Muôn kiểu trông con mùa dịch

.

Khi Covid-19 xuất hiện trở lại trên địa bàn thành phố, từ ngày 4-5, Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh các khối lớp nghỉ học tại trường để phòng, chống dịch. Điều này giúp phụ huynh yên tâm về sức khỏe cho con. Nhưng với các gia đình có con nhỏ, đặc biệt là độ tuổi mầm non, lại gặp nhiều khó khăn khi cha mẹ vẫn phải đi làm.

Một gia đình bỗng nhiên trở thành nhà trẻ thu nhỏ khi vừa giữ con mình và con người thân do ảnh hưởng dịch trẻ không đến trường. Ảnh: NGỌC HÀ
Một gia đình bỗng nhiên trở thành nhà trẻ thu nhỏ khi vừa giữ con mình và con người thân do ảnh hưởng dịch trẻ không đến trường. Ảnh: NGỌC HÀ

Covid-19 khiến cuộc sống gia đình chị Trà My (quận Ngũ Hành Sơn) đảo lộn khi con nghỉ học ở nhà. Cả hai vợ chồng đều là cán bộ Nhà nước nên vẫn phải đi làm. “Con gái lớn đã học lớp 9 nên có thể trông em nhỏ mới 3 tuổi. Tuy nhiên, bé đang ôn thi vào lớp 10, vì thế phải dành thời gian học tập. Tôi đành nhờ bác hàng xóm thường xuyên chạy qua trông chừng. Đồng thời, vợ chồng tôi tranh thủ sắp xếp công việc, chạy đi chạy về dù làm ở quận Liên Chiểu. Vất vả nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng, hy vọng Covid-19 sớm được kiểm soát để gia đình tôi quay lại nhịp sống hằng ngày”, chị My cho biết.

Trường hợp chị Như Bích (quận Hải Châu) cũng khiến không ít người lo lắng khi để con ở nhà một mình. Chị Bích chia sẻ, sau ảnh hưởng của đợt Covid-19 từ năm ngoái, khó khăn lắm chị mới tìm được công việc nhân viên văn phòng tại một công ty tư nhân. Do mới chân ướt chân ráo vào làm việc, chị không thể nghỉ phép dài ngày để ở nhà trông con. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng đành để con trai đang học lớp 1 ở nhà một mình và thường xuyên gọi về nhà để quan sát con. Đồng thời, chị dặn dò con nếu có vấn đề gì thì gọi điện ngay cho ba mẹ.

Công việc linh động, thoải mái về giờ giấc nhưng chị Ánh Hà (quận Thanh Khê) cũng đau đầu với việc trông 3 con nhỏ trong mùa Covid-19. Theo chị Ánh Hà, thoải mái về giờ giấc nhưng không có nghĩa là không làm việc. Khi có chuyện cần ra ngoài, chị phải ôm con nhỏ (2 tuổi) qua gửi nhà hàng xóm, 2 con lớn tự chơi với nhau hoặc có khi mang cả 3 đến nhà em gái gửi.

“Vừa làm việc, vừa trông 3 con đang tuổi nghịch ngợm, vợ chồng tôi quay cuồng. Cả hai phân chia trông con tùy vào lịch làm việc của mỗi người. Không đến nỗi vất vả như những gia đình khác nhưng chúng tôi bị đảo lộn giờ giấc, ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giấc”, chị Hà cho biết.

Ngoài việc để các con tự chăm sóc, nhiều gia đình phải tìm cách thuê người hoặc gửi con về quê. Câu chuyện của chị Ngọc Mai (quận Liên Chiểu) là một ví dụ. Là nhân viên ngân hàng tư nhân, chị Mai làm việc tại chi nhánh quận Hải Châu, con mới tròn 3 tuổi. Khi các cơ sở mầm non tạm thời không nhận trẻ, chị chẳng còn cách nào hơn là thuê chính cô giáo của con chăm sóc với kinh phí 300.000 đồng/ngày và trả theo ngày.

“Nhờ cô giáo của con thì mình yên tâm vì con đã quen với cô. Về phần mình, may mắn ngân hàng có quy định để phòng, chống dịch nên nhân viên thay phiên nhau làm, mỗi người làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần. Nhờ đó, tôi có thời gian chăm sóc con và giảm bớt chi phí cho việc trông trẻ”, chị Mai nói.

Trong khi đó, chị Như Nguyệt (quận Sơn Trà) chọn giải pháp để con ở quê cùng ông bà. Chị Nguyệt chia sẻ, từ sau lễ 30-4 và 1-5, khi nhà trường thông báo học sinh tạm dừng đến trường học, công việc bận bịu nên chị cho các cháu ở luôn quê ngoại tại Hội An (Quảng Nam), nhờ ông bà chăm nom từ đó đến nay.

Vừa rồi, nhà trường thông báo cho làm bài kiểm tra cuối kỳ nhưng chị không thể đón các con ra được vì việc đi lại giữa hai địa phương đang hạn chế. Cũng may có phương án giáo viên giao bài kiểm tra qua mạng để chị gửi về quê cho gia đình in ra, cho các con làm và chụp gửi lại kết quả cho cô giáo.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.