Phân loại, tái chế rác để bảo vệ môi trường

.

Trong bối cảnh 5 hộc rác hiện trạng ở bãi rác Khánh Sơn sẽ đầy vào tháng 2-2023 nên hiện nay, nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đang tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tích cực phân loại, tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu rác chở đi chôn lấp.

Người dân phường Thạch Thang (quận Hải Châu) tham gia chương trình đổi rác tài nguyên lấy các sản phẩm có giá trị. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Người dân phường Thạch Thang (quận Hải Châu) tham gia chương trình đổi rác tài nguyên lấy các sản phẩm có giá trị. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vừa qua, trong 9 ngày liên tục, các đoàn viên thanh niên Đoàn phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cùng các chuyên gia, điều phối viên của Liên minh không rác Việt Nam, Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng và môi trường (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và một số đơn vị thu gom, tiếp nhận rác sinh hoạt của 34 hộ gia đình ở khu dân cư (KDC) số 56 (phường An Hải Bắc). Cùng với đó, chi hội phụ nữ KDC cũng thu gom riêng các loại rác tài nguyên (nhựa, kim loại, giấy) hằng tuần để gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn với giá trị 3,8 triệu đồng).

Bà Quách Thị Xuân, điều phối viên Liên minh không rác Việt Nam thông tin, khối lượng rác hữu cơ chiếm 58% tổng khối lượng rác được phân loại tại KDC nói trên và ước tính trung bình mỗi ngày, 34 hộ gia đình thải ra 16-17 kg rác hữu cơ. Khi phỏng vấn 34 hộ gia đình, có 47% số hộ đã tự xử lý rác hữu cơ và 76% số hộ mong muốn được tự xử lý rác hữu cơ. Nếu khối lượng lớn rác hữu cơ được các hộ gia đình giữ lại, ủ vi sinh thì khối lượng rác chở lên bãi rác Khánh Sơn sẽ giảm nhiều. Các loại rác nhựa cần tập trung làm giảm và có thể giảm được nhiều là: túi ni-lon, hộp nhựa, ly nhựa, hộp xốp và các loại bao gói thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng giỏ, túi đựng nhiều lần để đi chợ; trang bị bình, cà-mèn, hộp đựng nhiều lần để chứa thức ăn, nước uống...

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà Đoàn Văn Đức cho biết, đơn vị vừa phối hợp với UBND phường An Hải Bắc, UBND phường Phước Mỹ tổ chức tập huấn công tác quản lý rác và hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cho 200 đại diện nhà hàng, khách sạn... trên địa bàn 2 phường. Đơn vị đã vận động, hướng dẫn các đại diện nhà hàng, khách sạn... tích cực phân loại rác và thực hiện 3R, giảm thiểu rác mang đi chôn lấp. Đồng thời yêu cầu tuân thủ nghiêm túc, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tránh ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Trong tháng 6-2022, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường (từ ngày 1-6 đến 31-8-2022), các đơn vị, địa phương, hội đoàn thể trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực nhằm duy trì thường xuyên các hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tổ chức ngày hội môi trường với nhiều hoạt động thu, đổi rác tài nguyên lấy quà tặng, giới thiệu các mô hình 3R và giảm thiểu rác thải nhựa...

Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) Nguyễn Thị Việt Trang chia sẻ: “Bên cạnh việc duy trì hoạt động thu gom rác tài nguyên tại các KDC, hằng tuần, phường tổ chức mô hình siêu thị đổi quà (thu rác tài nguyên đổi quà tặng) với các quầy hàng hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, thực phẩm, cây xanh... kết hợp thi thuyết minh các mô hình 3R nhằm tiếp tục thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa, giảm khối lượng rác đem chôn lấp”. UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cũng tổ chức cuộc thi trang trí gian hàng trưng bày sản phẩm kết hợp tổ chức các hoạt động 3R và thu, đổi rác tài nguyên lấy quà tặng.

“Sau khi kết thúc cuộc thi, chúng tôi cất giữ các sản phẩm, dụng cụ... để thường xuyên lắp dựng gian hàng, trưng bày sản phẩm kết hợp tổ chức các hoạt động 3R và thu, đổi rác tài nguyên lấy quà tặng tại KDC. “Bảng giá” thu, đổi rác tài nguyên lấy quà tặng sẽ được tái sử dụng nhiều lần để người dân nhớ giá trị quy đổi nhằm tích cực phân loại rác, lưu giữ rác tài nguyên để mang đi thu, đổi các sản phẩm có giá trị hơn”, Trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư Thuận Lập B (phường Thạch Thang) Phan Thị Ngọc Bích nói.

Nhằm giảm thiểu nhiều hơn rác phải chôn lấp trong thời gian đến và giảm tiền rác mà người dân phải trả theo quy định Luật Bảo vệ môi trường cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố về chi trả phí xử lý rác, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức triển khai các dự án quản lý chất thải rắn, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và các hoạt động 3R.

Trong tháng 6-2022, đơn vị đã ký kết hợp tác triển khai dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ với tổng kinh phí 34,6 tỷ đồng nhằm xử lý và tiêu thụ mỗi năm khoảng 5.000 tấn rác thải nhựa. Đồng thời, hợp tác triển khai dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam” (SATREPS) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nhằm quản lý, thu gom và tái chế các loại bê-tông xi-măng, gạch vỡ, phế thải xây dựng...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.