Thành công của Đà Nẵng là bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác phòng, chống Covid-19 của cả nước”. Những bài học đó, ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

Khi ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng được ghi nhận vào ngày 3-5, bài toán mà Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đặt ra lúc bấy giờ là bệnh nhân này đã đi những đâu, tiếp xúc với ai? Việc truy vết F1, F2 được xem là nhiệm vụ sống còn mà ngành y tế và địa phương chạy đua với thời gian. Bởi truy vết càng nhanh thì càng giảm được số ca nhiễm trong cộng đồng và ngược lại.

Thực tế cho thấy, sau gần 3 tuần có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, đến nay Đà Nẵng ghi nhận 147 trường hợp nhưng trong đó 133 trường hợp là các F1 được cách ly kịp thời. Khi các F0 là những F1 được cách ly trước đó, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng do tiếp xúc không còn.

Để làm được điều đó, các địa phương áp dụng nhiều cách làm mới để truy vết, đặc biệt là việc “truy vết ngược” đối với các F1. Theo quy trình thông thường trong phòng, chống dịch, khi trở thành F0, nhân viên y tế mới tiếp cận để lấy thông tin, lời khai về quá trình đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân. Thông tin này nhanh chóng được gửi đến cho các đơn vị, địa phương để tìm F1, F2.

Tuy nhiên, cách làm này dễ bỏ sót F1, F2 do thời điểm lấy lời khai, tâm lý F0 thường lo lắng nên khai không đầy đủ, bị bỏ sót. Chính vì thế, các địa phương đã thống nhất, chủ động lấy lời khai của những trường hợp đang là F1 tại các khu cách ly. Thời gian chủ động, tâm lý thoải mái nên lời khai các F1 đúng, phù hợp với quá trình đi lại, tiếp xúc trước đó. Nhân viên y tế đánh giá và sàng lọc theo hướng xem F1 là F0 tiềm năng và F2 là F1 tiềm năng.

Từ đó, yêu cầu người tiếp xúc gần khai báo chi tiết lịch trình trong vài ngày gần nhất, bảo đảm không bỏ sót người có nguy cơ, kịp thời xác định vùng dịch tễ trong cộng đồng. Ngay khi có đầy đủ thông tin dịch tễ, ngành y tế phối hợp các địa phương thực hiện giám sát y tế tại các khu vực theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm khoanh vùng kịp thời những người có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm được đẩy nhanh để phát hiện sớm ca bệnh. CDC Đà Nẵng tiếp tục áp dụng phương pháp gộp mẫu 5, mẫu 10 và bước đầu triển khai thành công gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm. Phương pháp này tiết kiệm tối đa chi phí, nhưng quan trọng hơn là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.

Khi UBND thành phố ban hành kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng theo hộ gia đình, CDC Đà Nẵng phối hợp các địa phương đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, đỉnh điểm xét nghiệm hơn 36.400 mẫu/ngày - một con số kỷ lục chưa địa phương nào làm được. Để làm được điều đó, nhiệm vụ của các công đoạn từ truy vết, lên danh sách, lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm phải liên thông thành một hệ thống xuyên suốt, nhịp nhàng.

Khi số lượng lớn mẫu bệnh phẩm được lấy, việc nhập liệu, mã hóa thông tin trở thành mắt xích quan trọng để đẩy nhanh tiến độ. Các đơn vị đã bàn bạc và linh hoạt trong chuyển tiếp giai đoạn bằng cách: trong lúc các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm, có 1 bộ phận khác chụp ảnh gửi thông tin qua mạng cho bộ phận ở nhà, bộ phận hành chính nhập liệu trên máy.

Trong trường hợp thiếu người nhập liệu, ngành y tế sẽ hỗ trợ người từ nguồn sinh viên đã có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước đây. Với năng lực và kinh nghiệm hiện có, ngành y tế khẳng định có khả năng lấy và xét nghiệm 100.000 mẫu bệnh phẩm/ngày.

Dịch bệnh tác động rất lớn đến tình hình kinh tế, xã hội, đặc biệt là đời sống của người dân. Rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, thay vì phong tỏa cứng trên diện rộng, các đơn vị, địa phương chủ động đề xuất và triển khai phong tỏa hẹp, phù hợp với thực tế những địa điểm có nguy cơ.

Đến thời điểm này, toàn thành phố chỉ thiết lập vùng cách ly y tế 19 địa điểm, còn lại duy trì 52 khu vực nguy cơ hạn chế ra vào và 100 điểm nóng ghi nhận có ca nhiễm Covid-19. Mỗi khu vực, các địa phương tổ chức kiểm soát, khuyến cáo, nhắc nhở người dân vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch vừa duy trì những hoạt động trong khu vực để ổn định đời sống, tâm lý người dân.

Điều quan trọng, ý nghĩa hơn cả trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 đó chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo thành phố, quận, huyện đến các chi bộ, tổ dân phố và sự đồng lòng của từng người dân. Dù không thực hiện giãn cách nhưng đa phần người dân đã hạn chế ra đường nếu không cần thiết; tuân thủ quy định 5K và công tác phòng dịch trong cộng đồng, nhằm chung tay cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích